Trước hết Nhà nước cần tổ chức nghiên cứu xây dựng để sớm ban hành luật (hoặc pháp lệnh) về hoạt động tôn giáo nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này, đồng thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tín đồ sinh hoạt tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật.
Các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội Trung ương cũng như địa phương có liên quan đến hoạt động của Phật Giáo Hòa Hảo (nhất là những cán bộ công tác trực tiếp như Công an, Dân vận, Mặt trận, Ban tôn giáo...) cần được thông tin đầy đủ thống nhất trong nhận thức và đánh giá về Phật Giáo Hòa Hảo. Có thể nói đây là một khâu quan trọng, một vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết trong giai đoạn hiện nay.
* Một số đề xuất về sinh hoạt tôn giáo của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo :
- Ngày lễ của Phật Giáo Hòa Hảo: Giáo lý qui định mỗi tín đồ phải hành lễ hàng ngày, ngoài ra cùng với tục ăn chay vào ngày rằm, mồng một âm lịch, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thường tỏ ra chu đáo và sốt sắng hơn so với ngày thường, tuy rằng đó không phải là ngày lễ tuyền trọng như một số tôn giáo khác. Ngày giỗ Đức Ông (07/3), Đức Bà (26/4) không phải là một ngày lễ của Phật Giáo Hòa Hảo nhưng cũng được số đông tín đồ trong khu vực gần Tổ Đình quan tâm. Hàng năm cứ đến ngày đó, nhiều tín đồ tự nguyện về đây lễ bái để tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những người đã có công sinh dưỡng Giáo Chủ của mình.
Ngày 18 tháng 5 âm lịch được gọi là ngày lễ Khai đạo và từ lâu đã trở thành tiềm thức của mọi tín đồ. Trong những năm gần đây vào dịp này Tổ Đình và An Hòa Tự là điểm hành hương của hàng vạn tín đồ từ khắp nơi đổ về. Thực trạng này đã gây không ít khó khăn cho chính quyền các cấp ở An Giang và một số tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Cần Thơ... trong việc bảo đảm an ninh trật tự. Mặt khác, do chỗ chưa thống nhất về nhận thức và chủ trương nên càng tăng thêm tính phức tạp của vấn đề. Một số phần tử xấu trong và ngoài nước đã lợi dụng để kích động quần chúng hoặc xuyên tạc vu cáo Nhà nước ta ngăn cấm hoạt động tôn giáo... Cho nên Nhà nước (Chính phủ) hoặc cơ quan có thẩm quyền nên công khai cho phép Phật Giáo Hòa Hảo lấy ngày 18 tháng 5 là ngày “Đại lễ” duy nhất trong năm. Vào ngày đó, tín đồ mọi nơi có thể được phép về thăm viếng An Hòa Tự với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp. Tuy nhiên để việc hành hương vừa là một sinh hoạt tôn giáo, một hoạt động văn hóa tinh thần,vừa đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội và cộng đồng tín đồ thì Đảng và chính quyền các cấp một mặt phải tạo điều kiện thuận lợi, nhưng mặt khác phải có những qui định cụ thể buộc mọi người thực hiện trong quá trình hành hương.
- Việc phát hành các ấn phẩm tôn giáo: Đây vừa là nhu cầu cấp thiết, vừa thể hiện “bộ mặt” của đời sống tôn giáo.
Đối với sách giáo lý (cuốn Sấm Giảng Thi Văn toàn bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, ấn hành năm 1966 chưa tái bản) bắt nguồn từ nhu cầu bức bách nên gần đây có tình trạng in chui, phô tô lại bản cũ gây ra phức tạp về an ninh trật tự, vừa tạo ra tâm lý mặc cảm trong quần chúng tín đồ cho rằng Nhà nước ngăn cấm hoạt động tôn giáo của Phật Giáo Hòa Hảo. Vì vậy cần cho phép tái bản cuốn sách này để thỏa mãn nhu cầu kinh sách của tín đồ. Tuy nhiên, vì đây là một bản sách xuất bản dưới chế độ ngụy và sau 19 năm tác giả qua đời nên Chính phủ cần giao cho ngành Văn hóa phối hợp với các ngành liên quan xét duyệt lại nội dung nhằm loại bỏ những yếu tố chính trị phản động.
- Thời gian gần đây một số nơi có Phật Giáo Hòa Hảo đã xảy ra hiện tượng phát tán băng ghi âm bình giảng về nội dung “Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ” hoặc một số tín đồ chuyền tay nhau các bài giảng giáo lý theo chuyên đề có nội dung xấu, thông qua việc bình giảng giáo lý để lồng ghép nội dung chính trị phản động. Loại hoạt động này vừa vi phạm pháp luật Nhà nước, vừa trái qui định của giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo (tín đồ tự đọc, nghe nguyên văn Sấm giảng và tự hiểu theo nhận thức của mình). Như vậy loại hình truyền đạo này phải ngăn cấm và loại bỏ.
- Về hoạt động từ thiện của các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo: Đây là những hoạt động vốn có từ khi tôn giáo này ra đời đã trở thành nếp sống đạo của nhiều tín đồ chân chính. Xét về mặt xã hội những hoạt động cứu khổ, cứu nạn, giúp kẻ nghèo hèn của các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là đáng được hoan nghênh và khích lệ, nhất là trong khi đạo đức xã hội đang được báo động bị xuống cấp thì chúng ta không thể xem nhẹ vai trò cái “phanh hãm” này của đạo đức Phật Giáo Hòa Hảo nói riêng và của các tôn giáo nói chung. Tuy nhiên, trong thực tế những hoạt động từ thiện tôn giáo đã bị lợi dụng vào mục đích truyền giáo và tuyên truyền phản cách mạng. Chúng ta không phủ nhận chức năng vốn có của mọi tôn giáo là truyền giáo và hoạt động từ thiện là một công cụ mạnh để thực hiện chức năng đó. Vấn đề là ở chỗ làm sao để những người nghèo khổ nhận sự “nhường cơm xẻ áo” từ các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là nhận sự chia sẻ đùm bọc bắt nguồn từ tình cảm của cộng đồng xã hội, đừng để họ nhận như sự ban ơn, bị lệ thuộc.
Hoạt động này cần được khuyến khích nhưng cũng cần được quản lý và tổ chức chặt chẽ. Mọi tín đồ có thể tham gia hoạt động từ thiện thông qua các tổ chức, đoàn thể sẵn có ở địa phương như : Hội chữ thập đỏ, Hội Bảo thọ, Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên ... Nghĩa là thông qua các pháp nhân.