Ngành Logistics Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển với môi trường kinh doanh còn nhiều yếu kém đặc biệt về cơ sở hạ tầng và môi trường pháp luật gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp logistics nói chung và các doanh nghiệp logistics Việt Nam nói riêng.
Qua thực trạng kinh doanh logistics của các doanh nghiệp logistics Việt Nam thì các doanh nghiệp này hiện chỉ cung ứng các dịch vụ logistics cơ bản tập trung trong nước, chưa cung ứng tích hợp dịch vụ giá trị gia tăng vào chuỗi cung ứng của mình và dịch vụ ở đầu nước ngoài gần như phụ thuộc hoàn toàn vào đại lý. Bên cạnh đó, họ chưa đáp ứng tốt nguồn cầu trong nước và nước ngoài cũng như thực hiện tốt vai trò đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế. Đã yếu kém nhiều mặt lại phải chịu tác động từ môi trường kinh doanh làm hạn chế hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Còn khi so với doanh nghiệp nước ngoài thì các doanh nghiệp Việt Nam gần như yếu toàn diện về quy mô, thương hiệu, dịch vụ, mạng lưới toàn cầu và hiệu quả kinh doanh. Chính vì vậy để cạnh tranh được với các doanh nghiệp logistics nước ngoài thì các doanh nghiệp trong nước phải khắc phục được những yếu kém nêu trên thì mới khả năng tồn tại và phát triển.
Với thực lực gần như yếu toàn diện như thế thì khi gia nhập WTO các doanh nghiệp Việt Nam lại phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường trong nước trước khi đón được cơ hội do WTO mang lại nguồn cầu lớn, gia tăng nhanh chóng và vươn ra thị trường thế giới.
Khi giải quyết được những vấn đề tồn tại trên thì các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể đứng vững trong cạnh tranh, nâng cao vai trò của mình đối với nền kinh tế và đối với các doanh nghiệp và từ đó phát triển chung với ngành logistics. Vấn đề này sẽ được giải quyết trong chương 3.