cung tiền thông qua kênh tín dụng, kết hợp hài hòa với công cụ lãi suất nhằm thực hiện mục tiêu giảm tổng cầu theo tinh thần của Nghị quyết 11
Quyết tâm đó được thể hiện rõ nét thông qua các mục tiêu cụ thể để kiểm soát tín dụng trong Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 01/3/2011 về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cụ thể là:
- Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% (Từ đầu năm đến nay, xu hướng gia tăng của lạm phát khó có dấu hiệu dừng nên mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng đã được điều chỉnh giảm từ 23% xuống còn 20%).
- Điều chỉnh cơ cấu tín dụng, tập trung vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất trong tổng dư nợ xuống mức 22% đến 30/6/2011 và 16% đến 31/12/2011.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ mục tiêu tập trung vốn vay cho phát triển sản xuất kinh doanh và nông nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, NHNN còn ban hành 02 Thông tư số 07/2011/TT-NHNN ngày 24/3/2011 về hoạt động cho vay bằng ngoại tệ của TCTD đối với khách hàng vay là người cư trú và số 08/2011/TT-NHNN ngày 08/4/2011 hướng dẫn chi tiết về tín dụng kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời để hạn chế tốc độ tăng
trưởng tín dụng ngoại tệ quá nóng - dư âm từ năm 2010 do có sự chênh lệch lợi nhuận giữa lãi suất VNĐ và USD - NHNN đã ban hành Quyết định số 1209/QĐ-NHNN về điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các TCTD.
Với quyết tâm của NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã có xu hướng giảm qua các tháng, đặc biệt là trong Quý II/2011, tín dụng đối với nền kinh tế hàng tháng có xu hướng giảm rõ rệt chỉ ở mức 0,12% so với tháng trước. Tính đến ngày 10/6/2011, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 7,05% so với tháng 12/2010, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và nếu so với chỉ tiêu cả năm tăng dưới 20% thì có thể khẳng định rằng tăng trưởng tín dụng đang đi đúng với mục tiêu đề ra. Đặc biệt trong điều kiện phải thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát thì tín dụng đã được tập trung ưu tiên hơn cho lĩnh vực sản xuất. Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng tín dụng đã đạt 25%. Đối với khu vực phi sản xuất, nếu như cuối năm 2010, tỷ trọng tín dụng cho khu vực này là 18,87% thì đến cuối tháng 5/2011 đã giảm xuống còn 16,91%.
Nhìn chung, đến thời điểm này, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, diễn biến của thị trường tiền tệ ngân hàng đang dần đi đúng hướng, bám sát mục tiêu và sự chỉ đạo của Chính phủ, song những mối lo về việc tạo lập được một mặt bằng lãi suất phù hợp (không quá cao, đảm bảo cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn của ngân hàng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh), đảm bảo tính thanh khoản hệ thống, duy trì sự ổn định bền vững của thị trường ngoại hối vẫn còn là những thách thức của NHNN.