II. Hệ thần kinh ngoại biê n:
a. Neuron ( còn gọi là tế bào thần kinh)
Cấu tạo: neuron bao gồm thân neuron và các nhánh neuron.
Thân neuron:
Có hình dạng khác nhau, thường là hình sao, hình cầu, hình cầu, hình tháp.
Hầu hết tế bào thần kinh đều có 1 nhân hình cầu, bào tương chứa hầu hết các bào quan phổ biến.
Mạng lưới nội chất hạt phát triển, cùng với các đám ribosome tự do tạo thành những vùng đất bắt màu base đậm, phân bố đều khắp bào tương thân neuron gọi là thể Nissl.
Bào tương của thân neuron còn chứa nhiều xơ thần kinh và vi ống thần kinh.
Các vi ống có tác dụng vận chuyển các chất từ vùng này đến vùng khác của neuron. Trong thân neuron còn chứa những hạt mỡ, hạt glycogen, hạt vùi màu nâu hoặc màu đen (hạt sắc tố lipofuscin) thường thấy ở những tế bào thần kinh già.
Nhánh neuron: là các nhánh bào tương kéo dài từ thân neuron và phân nhánh nhiều lần, được phân loại gồm sợi nhánh và sợi trục.
♦ Sợi nhánh:
Là những nhánh dẫn truyền xung động thần kinh vào thân neuron. Mỗi neuron có thể có từ một đến nhiều sợi nhánh.
Sợi nhánh phân nhánh nhiều và thường có kích thước nhỏ hơn sợi trục.
Bề mặt sợi nhánh thường không đều đặn, có những chồi, hay gai lồi ra, đây là những vị trí tiếp xúc, liên hệ với các neuron xung quanh.
Trong bào tương của sợi nhánh chứa lưới nội chất hạt, ty thể, xơ thần kinh và các vi ống thần kinh.
Ở phần tận cùng các nhánh tận của sợi nhánh thường phình ra thành cúc tận cùng (đầu tận cùng).
Có vai trò tiếp nhận xung thần kinh để truyền tới các trung khu nên còn được gọi là các sợi cảm giác, hướng tâm.
♦ Sợi trục:
Thường là nhánh neuron dài nhất, dẫn truyền luồng xung động thần kinh từ thân neuron truyền sang tế bào khác, mỗi neuron chỉ có một sợi trục
Sợi trục có hình trụ, kích thước và chiều dài thay đổi tùy từng loại neuron. Sợi trục có đường kính lớn, dẫn xung động thần kinh nhanh hơn sợi nhánh. Sợi trục có đường kính ít thay đổi, ít chia nhánh.
Phần xa của sợi trục thường chia ra các nhánh nhỏ, đầu cuối của các nhánh đó tiếp xúc với những tế bào kế tiếp bằng những cúc tận cùng. Bào tương của sợi trục chứa ty thể, vi ống thần kinh, xơ thần kinh, không có lưới nội chất hạt và ribosome. Màng sợi nhánh và màng sợi trục đều có tốc độ khử cực rất nhanh.
Phân loại neuron
♦ Phân loại theo số sợi nhánh, sợi trục: neuron được phân thành 3 loại. Neuron đơn cực: chỉ có duy nhất sợi trục.
Neuron lưỡng cực: có 1 sợi trục và 1 sợi nhánh. Neuron đa cực: có 1 sợi trục và nhiều sợi nhánh.
Ngòai ra còn có dạng neuron đơn cực giả, lưỡng cực giả.
♦ Phân loại theo chức năng: có 3 loại
Neuron cảm giác: nhận các xung động thần kinh được tạo thành do sự kích thích từ các tế bào, cơ quan cảm giác ngoại biên và vận chuyển vào hệ thần kinh trung ương.
Neuron vận động: vận chuyển xung động từ các trung tâm thần kinh tới các cơ quan, điều khiển hoạt động co cơ và hoạt động chế tiết của các tuyến.
Neuron trung gian: vận chuyển xung động thần kinh giữa các neuron vận động hoặc giữa các neuron cảm giác, hoặc giữa neuron vận động và neuron cảm giác.
Sợi thần kinh:
sợi trục và sợi nhánh của neuron là thành phần cấu tạo chủ yếu của sợi thần kinh. Có 2 loại sợi thần kinh: sợi thần kinh không myelin và sợi thần kinh có myelin. Lan truyền xung động thần kinh trên sợi thần kinh:
Lan truyền xung thần kinh trên sợi thần kinh không có bao myelin
Trên sợi thần kinh không có bao myelin, xung thần kinh lan truyền liên tục từ vùng này sang vùng khác kề bên. Xung thần kinh lan truyền là do mất phân cực, đảo cực và tái phân cực liên tiếp hết vùng này sang vùng khác trên sợi thần kinh.
Lan truyền xung thần kinh trên sợi thần kinh có bao myelin
Một số sợi thần kinh có bao myelin. Bao myelin bao bọc không liên tục mà ngắt quãng tạo thành các co Ranvier. Bao myelin có bản chất là phospholipid nên có màu trắng và có tính chất cách điện.
Trên sợi thần kinh có bao myelin, xung thần kinh lan truyền theo cách nhảy cóc, từ eo Ranvier này sang eo Ranvier khác. Xung thần kinh lan truyền theo cách nhảy cóc là do mất phân cực, đảo cực và tái phân cực liên tiếp từ eo Ranvier này sang eo Ranvier khác.
Do lan truyền theo cách nhảy cóc nên tốc độ lan truyền của xung thần kinh trên sợi có bao myelin nhanh hơn nhiều so với trên sợi không có bao myelin.
Ví dụ ở người, tốc độ lan truyền xung thần kinh trên sợi thần kinh vận động (có bao myelin) là khoảng 100m/giây, còn trên sợi thần kinh giao cảm (không có bao myelin) là khoảng 3 – 5 m/giây.
b. Synapse
gồm có tiền synapse và hậu synapse. Giữa tiền synapse và hậu synapse là một khoảng gian bào hẹp kích thước khoảng 20nm gọi là khe synapse.
Phần tiền synapse: thường là đầu tận cùng của sợi trục thuộc neuron trước. Màng tiền synapse thường dày hơn màng tế bào ở những chỗ khác. Trong bào tương của tiền synapse có nhiều ty thể, xơ thần kinh, siêu ống thần kinh, đặc biệt có chứa nhiều túi nhỏ gọi là túi synapse chứa chất trung gian hóa học (chất dẫn truyền thần kinh) đóng vai trò quyết định trong việc dẫn truyền xung động thần kinh qua synapse.
Phần hậu synapse: có thể là cúc tận cùng của sợi nhánh, thân sợi nhánh, thân neuron hay thân sợi trục của neuron kế tiếp hoặc là một tế bào hiệu ứng như: tế bào cơ, tế bào biểu mô tuyến. Màng hậu synapse chứa các thụ thể đặc hiệu với từng chất trung gian hóa học. Bào tương hậu synapse chứa ty thể, lưới nội chất, siêu ống thần kinh, xơ thần kinh nhưng không có túi synapse.
Phân loại synapse:
Dựa vào thành phần tham gia hình thành synapse, có:
Synapse liên neuron: synapse trục – nhánh, synapse trục – thân, synapse trục - trục.
Synapse thần kinh - bộ phận tác động: synapse thần kinh – cơ, synapse thần kinh - tuyến, synapse thần kinh - tế bào cảm giác.
Dựa vào cơ chế dẫn truyền xung động thần kinh qua synapse, có:
Synapse điện: về cấu trúc, synapse điện tương tự liên kết khe của các tế bào biểu mô hoặc của các tế bào cơ trơn hoặc cơ tim. Sự dẫn truyền xung động thần kinh qua synapse này không đòi hỏi hóa chất trung gian mà do sự chuyển dịch của dòng ion gây thay đổi điện thế màng. Ở người, synapse điện hiếm gặp; synapse điện có ở võng mạc, ở não.
Synapse hóa: là loại synapse phổ biến trong cơ thể và cần có sự tham gia của chất trung gian hóa học để dẫn truyền xung động thần kinh qua synapse.
Dựa vào chức năng sinh lý, có:
Synapse hưng phấn: màng hậu synapse thường dày hơn màng tiền synapse. Ở loại synapse này, xung động thần kinh sẽ được truyền từ tiền synapse đến hậu synapse. Synapse ức chế: màng tiền synapse và màng hậu synapse có chiều dày ngang nhau. Ở synapse ức chế, xung động thần kinh không thể truyền qua phần hậu
synapse.