Trường phái cho rằng công ty nên sử dụng công cụ phái sinh:

Một phần của tài liệu quyền chọn chứng khoán (Trang 64)

Trường phái này lại cho rằng nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là:

 Lãi suất được cắt giảm liên tục:

Năm 2000, lãi suất cơ bản của FED là trên 6%. Lãi suất này liên tục được cắt giảm, thậm chí như đã nói ở trên, đến giữa năm 2003 thì chỉ còn 1%. Chính sách cắt giảm lãi suất được thực hiện nhằm kích thích tiêu dùng trong dân cư, kích thích đầu tư trong khối doanh nghiệp, giúp nền kinh tế thoát khỏi trì trệ sau sự kiện bong bóng dotcom bùng nổ và sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố vào năm 2001. Với bối cảnh hiện thời, chính phủ Mỹ cho rằng chính sách kích cầu là thích hợp nhất và mục tiêu chính là thị trường nhà ở.

Hình 2.9: Chênh lệch lãi suất ở Mỹ

 Chính sách ưu đãi của chính phủ:

Từ những năm 1999 đến 2006, hệ thống ngân hàng luôn đạt được mức lợi nhuận tăng trưởng đầy ấn tượng. Một phần nguyên nhân là do các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay bất động sản dưới sự khuyến khích của chính phủ Mỹ. Tiêu biểu cho vấn đề này là sự kiện trong những năm cuối cùng của nhiệm kỳ chính quyền Bill Clinton đã ban hành đạo luật tái phát triển cộng đồng, tập trung vào mục tiêu xã hội là giải quyết nhà ở cho người dân có thu nhập thấp. Thêm vào đó năm 1980, chính phủ Mỹ đã ban hành Luật Giao dịch thế chấp tương đương (Alternative Mortgage Transaction Parity Act), nới lỏng những quy tắc cho vay và khuyến khích những kênh tài trợ khác phi ngân hàng. Đạo luật này góp phần ra đời nhiều công ty cho vay thế chấp và không chịu sự ràng buộc bởi các luật lệ của ngân hàng. Ngay cả những ngân hàng cũng thành lập hoặc liên kết với các công ty cho vay thế chấp làm bùng nổ các kênh cung cấp vốn cho thị trường bất động sản. Chính sách lãi suất thấp cùng với sự ưu đãi của chính phủ, hai yếu tố này như hai liều thuốc tăng lực đã thúc đẩy ngân hàng cho vay và đi vay, còn người dân thì đua nhau đi vay tiền ngân hàng mua nhà.

 Chính phủ buông lỏng giám sát – Ngân hàng nới lỏng tín dụng:

Một sai lầm của Chính phủ Mỹ trong cuộc khủng hoảng lần này là đã buông lỏng việc giám sát hoạt động cho vay địa ốc dưới chuẩn. Một nguyên tắc truyền thống “bất di bất dịch” của ngành ngân hàng là không được phép thực hiện nghiệp vụ cho vay đối

với những khách hàng không có khả năng thanh toán các khoản vay khi đến hạn. Tuy nhiên, quy định này bị “làm ngơ” trong hoạt động cho vay dưới chuẩn tại Mỹ. Thậm chí, vào năm 1994, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Quyền sở hữu nhà và Bảo vệ tài sản nhằm cho phép FED buộc các tổ chức cho vay địa ốc phải tuân thủ các tiêu chuẩn cho vay truyền thống. Nhưng ông Alan Greenspan – Chủ tịch FED lúc bấy giờ, đã từ chối quyền lực được giao này vì ông cho rằng thị trường tài chính sẽ tự điều chỉnh. Cũng do sự cạnh tranh gay gắt trong ngành, các ngân hàng cho vay sẵn lòng cho người dân vay, nới lỏng tín dụng, thậm chí đối với những khách hàng có hạng mức tín dụng dưới chuẩn - những đối tượng không có thu nhập ổn định, có tiền sử tài chính xấu, không có được các tài sản đảm bảo cho các khoản vay của mình.

So với trước đây, ở Mỹ để có thể vay tiền ngân hàng mua nhà ở trả góp thì người vay gọi là “đủ tiêu chuẩn” phải có được ba tiêu chuẩn cơ bản là: tiền cọc ít nhất bằng 10% tiền mua nhà , thu nhập phải ổn định để cho số tiền trả góp hàng tháng không quá 28% thu nhập và có điểm tín nhiệm vay trả sòng phẳng. Bên cạnh đó ngân hàng chỉ được phép cho vay tuỳ thuộc vào lượng tiền gửi hiện đang có tại ngân hàng cũng như tỷ lệ dự trữ bắt buộc của chính phủ đối với ngân hàng.

Hình 2.10: Doanh số bán nhà ở Mỹ giai đoạn 1995 - 2007

Một điều tất yếu, rủi ro cao thì lãi suất cao. Tuy nhiên, nếu lãi suất cao thì đại bộ phận những người dân nghèo sẽ không dám đi vay tiền. Do đó, các ngân hàng cho vay bất động sản để tạo ra các sản phẩm cho vay “hấp dẫn” như Alt-a tức cho vay với lãi suất rất thấp trong năm đầu sau đó lãi suất sẽ tính theo lãi suất thị trường. Do đó bất cứ

cá nhân, tổ chức nào cũng có thể vay tiền mua nhà một cách dễ dàng. Điều này làm cho doanh số nhà ở tại Mỹ tăng lên nhanh chóng.

Các ngân hàng dám mạnh tay thực hiện những nghiệp vụ cho vay này với một tâm lý ỷ lại do đã có sự bảo đảm ngấm ngầm từ chính phủ mà hiện thân lúc bấy giờ là hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac. Sở dĩ tồn tại hai công ty này vì để hỗ trợ cho vay tạo lập nhà ở, Chính phủ Mỹ cho lập Hiệp hội quốc gia tài trợ bất động sản (Federal National Mortgage Association - gọi tắt là Fannie Mae) và Tập đoàn cho vay quốc gia (Federal Home Loan Mortgage Corporation - gọi tắt là Freddie Mac). Hoạt động chính của hai công ty này là mua lại những món vay nợ thế chấp bằng bất động sản, đặc biệt là các khoản vay thế chấp “dưới chuẩn” (subprime mortgage) của các ngân hàng rồi dùng bất động sản thế chấp để phát hành “trái phiếu tái thế chấp” (Mortgage-backed Securities) bán cho các nhà đầu tư khác nhằm tăng tính thanh khoản cho ngân hàng. Lúc này các món nợ nhà ở đã được “trái phiếu hoá” thành sản phẩm tài chính thông dụng có thể mua bán dễ dàng trên thị trường tiền tệ.

 Vấn đề lương, thưởng cho các CEO ngành tài chính:

Một nguyên nhân nữa cho sự “mạnh tay” này còn xuất phát từ triết lý và cung cách kinh doanh của các nhà lãnh đạo phố Wall, liên quan tới vấn đề chi phí đại diện. Kết quả đạt được từ hoạt động kinh doanh sẽ quyết định cho mức lương và tiền thưởng. Điều này khiến cho các nhà quản lý như con thiêu thân lao vào các hoạt động kinh doanh đầy rủi ro. Đối với họ lúc bấy giờ, lợi nhuận trước mắt mới quan trọng, họ sẵn sàng bỏ qua sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các khoản lợi nhuận và các khoản thu được kếch sù từ các khoản cho vay thứ cấp có sức hấp dẫn cực kỳ ghê gớm. Với mức lãi suất được tính toán một cách công phu và khéo léo thậm chí có thể các nhà đầu tư cũng không thể hiểu hết được. Cũng bởi sự hấp dẫn quá lớn từ cho vay dưới chuẩn đã dấy lên lòng tham của các ngân hàng và chính lòng tham đó đã giết chết họ. Trong khi đó những người có đủ quyền hạn và trách nhiệm trong thị trường tài chính Mỹ thì “giả câm, giả điếc” hay suy nghĩ lạc quan hơn là họ không kiểm soát nổi. Hệ thống ngân hàng ở Mỹ chịu sự giám sát của FED nhưng hoạt động mua bán chứng khoán chịu sự giám sát của SEC, hoạt động này hầu như hoàn toàn tự do. Thêm một kẻ hở nữa cho hoạt động kiếm lời của các tổ chức tài chính. Các ngân hàng thì thả sức gia

tăng nguồn vốn tài trợ cho các tổ chức cá nhân mua bán nhà ở thông qua kỹ thuật “chứng khoán hoá bất động sản thế chấp” trong khi hệ thống kiểm soát thì không theo kịp.

Các ngân hàng đua nhau cho vay dưới chuẩn với những điều kiện cho vay quá dễ dãi. Họ không xét đến khả năng chi trả và điểm tín dụng theo quy định nhưng lúc này người đi vay phải trả lãi suất cao hơn 1 đến 2%. Ngoài ra, việc cho vay dưới chuẩn còn thể hiện ở chỗ ngân hàng thực hiện ở mức cho vay cao tới 85% giá trị bất động sản thế chấp. Người mua chỉ cần đóng góp 15% là đủ điều kiện cho vay. Các tổ chức tín dụng tranh nhau phát hành những gói tín dụng hấp dẫn.

Hình 2.11 Đòn bẩy tài chính của các ngân hàng Mỹ Q1 năm 2008

Một thời cơ có thể nói là hiếm hoi cho các nhà đầu cơ bất động sản. Khi thị trường bất động sản đang lên, chỉ cần có một ít tiền là có thể đặt cọc mua nhà và thực hiện việc bán lại khi giá nhà lên cao, lợi nhuận thu được là khó tưởng tượng nổi. Giá bất động sản tại Mỹ liên tục tăng đã lôi kéo các nhà đầu tư và cả người dân đổ xô vào kinh doanh bất động sản tạo một lực đẩy “bong bóng” bất động sản lên cao, làm cho cung vượt quá cầu. Rồi khi thị trường địa ốc Mỹ tuột dốc, bong bóng tài sản vỡ tung, như một cơn sóng thần ập lên khắp nước Mỹ. Cuộc khủng hoảng bắt đầu. Những hợp đồng trước đây được các chuyên gia phố Wall gom lại và phát hành chứng khoán phái sinh, được đảm bảo bằng những hợp đồng cho vay thế chấp, bây giờ mất giá thảm hại, thị

trường không có người mua. Các ngân hàng, công ty bảo hiểm, các tổ chức tài chính nắm giữ hàng ngàn tỷ USD chứng khoán đó không bán được.

Người đi vay “không đủ tiêu chuẩn” thì không có khả năng trả được nợ. Các khoản nợ xấu thì gia tăng. Khi tỷ lệ nợ xấu vượt quá giới hạn chịu đựng thì các tổ chức tài chính lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán rồi đi đến gục ngã hoặc phá sản. Mở màn cho sự kiện này là sự đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Bear Stearns. Từ đó dẫn tới hiệu ứng domino trong toàn hệ thống tài chính. Sự đổ vỡ hàng loạt của các công ty cho vay kinh doanh bất động sản, ngân hàng đầu tư, ngân hàng thương mại, ngân hàng tiết kiệm, công ty bảo hiểm…như Fannie Mae và Freddie Mac, Lehman Brother, AIG…

 Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm:

Cuộc khủng hoảng diễn ra do nhiều nguyên nhân như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, một vấn đề cần phải xem xét thêm đó chính là vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm - một thành viên cũng đã góp mặt gây nên cuộc khủng hoảng. Trong một báo cáo gần đây của SEC – Uỷ ban chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ - đã chỉ thẳng ra rằng nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn như Fitch, Moody’s và Standard & Poor’s đã coi thường các quy tắc về xung đột lợi ích. Các tổ chức này chỉ chú ý đến lợi nhuận khi xếp hạng các loại chứng khoán. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã cầm trong tay một khối lượng rất lớn các chứng khoán cùng với mức độ phức tạp tăng cao của chúng mà họ được yêu cầu đánh giá. Thời gian hạn hẹp do thị trường nhà đất ngày càng nóng bỏng cộng thêm thiếu nguồn nhân lực khiến cho họ có ít thời gian hơn để thực hiện công việc và đánh giá mức độ an toàn cho các khoản đầu tư một cách chính xác và khách quan. Thêm vào đó, nỗi lo bị mất hợp đồng, ảnh hưởng tới doanh thu. Điều này đã khiến cho họ đánh giá không dựa theo chuẩn mực đạo đức mà theo lợi nhuận. Sợ thua lỗ, mất đi khả năng cạnh tranh, không đạt được doanh thu kỳ vọng đã làm cho các nhà phân tích méo mó đánh giá của mình. Cuối cùng, mức phí mà các tổ chức này nhận được để xếp hạng các khoản cho vay có thế chấp - một khâu bắt buộc trong quy trình chứng khoán hóa - lại do chính các ngân hàng chi trả chứ không phải các nhà đầu tư. Vấn đề rủi ro đạo đức nảy sinh. Liệu rằng việc trả phí như vậy có phải là động cơ thúc đẩy các tổ chức này xếp hạng các khoản vay có thế chấp quá cao, khiến cho các nhà đầu tư không thể có được những thông tin minh bạch và không đánh giá được

chính xác mức độ an toàn và rủi ro của những trái phiếu mà họ đầu tư hay không? Mặc dù có nói ra thì các tổ chức này vẫn sẽ một mực khẳng định mình đã tuân thủ đúng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Tuy nhiên thực tế là một bằng chứng không thể chối cãi. Hàng loạt các khoản vay được định giá AAA để thực hiện nghiệp vụ chứng khoán hóa là những khoản vay thứ cấp. Do đó, khi thị trường địa ốc tụt dốc, các chứng khoán này mới bộc lộ rõ những rủi ro tiềm ẩn bên trong, khi trước đó những rủi ro này được định rất thấp thông qua các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Các tổ chức này bị nghi ngờ là có những hành vi sai trái còn nghiêm trọng hơn nhiều. Vấn đề này còn trong vòng điều tra nhưng một điều có thể khẳng định rằng họ đã bỏ mặc niềm tin của nhà đầu tư - những người luôn tin tưởng vào sự đánh giá tín nhiệm một cách khách quan và hiệu quả của những công ty này. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã không lường hết được những hậu quả do mình gây ra. Họ đã quá tin tưởng vào giá bất động sản sẽ theo đà tăng mãi và khó mà có thể giảm quá mức. Niềm tin của họ xuôi theo niềm tin của nhà đầu tư - một điều không nên thấy ở các công ty xếp hạng tín nhiệm.

Cùng với những nguyên nhân trên, đây cũng có thể xem là một minh chứng cho thấy rằng mọi chuyện đều bắt đầu từ bản thân con người, ý thức con người, lòng tham con người và một trong các lý do là vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể là trong cuộc khủng hoảng lần này là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Còn đối với công cụ phái sinh đúng theo tên gọi của nó, bản thân nó chỉ là một “công cụ” cho con người sử dụng nhằm phục vụ con người. Còn sử dụng nó như thế nào, vào mục đích gì thì đó lại là một vấn đề cần xem xét từ chính bản thân và hành vi con người.

Một phần của tài liệu quyền chọn chứng khoán (Trang 64)