Chính danh là một phạm trù, một nội dung cơ bản trong tư tưởng chính trị - xã hội của Khổng Tử, là một trong những biện pháp hữu hiệu để thi hành đường lối đức trị của ông.
Phạm trù chính danh lần đầu tiên được Khổng Tử đặt ra do yêu cầu của việc bình ổn trật tự xã hội đương thời. Theo ông, chính danh là phải đặt đúng tên sự vật và gọi sự vật bằng đúng tên của nó, sao cho “danh” đúng với thực chất của sự vật. Trong các quan hệ xã hội, “chính danh” là yêu cầu mỗi người phải luôn ý thức về phẩm chất tương xứng với địa vị xã hội của mình và phải suy nghĩ, hành động đúng với địa vị ấy, không được tranh giành địa vị và bổn phận của người khác, giai cấp khác. Ông cho rằng, nếu không làm đúng công việc và danh phận của mình thì xã hội sẽ loạn. Khổng Tử khuyên người quân tử: “không ở chức vị nào, thì không tính toán công việc của chức vị ấy”[92; 477]. Trong việc trị nước người quân tử có chính danh thì mới nói và thực hành được đạo lý. Vận dụng tư tưởng chính danh của Khổng Tử, Tăng tử nói: “Người quân tử lo tính không vượt ra ngoài cương vị mình” [92; 477].
Khổng Tử nhìn nhận con người chủ yếu từ phương diện đạo đức, xem xét các quan hệ của con người chủ yếu ở phương diện đạo đức từ trong gia đình đến ngoài xã hội và cao hơn nữa là quan hệ chính trị, để ràng buộc con người, làm cho ở cương vị nào, người ta đều phải làm đúng với công việc và danh phận của mình. “Người quân tử tự mình đúng đắn, thì không ra lệnh, lệnh cũng được thi hành. Tự mình không đúng đắn thì dẫu ra lệnh, dân cũng không theo” [92; 444].
Trước cảnh binh đao hỗn loạn, vua Tề Cảnh Công đến thỉnh giáo Khổng Tử về việc trị quốc, Khổng Tử thẳng thắn nói rằng: phải làm cho “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con”[92; 426]. Luận điểm này được coi là cốt lõi trong tư tưởng chính danh của ông. Với luận điểm đó, Khổng Tử muốn nhấn mạnh đến nguyên nhân làm cho xã hội rối loạn là do mọi người trong xã hội
đối xử với nhau không đúng lễ, làm những việc không đúng với danh phận của mình, thậm chí các sự vật cũng không được gọi đúng với cái tên của nó. Vậy, để xã hội hết loạn thì điều quan trọng nhất là phải chính danh và biện pháp để đạt được chính danh là khôi phục lại lễ, lấy lễ giáo đặt cao hơn hình luật. Do đó, cho dù ở nội dung nào Khổng Tử đề cập đến cũng đều chứa đựng mục đích chính trị bằng quan điểm nhân, lễ, chính danh để mong phục hồi lại triều đại Tây Chu chính thống.
Khi được hỏi về chính sự, Khổng Tử khuyên Tử Trương : “giữ cương vị thì không mệt mỏi, thi hành chính lệnh thì trung chính hết lòng” [92; 426]. Chính danh ở đây Khổng Tử muốn nói đến người ta làm việc đúng với địa vị và trách nhiệm thực của mình.
Khi đề cập đến chính danh trong các quan hệ xã hội, Khổng Tử cho rằng, muốn cho xã hội có trật tự trên dưới, thì trước hết phải chính danh. Mọi sự vật trong thực tại cần phải hợp với cái danh nó mang, mỗi một đẳng cấp trong xã hội đều có vị trí và bổn phận riêng của mình . Như trong sách Luận ngữ đã chép, khi Tử Lộ hỏi Khổng Tử sẽ làm gì trước hết nếu ông được dự vào việc chính trị?. Ông đáp: “ắt phải chính danh trước” [92; 443]. Và ông cho rằng, để duy trì trật tự kỷ cương và sự ổn định của xã hội thì phải thực hành chính danh. Ông nói: “Danh không chính thì lời không thuận, lời không thuận thì sự không thành, sự không thành thì lễ nhạc không thịnh, lễ nhạc không thịnh thì hình phạt không trúng, hình phạt không trúng thì dân không biết chỗ nào mà đặt tay chân nữa” [92; 443]. “Cho nên, người quân tử (nhà cầm quyền) đặt danh tất phải nói được đạo lý, mà nói được tất phải làm được”[92; 434].
Nghĩa là, mỗi cái danh bao hàm một số điều kiện tạo nên bản chất một loại sự vật mà danh liên quan đến. Bản chất của ông vua là những điều kiện lý tưởng đã được quy định mà ông vua phải có, nghĩa là những điều kiện hợp với “vương đạo”. Hành động theo vương đạo, thì ông vua mới thật là vua, ông vua
vừa hợp với thực vừa hợp với danh. Như vậy, là có sự phù hợp giữa thực với danh. Nếu ông vua không hành động theo vương đạo, thì không phải là vua nữa, mặc dầu dân chúng vẫn coi ông ta là vua nhưng chỉ là trên danh nghĩa. Trong mối tương quan xã hội, mỗi cái danh đều bao hàm một số trách nhiệm, bổn phận nào đó, và những cá nhân mang danh ấy phải có những trách nhiệm và bổn phận phù hợp với danh ấy. Đó là ý nghĩa trong tư tưởng chính danh của Khổng Tử.
Trong việc dùng người làm lãnh đạo, Khổng Tử nói phải dùng người trung thực, bỏ người gian dối quanh co thì dân phục, dùng người gian dối quanh co, bỏ người trung thực thì dân không phục. Trong quá trình làm việc phải có thái độ nghiêm túc với công việc tức phải chính danh, đối với mọi người phải có thái độ nghiêm túc, trung thực, tiết kiệm và thương yêu mọi người. Hay nói cách khác là hãy lo làm việc cho thật tốt đừng vội đòi hỏi sự đãi ngộ. Nghĩa là bản thân mình có tài năng thực sự, thì xã hội không bao giờ quên sử dụng mình.
Tư tưởng chính danh, nghiêm túc, trung thực biết thương yêu mọi người của Khổng Tử vẫn có giá trị tích cực trong xã hội chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, tư tưởng chính danh của ông cần gạt bỏ yếu tố thái qúa và sự phân biệt về đẳng cấp, tư tưởng bè cánh gây thanh thế, chia rẽ nội bộ mất đoàn kết… và cần phải xây dựng mẫu người có thực và danh là song hành với nhau.
Từ quan điểm của Khổng Tử cho rằng, để xây dựng một xã hội ổn định thì phải tập trung vào đào tạo ra những con người đóng vai trò nòng cốt để điều hành chế độ xã hội ấy, mẫu người Khổng Tử nêu ra là người quân tử. Khổng Tử nói: “Nếu sửa được mình thì trị nước có khó gì? không sửa được mình thì làm sao sửa trị được người” [92; 445].
Trong sự nghiệp cách mạng nước ta, vận dụng tư tưởng chính danh của Khổng Tử Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn có chủ nghĩa xã hội, cần phải có con người xã hội chủ nghĩa” [28; 29].
Hiện nay, trong xã hội xuất hiện những hiện tượng con cái bất hiếu với cha mẹ, kỷ cương nề nếp bị lơi lỏng, lối sống buông thả, sự thoái hoá biến chất của một số cán bộ đảng viên… . Trước thực trạng này, những tư tưởng nhân, lễ, chính danh, tình thương yêu con người, ý thức trách nhiệm… trong tư tưởng của Khổng Tử nếu gạt bỏ đi những yếu tố tiêu cực thì vẫn được coi là những giá trị tích cực cần được kế thừa và phát huy trong việc giáo dục và rèn luyện nhân cách con người Việt Nam hiện tại.