Sách Trung Dung, đã đưa ra một nguyên lý cơ bản về tính người: “Mệnh trời gọi là “ tính”, phát triển thuận theo “ tính” gọi là đạo, tu dưỡng theo “đạo” gọi là “giáo”” [92; 88]. Từ mệnh đề này, phần lớn các nhà Nho từ Khổng Tử
trở về sau đều cho rằng, “tính” của con người có nguồn gốc từ trời, là nguyên lý tự nhiên mà trời phú cho con người và con người bẩm thụ lấy. Còn cái tính đó thiện hay ác là do sự tu dưỡng, giáo hoá đạo đức sau này của con người.
Khổng Tử là người đầu tiên nêu lên khái niệm “tính”. Xuất phát từ sự quan sát thực tiễn đời sống xã hội đương thời, Khổng Tử thấy những người xung quanh mình, có người giữ được điều lễ, có ý thức bảo vệ tôn ti trật tự xã hội, nhưng cũng có người thì luôn làm trái với lễ. Khổng Tử cũng đã ít nhiều có niềm tin vào một ông trời đã sinh ra muôn vật và con người đều có quy tắc như Kinh Thi có câu: “Trời sinh ra chúng dân, có vật thì có quy tắc” (Thiên sinh chủng dân, hữu vật, hữu tắc), có nghĩa là cái đã được trời định sẵn cho con người. Từ mệnh đề trên cho thấy, “tính” là cái bẩm sinh ban đầu, là cái nguyên sơ mà con người có được là nhờ ở trời. Như vậy, trời đã sinh ra con người ắt sẽ không thiên vị, xem người nào cũng như người nào, nhưng làm sao trong xã hội lại có sự khác nhau giữa họ. Hai mặt đó có tác động đến Khổng Tử, làm ông hình thành mệnh đề: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” (Bản tính con người ta đều gần nhau, nhưng do chịu ảnh hưởng khác nhau mà xa nhau) [92; 527]. Cũng theo Khổng Tử “tính” của con người khi mới sinh ra đều giống nhau, cái tính ấy là cái tự nhiên, ngây thơ, trong trắng chưa bị thay đổi bởi ngoại cảnh bên ngoài và các tác nhân xã hội. Cái tính ấy, do được bẩm thụ của trời nên mọi người đều giống nhau về tính. Ông cho rằng, cái bản tính ấy ở mỗi người sau này trở nên khác là do sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh, do sự tu dưỡng đạo đức của con người mà thành.
Ở trong Luận ngữ, khái niệm tính được đề cập đến một lần nữa trong thiên Công Dã Tràng: Tử Cống nói: “Văn chương của thầy,chúng ta đều đã được nghe. Còn lời thầy nói về tính và Đạo Trời thì không được nghe” (Tử Cống viết: “phu tử chi văn chương, khả đắc nhi văn dã; phu tử chi ngôn, tính dữ Thiên đạo, bất khả đắc nhi văn dã”) [92; 303]. Chúng ta thấy, vấn đề bản tính của con người trong tư
tưởng của Khổng Tử chưa được ông bàn luận và giảng giải nhiều, song tư tưởng của ông đã vượt lên trên các nhà tư tưởng thời Xuân Thu. Vì, các nhà tư tưởng trước ông, bàn về tính người là chỉ do ngẫu nhiên mà nói, còn Khổng Tử đã đặt vấn đề “tính” là phổ biến khi ông đề xuất mệnh đề “tính tương cận” tính người ta sinh ra vốn gần nhau và kết hợp vấn đề tính với vấn đề “thiên đạo” (tính dữ thiên đạo). Tuy bàn về tính rất ngắn gọn, nhưng ông đã đặt vấn đề tính người thành một trong những nội dung cơ bản nhất của Nho giáo về vấn đề con người.
Vậy, “tính tương cận” trong tư tưởng của Khổng Tử là thiện hay là ác? Trần Trọng Kim, khi bàn về một số câu trong Kinh Dịch, ông cho rằng Khổng Tử chủ trương thuyết tính thiện, ông viết: “… Khổng Tử lấy sự sinh làm trọng hơn cả. Ngài cho sự sinh của vạn vật là theo lẽ tự nhiên, ta có thể ngắm cảnh tạo hoá trong vũ trụ, chỗ nào cũng thấy đầy những sinh ý và xuân khí, thì biết cái đức của trời rộng lớn đến nhường nào. Khổng Tử lấy bốn cái đức của trời: nguyên, hanh, lợi, trinh, của quẻ kiền mà nói rõ sự sinh thành của vạn vật. Ngài nói rằng: “Nguyên là đầu của các điều thiện, hanh là hội hợp các cái tốt đẹp, lợi là sự hoà hợp với điều nghĩa, trinh là cái gốc của mọi sự”. (Nguyên giả thiện chi trưởng giả, hành giả gia chi hội đã, lợi giả nghĩa chi hoà dã, trinh giả sự chi cán dã - Dịch: Văn ngôn truyện). Cái đức nguyên là cái khởi đầu sự sinh vạn vật, cái đức lợi là sự thoả thích của sự sinh vạn vật, cái đức trinh là sự thành tựu của sự sinh vạn vật. Vậy, đạo trời đất là chủ ở sinh vạn vật, mà sự sinh ấy là đầu của các điều thiện” [47; 78]. Qua đó ta thấy, Trần Trọng Kim muốn nói đến tính thiện của con người.
Chu Hy khi bàn về tư tưởng “tính tương cận” của Khổng Tử trong Luận ngữ đã cho rằng: “Tính” mà Khổng Tử đề cập ở đây không thiện cũng không ác. Ông viết: “Chữ tính trong Luận ngữ có cái nghĩa gồm cả khí chất, vậy thì có thiện có ác, nhưng xét lúc đầu thì tính mỗi người không xa nhau mấy” [57; 68- 69]. Khổng Tử cho rằng, do “tập tương viễn” mà làm cho cái giống nhau
ban đầu của con người bị thay đổi, nên theo chúng tôi, mệnh đề “tính tương cận dã, tập tương viễn dã” của Khổng Tử hiểu một cách lôgic, thì cái “tính tương cận” đó là tính thiện, vì cái ác được sinh ra ở “tập tương viễn dã”, nó được hình thành sau cái khởi nguyên (tính tương cận). Còn nếu chúng ta cho rằng, cái “ tính tương cận” là cái ác, thì chúng ta sẽ không giải thích được cái ác trong xã hội từ đâu mà sinh ra. Vì, “tập tương viễn” chính là ngược lại của cái “tính tương cận” đầu tiên [66; 50].
Khổng Tử đã chỉ ra cái bản tính ban đầu do trời bẩm thụ của con người do “tập nhiễm” bên ngoài xã hội mà thay đổi. Sự thay đổi đó tốt hay xấu đều phụ thuộc vào sự rèn luyện, tu dưỡng giáo dục đạo đức, suy nghĩ và hành động của mỗi người trong đời sống xã hội. Từ đó, cho thấy biện pháp duy nhất để con người giữ được bản tính thiện, trừ bỏ cái ác, bỏ điều ác, theo điều thiện, thì con người phải luôn suy nghĩ và hành động theo điều thiện. Mà đầu tiên mỗi người phải làm là tu dưỡng, học tập, rèn luyện đạo đức để có được những phẩm chất đạo đức nhân, lễ, chính danh, ... và phải hành động theo ý trời, đạo trời. Thông qua giáo dục, giáo hoá Khổng Tử từ chỗ đề cao rồi đi đến tuyệt đối hoá những quy phạm đạo đức - chính trị và lời dạy của thánh hiền.
Như vậy, khi bàn về vấn đề “tính người‟‟ Khổng Tử giải thích hết sức ngắn gọn, nhưng quan niệm về “tính” của ông là một trong những cơ sở để ông đề xuất ra tư tưởng chính trị - xã hội của mình; là căn cứ để khẳng định tính tuyệt đối về những nguyên lý cai trị của giai cấp thống trị đương thời và đặt nền tảng ban đầu cho các nhà Nho về sau kế thừa, phát triển.