3.1. Một số vấn đề về “diễn ngôn” và “phân tích diễn ngôn”
3.1.1. Mối quan hệ giữa “diễn ngôn” và “văn bản”
Cho đến nay đã có khá nhiều định nghĩa về khái niệm “diễn ngôn” song vẫn chưa thực sự có một định nghĩa hoàn chỉnh nhất. Trước hết cần kể
đến người đầu tiên đề xướng ra khái niệm này, Z. Harris (1952) trong công trình “Discourse analysio – Phân tích diễn ngôn” đã đưa ra khái niệm “diễn ngôn” với cách hiểu là văn bản liên kết, ở bậc cao hơn câu (Z. Harris, 1952, trích theo Nguyễn Hoà, 2003). Có thể nói với việc đề ra khái niệm này, Harris đã góp phần quan trọng giúp ngành ngôn ngữ học văn bản còn non trẻ xác định được nền móng phát triển của mình là hướng vào nghiên cứu các chức năng của ngôn ngữ. “Diễn ngôn” và “văn bản” là hai khái niệm không thể bỏ qua trong nghiên cứu ngôn ngữ học văn bản nói chung, trong phân tích diễn ngôn nói riêng. Tuy nhiên trên thực tế, để phân biệt rạch ròi hai khái niệm này lại không hề đơn giản. Có khi chúng được coi là hai khái niệm có cấu trúc xác định tách biệt hoàn toàn, thuộc hai quá trình, có khi khái niệm này là sự biểu hiện cụ thể, là bộ phận của khái niệm kia, cũng có khi chúng lại được dùng thay thế cho nhau như hai khái niệm đồng nghĩa hoàn toàn. Chúng ta có thể nhìn lại quan điểm của một vài tác giả tiêu biểu để có cơ sở phân định rõ hơn về hai khái niệm này:
Trước hết, hai tác giả Brown & Yule quan niệm rằng “văn bản như là thuật ngữ khoa học để chỉ dữ liệu ngôn từ của một hành vi giao tiếp”, hay “văn bản là sự thể hiện của diễn ngôn”. Còn khi xử lý diễn ngôn như là “sản phẩm” hay “tiến trình” thì các tác giả lại khẳng định: “diễn ngôn như một tiến trình”. Trong khi đó, David Nunan về cơ bản cũng có khuynh hướng phân biệt rạch ròi hai khái niệm này nhưng lại diễn đạt cụ thể hơn. Theo ông, thuật ngữ “văn bản” được dùng để chỉ bất kỳ cái nào ghi bằng chữ viết của một sự kiện giao tiếp, sự kiện đó tự nó có thể liên quan đến ngôn ngữ nói (một cuộc hội thoại, một bài thuyết giáo) hoặc ngôn ngữ viết (một bài thơ, một mẩu truyện). Còn về thuật ngữ “diễn ngôn”, ông cho rằng nó được dùng để giải thuyết sự kiện giao tiếp trong ngữ cảnh.
Một tác giả khác là Crystal thì lại phân biệt “diễn ngôn là một chuỗi nối tiếp của ngôn ngữ (đặc biệt là ngôn ngữ nói) lớn hơn một câu, thường cấu thành một chỉnh thể có tính mạch lạc, kiểu như một bài thuyết giáo,
tranh luận, truyện vui hoặc truyện kể”. Tác giả này đồng thời cũng nhận định “văn bản là một sản phẩm diễn ngôn xuất hiện một cách tự nhiên dưới dạng nói, viết hoặc biểu hiện bằng cử chỉ, được nhận dạng vì những mục đích phân tích. Nó thường là một chỉnh thể ngôn ngữ với một chức năng giao tiếp có thể xác định được, ví dụ như một cuộc hội thoại, một tờ áp phích” (dẫn theo David Nunan, Dẫn nhập phân tích diễn ngôn, 1997). Như vậy, ở đây mặc dù có sự phân định rành mạch ranh giới giữa chúng, văn bản trở thành sản phẩm của diễn ngôn và trong nhiều trường hợp thậm chí có thể thay thế được cho nhau.
Ở Việt Nam cũng có khá nhiều tác giả quan tâm đến vấn đề này nên cũng tồn tại nhiều quan niệm khác nhau, hoặc có khi là sự thay đổi về quan điểm của cùng một tác giả trong những giai đoạn khác nhau. Tiêu biểu có thể kể đến tác giả Diệp Quang Ban trong các công trình nghiên cứu của mình đã nhận định mối quan hệ giữa hai khái niệm “diễn ngôn” và “văn bản” qua các giai đoạn như sau:
(1) Văn bản được dùng để chỉ chung các sản phẩm của ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói có mạch lạc và liên kết;
(2) Có sự đối lập giữa diễn ngôn và văn bản: sử dụng văn bản để chỉ sản phẩm ngôn ngữ viết và diễn ngôn chỉ ngôn ngữ nói;
(3) Diễn ngôn được dùng như văn bản ở ý nghĩa (1) (trích theo Nguyễn Hoà, 2003)
Còn tác giả Nguyễn Thiện Giáp trong một công trình mới đây, sau khi điểm qua một số quan điểm khác nhau về hai khái niệm này thì lại bày tỏ quan điểm cá nhân: “thuật ngữ diễn ngôn và văn bản thường được coi là đồng nghĩa với nhau để chỉ các sản phẩm của ngôn ngữ, viết hay nói, dài hay ngắn, tạo nên một tổng thể hợp nhất, trong đó diễn ngôn thường được hiểu là bao hàm văn bản, còn văn bản thiên về sản phẩm viết nhiều hơn” (Nguyễn Thiện Giáp. 2004: 169).
Một trong số các tác giả khác ở Việt Nam cũng dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề này là tác giả Nguyễn Hoà. Trong công trình nghiên cứu của mình, ông tỏ ra nhấn mạnh sự phân biệt hai khái niệm “diễn ngôn” và “văn bản”. Theo ông “văn bản như là sản phẩm ngôn ngữ ghi nhận lại quá trình giao tiếp hay sự kiện giao tiếp nói và viết trong một hoàn cảnh giao tiếp xã hội cụ thể”; trong khi đó “diễn ngôn như là sự kiện hay quá trình giao tiếp hoành chỉnh thống nhất có mục đích không giới hạn được sử dụng trong các hoàn cảnh giao tiếp xã hội cụ thể”. Mặc dù đã đưa ra sự phân biệt hai khái niệm như trên song tác giả cũng thừa nhận rằng trên thực tế sự phân biệt này chỉ mang tính tương đối vì theo cách hiểu đó, trong văn bản sẽ xuất hiện một vài đặc trưng của diễn ngôn và ngược lại trong diễn ngôn cũng nhiều khi tồn tại các thuộc tính của văn bản.
3.1.2. Mối quan hệ giữa “phân tích diễn ngôn” và “phân tích văn bản”
Trước tiên, với việc xác định “diễn ngôn như một tiến trình”, hai tác giả Brown & Yule khẳng định quan điểm rằng nhà phân tích diễn ngôn cần quan tâm đến chức năng hay mục đích của một mẩu dữ liệu ngôn ngữ và cách thức dẽ liệu đó được người phát cũng như người nhận xử lý. Biện luận sâu hơn, hai tác giả cho rằng, nhà phân tích sẽ phải nghiên cứu từng từ, từng câu xuất hiện trong dữ liệu thành văn của diễn ngôn, để tìm cho được bằng chứng về sự nỗ lực của người phát trong việc chuyển giao thông điệp đến người nhận. Đồng thời chúng ta cũng cần tìm hiểu bằng cơ chế nào, lý do tại sao mà người nhận có thể hiểu được chính xác thông điệp chuyển giao tới trong một ngữ cảnh cụ thể, đồng thời các yêu cầu trở lại của người nhận trong một ngữ cảnh cụ thể bằng cách nào có thể chuyển giao trở lại người phát, để từ đó ảnh hướng đến kết cấu của diễn ngôn tiếp theo của người phát. Như vậy có thể thấy rõ ràng là phương hướng nghiên cứu này chủ trương lấy chức năng giao tiếp của ngôn ngữ làm đối tượng nghiên cứu chính, vì thế nó mô tả các hình thức ngôn ngữ không ở dạng tĩnh mà như
các phương tiện động nhằm thể hiện ý nghĩa. (Dẫn theo Brown & Yule, 2002: 48)
Một tác giả khác – David Nunan với việc xác định hai khái niệm “diễn ngôn” và “văn bản” như đã trình bày ở trên cũng đồng thời xác nhận phân tích diễn ngôn liên quan đến việc nghiên cứu ngôn ngữ trong quá trình sử dụng – khác với phân tích văn bản là thiên về nghiên cứu các thuộc tính cấu trúc của ngôn ngữ, bị tách khỏi các chức năng giao tiếp của chúng. Tác giả cũng biện luận rằng, giống như các nhà ngữ âm học, ngữ pháp học, nhà phân tích diễn ngôn cũng cần quan trâm đến việc nhận diện những cái đều đặn và những khuôn mẫu trong ngôn ngữ. Tuy nhiên, không chỉ có thế, nhà phân tích diễn ngôn còn phải thực hiện một nhiệm vụ quan trọng hơn cả là đạt đến mục đích cuối cùng của công việc phân tích: vừa chỉ ra, vừa giải thuyết mối quan hệ giữa những cái đều đặn đó với những ý nghĩa và những mục đích được diễn đạt qua diễn ngôn. Như vậy ở đây, tác giả đã căn cứ vào đối tượng của nhà phân tích là ngôn ngữ xét về mặt cấu trúc hình thức thuần tuý (phân tích văn bản) và ngôn ngữ trong quá trình sử dụng (phân tích diễn ngôn) để phân biệt hai khái niệm trên.
Trong thực tế thì sự phân biệt này là không hề đơn giản bởi ngay chính bản thân tác giả khi đối chiếu những đặc trưng của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết cũng đã thừa nhận không có sự khác biệt tuyệt đối giữa hai hình thức nói và viết vì những đặc điểm có xu hướng gắn với ngôn ngữ nói đôi khi có thể xuất hiện trong ngôn ngữ viết và ngược lại. Điều này có thể hiểu rằng, trong quá trình ta tiến hành phân tích văn bản (ngôn ngữ viết) thì không thể chỉ căn cứ đơn thuần vào những đặc điểm hình thức mà còn phải xem xét đến cả những đặc trưng của nó trong hành chức; và cũng tương tự như vậy đối với phân tích diễn ngôn. (Dẫn theo David Nunan, 1998: 21)
Tác giả Đỗ Hữu Châu, một người nghiên cứu khá nhiều về dụng học cũng quan tâm đến mối quan hệ văn bản - diễn ngôn thì cho rằng: “Diễn ngôn là lời của từng người nói ra trong một cuộc giao tiếp”; “… tuỳ theo
đường kênh hay tuỳ theo dạng ngôn ngữ được sử dụng mà chúng ta có diễn ngôn nói hay diễn ngôn viết. Chúng tôi sẽ gọi diễn ngôn viết là các văn bản”. Tác giả cũng cho rằng, diễn ngôn có cả hình thức và nội dung nhưng cả hai đều chịu tác động của ngữ cảnh. Do vậy, phân tích diễn ngôn là phân tích cả các yếu tố hình thức của diễn ngôn, bao gồm các yếu tố ngôn ngữ, các đơn vị từ vựng, các quy tắc kết học, các hành vi ngôn ngữ tạo nên diễn ngôn. Các yếu tố kèm lời và phi lời, theo tác giả, cũng được xem là các yếu tố thuộc hình thức của phát ngôn. Về nội dung, tác giả cho rằng diễn ngôn bao gồm nội dung thông tin và nội dung miêu tả. Hai thành tố nội dung này có thể hiện diện tường minh qua các yếu tố ngôn ngữ hình thức của diễn ngôn, hoặc tồn tại khiếm diện trong đích giao tiếp của đối phương. Như vậy, phân tích diễn ngôn một cách đầy đủ, toàn diện cần xét đến cả hai mặt hình thức và nội dung của diễn ngôn.
Trên cơ sở phân tích quan điểm của tác giả David Nunan, tác giả Nguyễn Hoà lại cho rằng, mối quan hệ giữa phân tích diễn ngôn và phân tích văn bản cũng có sự tương đồng như mối quan hệ giữa diễn ngôn và văn bản. Bởi theo ông, không nên nhìn nhận đây là hai bộ môn riêng biệt mà về thực chất chỉ nên xem xét đó là hai mặt của quá trình phân tích ngôn ngữ hành chức trong hoàn cảnh giao tiếp xã hội. Với việc xác định như vậy, tác giả chủ trương quy các yếu tố như liên kết, cấu trúc đề thuyết, cấu trúc thông tin, cấu trúc diễn ngôn… thuộc về địa hạt phân tích văn bản; đồng thời những yếu tố như mạch lạc, các hành động ngôn từ, vận dụng tri thức nền, cách thức xử lý từ trên xuống hay từ dưới lên… sẽ thuộc địa hạt của phân tích diễn ngôn. (Dẫn theo Nguyễn Hoà, 2003; 35)
3.2. Một số vấn đề cơ bản về “diễn ngôn hội thoại” và “phân tích diễn ngôn hội thoại” diễn ngôn hội thoại”
3.2.1. Thế nào là “diễn ngôn hội thoại”
Có thể nói rằng, hội thoại là hoạt động giao tiếp phổ biến nhất, cơ bản nhất của con người, đồng thời hội thoại cũng là hình thức cơ sở của
mọi hoạt động ngôn ngữ khác. Khi giao tiếp hai chiều cũng tức là chúng ta tạo ra một hội thoại trên cơ sở tương tác qua lại giữa một bên là người nói và một bên là người nghe, kết hợp với sự luân phiên lượt lời, thay đổi vai trò trong suốt quá trình giao tiếp. Hội thoại khi được thực hiện bởi hai bên là song thoại, khi được thực hiện bởi ba bên là tam thoại, thậm chí có hội thoại gồm rất nhiều vai giao tiếp, ta có đa thoại. Tuy nhiên, song thoại được coi là hình thức hội thoại cơ bản và phổ biến nhất, mang đậm những đặc trưng của một cuộc hội thoại. Do đó ở đây chủ yếu bàn đến vấn đề mạch lạc của các cặp thoại Hỏi – Đáp gồm một lượt lời và hai lượt lời, trên cơ sở đó có thể hình dung ra được bức tranh khái quát nhất về các đặc trưng của “diễn ngôn hội thoại”.
Trước khi đưa ra được cách hiểu đầy đủ nhất về “phân tích diễn ngôn hội thoại”, chúng ta đi vào tìm hiểu khái niệm “cuộc thoại”. Để tham gia một cuộc thoại, người tham gia giao tiếp phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản nhất là nguyên tắc luân phiên lượt lời và nguyên tắc liên kết. Điều đó có nghĩa là, trong khi người này nói thì người kia nghe rồi mới phản hồi trở lại, không cùng nói đồng thời. Hai bên tham gia phải luân phiên nói một cách uyển chuyển, nhịp nhàng. Mặt khác, các lượt lời tham gia phải đảm bảo sự liên kết với nhau để cùng tạo ra tính liên kết của cả cuộc thoại. Mặc dù trên thực tế không có sự quy định hay xác định một cách chặt chẽ từ trước thứ tự người nói và cách thức luân phiên lượt lời hay cách thức liên kết lượt lời, song việc tuân thủ hai nguyên tắc này dựa trên sự tự nguyện của các bên tham gia giao tiếp là điều kiện tiên quyết tạo nên một cuộc thoại.
Ngoài hai đặc điểm trên, cuộc thoại còn luôn bao gồm tính có mục đích, một hay nhiều chủ đề khác nhau. Đích của cuộc thoại có thể được thể hiện tại lời, cũng có thể nằm ngoài lời. Mỗi bên tham gia giao tiếp có thể nhằm tới một đích khác nhau, hoặc cùng hướng về một đích nhất định, nhưng dù thế nào thì cũng tồn tại tính có mục đích.
Để nghiên cứu cuộc thoại, bên cạnh các đặc điểm nội tại của cuộc thoại như đã giới thiệu ở trên, chúng ta cũng cần lưu ý tới một số đặc điểm bên ngoài của cuộc thoại, đó là số lượng người tham dự, quan hệ giữa những người tham dự và chu cảnh (không gian, thời gian diễn ra cuộc thoại).
3.2.2. Một số vấn đề về “phân tích diễn ngôn hội thoại”
Có thể nói, ngữ cảnh là một trong những nhân tố giao tiếp quan trọng không thể bỏ qua trong phân tích diễn ngôn, đặc biệt là phân tích diễn ngôn hội thoại. Cho đến nay cũng còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về ngữ cảnh.
Theo tác giả David Nunan, ngữ cảnh có nhiệm vụ quy chiếu tình huống gây ra diễn ngôn và tình huống trong đó diễn ngôn được gắn vào. Theo đó ngữ cảnh bao gồm hai kiểu: một là ngữ cảnh ngôn ngữ, tức là gồm tất cả các yếu tố ngôn ngữ bao quanh hoặc đi kèm với sản phẩm diễn ngôn đang được phân tích; hai là kiểu ngữ cảnh phi ngôn ngữ, bao gồm tất cả các yếu tố ngoài ngôn ngữ tạo nên môi trường nền rộng mà diễn ngôn xuất hiện như các kiểu sự kiện giao tiếp, đề tài, mục đích giao tiếp, những người tham dự… và những hiểu biết cơ sở, những giả định làm cơ sở cho sự kiện giao tiếp.
Tác giả Nguyễn Thiện Giáp chủ trương phân biệt ngữ cảnh với hoàn cảnh nói năng. Theo đó, tác giả quan niệm rằng, ngữ cảnh là những từ bao quanh hay đi kèm theo một từ, tạo cho nó tính xác định về nghĩa; trong khi đó, hoàn cảnh nói năng lại được hiểu là tình huống, bối cảnh phi ngôn ngữ mà từ xuất hiện, được giải thích bằng các thông số như ai nói, nói bao giờ, nói ở đâu, nói với ai và vì sao nói.
Ngoài ra, còn có một nhóm các tác giả quan niệm ngữ cảnh bao gồm ngữ cảnh tình huống và ngữ cảnh văn hoá. Trong đó, ngữ cảnh tình huống được hiểu là ngữ cảnh của một hiện tượng ngôn ngữ, của một trường hợp văn bản cụ thể. Nói cách khác, ngữ cảnh tình huống chính là thế giới xã hội, tâm lý mà trong một thời điểm nhất định ở đó người ta sử dụng ngôn
ngữ. Ngữ cảnh tình huống có thể bao giồm sự hiểu biết về vị thế của những người tham gia giao tiếp, sự hiểu biết về không gian, thời gian giao tiếp,