2. Vấn đề hội thoại
2.4. Lý thuyết cặp thoại
Lý thuyết các hành vi ngôn ngữ của Austin chỉ xem xét các hành vi một cách riêng rẽ, độc lập với những hành vi khác. Trong hội thoại, mỗi phát ngôn đều có quan hệ trực tiếp đến những phát ngôn đi trước nó hoặc định hướng cho những phát ngôn tiếp sau. Vậy là có những hành vi ngôn ngữ đã gây ra những hành vi ngôn ngữ. Các hành vi ngôn ngữ không đứng biệt lập, hành vi này kéo theo hành vi kia, lượt lời này kéo theo lượt lời kia. Vì thế hình thành khái niệm “cặp thoại”.
Đơn vị quan trọng nhất để tạo được đoạn thoại hay cuộc thoại chính là cặp thoại. Theo Nguyễn Đức Dân: “trong một lượt lời liên kết có thể gồm nhiều phát ngôn với những chức năng và mục đích khác nhau, có liên kết chặt chẽ với nhau. Mỗi lượt lời có những chức năng hội thoại khác nhau. Người này nói và người kia lặp lại. Hai lượt lời có liên quan trực tiếp và đứng kề nhau làm nên một cặp thoại”. Theo Đỗ Hữu Châu thì “cặp thoại là cấu trúc gồm hai tham thoại do hai đối tác của cuộc thoại tạo nên. Cho nên muốn xác định các cặp thoại phải nhận diện được các tham thoại”. Nguyễn Thiện Giáp thì khẳng định “cặp thoại là hai phát ngôn có quan hệ tương thích về chức năng, hai vế của cặp thoại có thể liền kề nhau nhưng cũng có thể cách xa nhau”.
Như vậy, các tác giả trên đều quan niệm cặp thoại do hai phát ngôn/lượt lời có quan hệ trực tiếp và đứng kề cận nhau tạo nên. Trong hội thoại, cặp thoại là đơn vị quan trọng nhất.
Các cặp thoại không phải được nói ra một cách ngẫu nhiên, tuỳ tiện. Chúng được tổ chức, thực hiện theo một qui tắc chặt chẽ, tuân theo những qui tắc chi phối hội thoại. Trong một cặp thoại, lượt lời thứ nhất có chức năng định hướng cho lượt lời thứ hai. Khi nói một điều, người ta
dự đoán, chờ đợi một điều khác sẽ xảy ra. Sau khi thực hiện một hành vi ngôn ngữ, người ta chờ đợi một hành vi ngôn ngữ đáp ứng. Nghĩa là hai lượt lời có quan hệ mật thiết với nhau. Quan hệ này phản ánh sự tác động của hiệu lực tại lời của hành vi ngôn ngữ ở lượt lời thứ nhất lên lượt lời thứ hai. Trong hiệu lực tại lời này có vai trò của các cấu trúc ngôn ngữ và hành vi ngôn ngữ.
Ví dụ:
Trong lượt lời thứ nhất, chúng ta sẽ gặp một mệnh lệnh như “Lạnh quá! Đóng hộ tớ cửa sổ với!” thì lượt lời thứ hai có thể là sự tuân theo tích cực (“Được”) hoặc tiêu cực (“Xin lỗi, tớ đang bận, cậu tự đóng đi”). Tuy nhiên, có thể những câu trả lời khác vẫn là sự tuân theo nhưng có kèm theo những thông tin phụ, chẳng hạn “Đợi tớ tí nhé!”.
Nói xong lượt lời thứ nhất, người nói chờ đợi sự đáp ứng. Nếu không có lượt lời thứ hai, người nói lượt lời thứ nhất có thể nhắc lại với sắc thái nhấn mạnh:
- Lạnh lắm lắm ấy, nhanh rồi đóng hộ tớ nhé!
Sự vắng mặt câu đáp có thể coi là một cách ứng xử: một hành vi im lặng. Sự im lặng cũng có những ý nghĩa nhất định. Với lượt đầu là câu mệnh lệnh, sự im lặng sẽ biểu hiện thái độ không đồng ý thực hiện.
Về mặt hình thức, có thể chia các cặp thoại thành cặp thoại một lười lời, cặp thoại hai lượt lời, cặp thoại ba lượt lời… Trong phạm vi của luận văn này, chúng tôi chỉ quan tâm đến các cặp thoại một lượt lời và hai lượt lời để tìm hiểu sự mạch lạc giữa các lượt lời.