I. TỔNG QUAN VỀ LÝ LUẬN
1.3. DOANH NGHIỆP DÂN DOANH
1.3.1. Khái niệm
Khái niệm doanh nghiệp dân doanh là khái niệm được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây, nhưng chưa được khái niệm nhiều trong các giáo trình kinh tế, chỉ xuất hiện trong các nghiên cứu, và các văn bản chính sách nhà nước. Theo Từ điển tiếng việt, Nhà xuất bản Đà Nẳng,1997 thì khái niệm dân doanh được giải thích đồng nghĩa với tư doanh, tư doanh chính tư nhân kinh doanh. [40]
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Ðảng khoá IX coi Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; phát triển Kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trên trên cơ sở đó Chính phủ đã có chỉ thị về phát triển doanh nghiệp dân doanh, tại chỉ thị này Chính phủ đã đánh giá: Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã từng bước hình thành khuôn khổ pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế dân doanh phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các doanh nghiệp dân doanh đã có được môi trường khá thuận lợi để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng trưởng nhanh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo.Tuy vậy, sự phát triển của doanh nghiệp dân doanh chưa tương xứng với tiềm năng, còn có nhiều khó khăn, vướng mắc.[20];[9]
Như vậy mặc dù chưa có khái niệm chính thức thống nhất trong các Giáo trình kinh tế học, thì khái niệm Doanh nghiệp dân doanh đã được sử dụng nhiều trong các văn bản của Nhà nước và các văn bản thông tin, báo chí. Tuy sử dụng tên gọi với các mục đích khác nhau nhưng cũng đều để phân biệt doanh nghiệp của kinh tế tư nhân với doanh nghiệp tư nhân thành lập theo luật doanh nghiệp. Doanh nghiệp dân doanh
được sử dụng thay cho tên gọi doanh nghiệp của thành phần tư bản tư nhân, mang tính thuần Việt hơn, dễ gần thể hiện đánh giá sự đóng góp của thành phần doanh nghiệp này đối với đất nước, đối với quốc gia.
Chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước, Chính phủ khẳng định quan điểm nhất quán về vị trí, vai trò của kinh tế dân doanh - một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế đi lên chủ nghĩa xã hội, kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thành phần kinh tế hiện nay ở nước ta được chia làm ba khu vực:
- Kinh tế Nhà nước: Kinh tế có vốn của nhà nước tham gia
- Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: Kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - Kinh tế dân doanh: Kinh tế tư nhân ngoài quốc doanh
Khu vực kinh tế dân doanh được xác định bao gồm các doanh nghiệp hoạt động và thành lập theo luật doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH của tư nhân, Công ty cổ phần của tư nhân, Luật hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể, hành nghề tư nhân. Kinh tế dân doanh được phát triển theo hướng tự do kinh doanh những ngành, nghề công việc mà luật pháp không cấm.
Nhằm để phân biệt theo từng sở hữu của các loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam được phân chia như sau: Doanh nghiệp Nhà nước thành lập từ vốn của Nhà nước; Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thành lập tự vốn đầu tư của nước ngoài (FDI), doanh nghiệp dân doanh (doanh nghiệp của tư nhân) thành lập từ vốn của tư nhân.
Như vậy doanh nghiệp dân doanh có thể được hiểu:
Doanh nghiệp dân doanh là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo luật thành lập doanh nghiệp từ sự bỏ vốn đầu tư của tư nhân mà không có sự tham gia góp vốn của Nhà nước hay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đó là: Các doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, các Công ty cổ phần của tư nhân được thành lập theo Luật doanh nghiệp. Hay nói cách khác doanh nghiệp dân doanh là doanh nghiệp của tư nhân kinh doanh.[20];[9]