Trong thời đại ngày nay, khi xã hội càng phát triển càng đòi hỏi con người khả năng giao tiếp tốt hơn trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường. Trong hoạt động giao tiếp, câu được coi là đơn vị trung tâm và từ là yếu tố không thể thiếu để tạo câu. Vì vậy, sửa lỗi câu cho học sinh là một việc làm thường xuyên và liên tục trong dạy học. Và cũng là để thực hiện nhiệm vụ “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, để “nói và viết tiếng Việt sao cho đúng, cho hay”. Chính vì tầm quan trọng như vậy nên tôi rất trăn trở về đề tài “Rèn viết câu câu cho học sinh lớp 4 thông qua phân môn Luyện từ và câu” để tìm ra nguyên nhân và đề ra những giải pháp có hiệu quả phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy.
Ở đề tài này tôi đã tìm hiểu các lỗi về từ, về câu mà học sinh lớp 4 trường Tiểu học Đồn Đạc thường mắc phải. Trên các ngữ liệu từ sai, câu sai đã thống kê
tôi đã phân loại và tìm hiểu nguyên nhân để tìm ra những biện pháp khắc phục mang tính khả thi. Hơn nữa tôi cũng mạnh dạn đề xuất một số biện pháp để hạn chế lỗi sai ngữ pháp, để rèn kĩ năng dùng từ, viết câu cho học sinh lớp 4.
Đối với học sinh trung bình các em đã xác định đúng yêu cầu đề, biết viết câu văn đúng ngữ pháp, viết đoạn văn bài văn tương đối hình ảnh. Với học sinh có lực học giỏi các em đã biết quan sát thực tế một cách chi tiết, biết sử dụng tốt các biện pháp nghệ thuật trong khi làm bài.Vì vậy bài viết của các em đã có nhiều sáng tạo và chuyển biến rõ rệt so với đầu năm. Qua đó, tôi rút ra được một số bài học cho bản thân như sau:
1. Phải nâng cao nhận thức của giáo viên là biện pháp tiên quyết để nâng cao chất lượng dạy học.
2. Giáo viên phải thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn nghiên cứu sâu về các vấn đề: Bồi dưỡng kiến thức về mở rộng vốn từ, cách sử dụng các từ loại, luyện kĩ năng diễn đạt cho giáo viên, bồi dưỡng về phương pháp và cách lựa chọn hình thức dạy học,... để dạy cho học sinh kĩ năng làm tốt các bài luyện từ và câu nói riêng, môn Tiếng Việt nói chung.
3. Giáo viên phải thực sự tâm huyết với nghề, đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu cho mỗi bài giảng, có kế hoạch và phương pháp giảng dạy theo từng đối tượng học sinh. Sử dụng phương pháp dạy học thích hợp, tạo ra những giờ dạy gây hứng thú học tập cho học sinh và đạt kết quả học tập cao.
4. Giáo viên phải thực sự linh hoạt, sáng tạo, tránh gò ép, khuôn mẫu, áp đặt, cân phát huy được tính tích cực sáng tạo của học sinh. Khuyến khích động viên học sinh kịp thời, tổ chức các hoạt động ngoại khoá để học sinh bộc lộ mình. Sử dụng triệt để các thiết bị dạy học phục vụ tốt cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.