Phấn hoa có chứa protein, axit amin, carbonhydrate, nhiều chất khoáng như K, Ca, Na, S, Cu, Fe... và vitamin như B1, B2, B3, B6, A, D, E...
Theo y học cổ truyền, phấn hoa có vị ngọt, tính bình, tác dụng tư bổ cường tráng, ích khí dưỡng huyết và bổ thận. Người ta thường dùng phấn hoa để trị chứng suy nhược, thận tinh bất túc với các triệu chứng mỏi mệt rã rời, bồn chồn, bực bội, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, hay quên, ăn kém, suy giảm tình dục, đau lưng mỏi gối, liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm, đái đêm nhiều, muộn con, tắt kinh sớm... Y thư cổ Thần nông bản thảo kinh cho rằng, nếu dùng phấn hoa lâu ngày có thể làm cho cơ thể trở nên nhẹ nhàng, khí lực sung mãn và trẻ lâu.
Nhiều bằng chứng khoa học đã ghi nhận, phấn hoa có tác dụng phòng chống cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, viêm loét dạ dày tá tráng, viêm gan, chống lão hóa, chống phóng xạ, tăng cường công năng miễn dịch, thúc đẩy quá trình tạo huyết, kiện não, bổ tủy, cải thiện trí nhớ, điều tiết nội tiết tố, khống chế tuyến tiền liệt tăng sinh, tăng cường khả năng tình dục, phòng chống ung thư và làm đẹp da.
Người ta thường dùng phấn hoa bằng cách ăn tự nhiên hoặc pha với nước sôi để uống, ngâm rượu và trộn lẫn với mật ong để ăn. Với trẻ em, có thể dùng dưới dạng nấu lẫn với bột hoặc cháo. Cho đến nay, quan điểm về liều lượng phấn hoa mỗi ngày chưa thật sự thống nhất. Phần đông cho rằng, đối với người trưởng thành, tối đa nên dùng 5-10 g, còn trẻ em thì giảm bớt liều, từ 2- 3 g/ngày. Trung tâm Nghiên cứu ong trung ương khuyên dùng mỗi ngày 1-2 thìa cà phê, chia làm 2 lần. Nói chung, mỗi ngày nên dùng khoảng 5 g là vừa phải.