Biểu tượng trong tư duy thơ

Một phần của tài liệu Thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật (Trang 50)

Biểu tƣợng (Symbole - tiếng Pháp, Symbol - tiếng Anh) là thuật ngữ

được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành khoa học khác nhau.

Trong triết học và tâm lí học, “biểu tượng là khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” [24, tr.23].

Trong Từ điển triết học (M. Rudentan và P. Iudin chủ biên, NXB Sự thật, 1972) thì biểu tượng được hiểu là “hình ảnh cảm tính cụ thể về những hiện tượng của thế giới bên ngoài. Biểu tượng cùng với cảm giác và tri giác tạo nên nhận thức cảm tính… Tri giác phản ánh một sự vật riêng lẻ tác động

vào giác quan chúng ta trong những trường hợp cụ thể nhất định. Biểu tượng phản ánh khái quát hơn, trừu tượng hơn”.

“Biểu tượng như là thuật ngữ của mĩ học, lí luận văn học và ngôn ngữ học còn được gọi là tượng trưng, nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật. Đặc điểm cơ bản của hình tượng nghệ thuật là sự tái hiện thế giới, làm cho con người và cuộc sống hiện lên y như thật. Nhưng hình tượng cũng là hiện tượng đầy tính ước lệ. Bằng hình tượng, nghệ thuật sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn mang tính biểu tượng. Cho nên, trong nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời…” [24, tr.24].

Biểu tượng có quan hệ gần gũi với ẩn dụ nhưng lại khác với ẩn dụ. V. I. Eremina đã phân biệt biểu tượng và ẩn dụ như sau: “Ẩn dụ trong thơ ca dân gian được sinh ra tức thời và mất đi khá nhanh. Biểu tượng được hình thành trong thời gian dài và sống hàng trăm năm. Ẩn dụ là yếu tố biến đổi còn biểu tượng không đổi mà bền vững. Ẩn dụ là phạm trù thẩm mĩ và phần lớn tự do, tác khỏi phong cách ước lệ. Biểu tượng thì ngược lại được giới hạn nghiêm túc bởi hệ thống thi ca xác định” (Dẫn theo Phạm Thu Yến - Vấn đề nghiên

cứu biểu tƣợng thơ ca dân gian).

Trong Từ điển Biểu tƣợng văn hóa thế giới, Jean Chevalier và Aliem Gheerbrant đã chỉ ra, biểu tượng “tiết lộ mà che dấu, che dấu mà tiết lộ”. Biểu tượng khác với biểu hiện, vật liệu, phóng dụ, ẩn dụ, loại suy, triệu chứng, dụ ngôn, ngụ ngôn lý luận. Tất cả những loại trên đều có thể xem là những dấu hiệu không vượt quá mức độ của sự biểu nghĩa; còn biểu tượng luôn “rộng

lớn hơn các ý nghĩa được gán cho nó một cách nhân tạo, nó có một sức vang cốt yếu và tự sinh”.

Biểu tượng khác với dấu hiệu ở chỗ “dấu hiệu là một quy ước tùy tiện trong đó cái biểu đạt và cái được biểu đạt (khách thể hay chủ thể) vẫn xa lạ với nhau, trong khi biểu tượng giả định có sự đồng nhất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nghĩa một năng lực tổ chức”. C.G Jung viết: “Cái mà chúng ta gọi là biểu tượng là một từ ngữ, một danh từ hay một hình ảnh, ngay cả khi chúng ta quen thuộc trong đời sống hàng ngày, vẫn chứa đựng những mối liên hệ liên can, cộng thêm vào ý nghĩa quy ước và hiển nhiên của chúng. Trong biểu tượng có bao hàm một điều gì đó mơ hồ chưa biết hay bị che dấu đối với chúng ta…”.

Tư duy thơ là phương thức biểu hiện của tư duy nghệ thuật. Nó mang trong mình một khả năng biểu hiện phong phú của ngôn ngữ thơ. M. Bakhtin cho rằng “vấn đề trung tâm của thơ ca là vấn đề biểu tượng thi ca”. Biểu tượng thơ ca được biểu hiện qua ngôn từ là một sự chuyển nghĩa có tính đa nghĩa. Cũng phản ánh hiện thực khách quan nhưng biểu tượng thơ chịu sự chi phối mạnh mẽ của quan niệm về thơ, về nhân sinh thời đại và bản thân cá tính nhà thơ. Điều đó dẫn đến nhà thơ chú ý nhiều đến loại biểu tượng này hay loại biểu tượng khác. Biểu tượng được lựa chọn theo một tiêu chí nhất định đáp ứng được nhu cầu bộc lộ của nhà thơ, thỏa mãn tư tưởng chủ đề và hợp với phong cách phương pháp sáng tác. Tính chất trực quan của các biểu tượng gắn với sự nhạy bén của các giác quan, nó mang tính cụ thể sinh động nhưng chủ yếu được cấp thêm những nghĩa mới để thể hiện quan niệm, tư tưởng, tình cảm của nhà thơ trước con người và cuộc đời. Biểu tượng mang đậm lý tính, có sức khái quát và in đậm cá tính sáng tạo của nhà thơ. Sự lặp lại các biểu tượng tạo nên những mô tip quen thuộc, tạo nên trường sáng tác, thế giới nghệ thuật riêng của nhà thơ. Khi đó biểu tượng trở thành máu thịt của hồn

thơ. Nó như lăng kính đặc biệt thâu nhận vào đó những hình ảnh của cuộc đời. Lúc đó biểu tượng sẽ chi phối các phương thức nghệ thuật biểu hiện của nhà thơ. Vì vậy, nghiên cứu biểu tượng trong thơ là hết sức cần thiết khi nghiên cứu tư duy thơ của một tác giả, một tác phẩm hay cả những phạm vi rộng hơn.

Tư duy thơ là sự khôi phục và sáng tạo nên các biểu tượng trực quan để biểu hiện tư tưởng và cảm xúc, nhưng không phải do nhận thức cảm tính quyết định, mà nó theo logic chủ quan của tác giả. Sóng Hồng đã từng nói: “Thơ ca là nghệ thuật kì diệu bậc nhất của trí tưởng tượng”. Hành trình của trí tưởng tượng mang tính chất ngẫu nhiên bao nhiêu về mặt hình ảnh trực quan, thì mang tính chất tất yếu bấy nhiêu về mục đích biểu hiện. Những quan niệm về thơ, về nhân sinh, về thời đại và bản thân cá tính của nhà thơ sẽ làm cho nhà thơ chú ý nhiều hơn đến loại biểu tượng này hay loại biểu tượng khác. Việc nhà thơ chọn loại biểu tượng nào cho tác phẩm của mình phụ thuộc rất nhiều vào thế giới quan, nhân sinh quan, những quan niệm về văn chương của từng tác giả. Biểu tượng làm nên nét đặc sắc cho mỗi phong cách thơ, là phần quan trọng trong thế giới nghệ thuật của tác giả. Hình ảnh thơ bao giờ cũng là sự kết tinh của việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế hình ảnh thơ luôn có ý nghĩa trong việc tạo hiệu ứng nghệ thuật, góp phần khẳng định sự hiện hữu của thơ. Vì „thơ là biểu tượng, là hình ảnh. Thơ tạo dựng một vũ trụ qua trung gian biểu tượng một vũ trụ phi thực, một vũ trụ chỉ có ý nghĩa trong tính cách phi thực, một vũ trụ chỉ có ý nghĩa trong tính cách phi thực của nó. Hơn đâu hết, biểu tượng hình ảnh là điều kiện của thơ, lý do tồn tại của thơ, biểu tượng chính của thơ” [14].

Một phần của tài liệu Thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật (Trang 50)