Khái niệm cái tôi, cái tôi trữ tình trong thơ

Một phần của tài liệu Thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật (Trang 35)

Cái tôi thực chất là một khái niệm triết học (R. Descartes, G. Hegel, H. Bergson…). K. Marx định nghĩa: “Cái tôi là trung tâm tinh thần của con người, của cá tính người, có quan hệ tích cực đối với thế giới và đối với chính bản thân mình. Chỉ có con người độc lập kiểm soát những hành vi của mình và có khả năng thể hiện tính chủ động toàn diện mới có cái tôi của mình. Cái tôi có thể xem là cấu trúc phần tự giác”. Như vậy cái tôi vừa mang bản chất xã hội, có quan hệ khăng khít với hoàn cảnh, vừa mang bản chất cá nhân độc đáo. Nói về cái tôi là nói về bản chất của chủ thể trong nhận thức và sáng tạo. Nó có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật nói chung và thơ ca trữ tình nói riêng.

Thơ trữ tình là “thuật ngữ dùng chỉ chung các thể thơ thuộc loại trữ tình trong đó, những cảm xúc và suy tư của nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống được thể hiện một cách trực tiếp. Tính chất cá thể hóa của cảm nghĩ và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện là những dấu hiệu tiêu biểu của thơ trữ tình. Là tiếng hát của tâm hồn, thơ trữ tình có khả năng thể hiện những biểu hiện phức tạp của thế giới nội tâm, từ các cung bậc của tình cảm cho tới những chính kiến, những tư tưởng triết học” [24, tr.317]. Thơ trữ tình luôn gắn với cái tôi trữ tình.

Trong Tƣ duy thơ và tƣ duy thơ hiện đại Việt Nam, Nguyễn Bá Thành đã định nghĩa về cái tôi trữ tình một cách đầy hình ảnh: “Thơ trữ tình là những bản tốc kí nội tâm, nghĩa là sự tuôn trào của hình ảnh, từ ngữ trong một trạng thái cảm xúc mạnh mẽ của người sáng tạo. Chính vì vậy, về bản chất mọi nhân vật trữ tình trong thơ chính là những biểu hiện đa dạng của cái tôi

trữ tình” [71, tr.166]. “Cái tôi trữ tình trong thơ được thể hiện dưới hai dạng thức chủ yếu là cái tôi trữ tình trực tiếp và cái tôi trữ tình gián tiếp. Thơ trữ tình coi trọng sự biểu hiện cái chủ thể đến mức như là nhân vật số một trong mọi bài thơ” [71, tr.56]. “Tuy nhiên, do sự chi phối của quan niệm thơ và phương pháp tư duy của từng thời đại mà vị trí cái tôi trữ tình có những thay đổi nhất định” [71, tr.57].

Trong lịch sử thơ ca đã chứng kiến sự cách tân của thơ gắn liền với sự vận động của cái tôi trữ tình. Trong thơ cổ cũng như thơ mới, cái tôi trữ tình luôn luôn chiếm địa vị hàng đầu. Nếu trong thơ cổ, “cái tôi trữ tình ẩn khuất theo lối vô nhân xưng là chủ yếu” [71, tr.166] thì khi thơ mới ra đời, cái tôi trữ tình đã giành lấy vị trí trung tâm trong mọi bài thơ, “cái tôi trữ tình luôn luôn được thể hiện dưới dạng trực tiếp. Nghĩa là đối tượng thẩm mĩ là những trạng thái tình cảm khác nhau của chủ thể. Tôi vui, tôi buồn, tôi cô đơn, tôi yêu, tôi nhớ… Cái tôi ấy giãi bày, đối thoại trực tiếp với độc giả” [71, tr.166]. Nhưng đối với thế hệ thi nhân hiện đại, vị trí của cái tôi đã không còn như trước nữa. Cái tôi trở về với thân phận, với sự tiếp nhận của ý thức, thậm chí đào sâu vào cõi vô thức để tìm đến bản thể chân chính của con người. Cái tôi trữ tình trong thơ hiện đại vì vậy chân thực hơn, nhưng cũng khốc liệt hơn, nó đưa con người đối diện với chính mình trong cả những phần khuất tối nhất.

Cái tôi là điểm khởi đầu và cũng là điểm kết thúc của quá trình sáng tạo. Nó là linh hồn của chủ thể trữ tình. Thơ trữ tình nào cũng dựa trên sự rung động của cái tôi cá nhân, mang số phận cá tính riêng của các tình huống trữ tình. Tuy nhiên, khám phá cái tôi trữ tình trong thơ, không có nghĩa là khám phá cuộc đời tác giả. Cái tôi trữ tình tự nó là một giá trị độc lập, tự nó có một đời sống riêng độc đáo mà ngay cả các thi sĩ khi sáng tạo ra cũng không thể bao quát hết. Nhiệm vụ của người đọc là phiêu lưu cùng cái tôi đó,

để tìm hiểu, cảm nhận những gì là chân thực nhất của con người, của cuộc sống được nuôi dưỡng trong thơ.

Một phần của tài liệu Thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)