quá trình hội thoại trong giờ giảng Ngữ văn
Bản thân quá trình giảng dạy cũng là quá trình hội thoại. Do đó, việc vận dụng lý thuyết bình diện Ngữ nghĩa học Dụng pháp vào tổ chức quá trình hội thoại trong giờ giảng Ngữ văn là một vấn đề rất hữu ích. Nói đến bình diện ứng dụng này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến mặt vận dụng có “kĩ năng”, tức là từ những kiến thức về Ngữ nghĩa học Dụng pháp, biến nó thành kĩ năng có tính thực hành. Đây là vấn đề có liên quan đến phương pháp giảng dạy Ngữ văn nói riêng, dạy học nói chung. Cho nên, dù không phải là vấn đề trung tâm chúng tôi muốn khai thác, thiết nghĩ cũng cần phải đề cập.
Có thể kể ra đây một số bình diện ứng dụng, chẳng hạn như:
Các loại và đặc điểm tiền giả định giúp giáo viên luôn phải chú ý trong quá trình giảng dạy phải giải thích những tiền giả định mà học sinh chưa biết, nhất là những tiền giả định văn bản ở cấp độ từ, câu lẫn phát ngôn.
Ví dụ, khi giảng dạy văn bản “Qua Đèo Ngang”, giáo viên buộc phải nhắc đến khái niệm điển cố, điển tích để giảng hai câu thơ:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Để học sinh hiểu thấu vấn đề, cần thiết phải làm rõ tiền giả định về điển cố, điển tích ở mặt khái niệm, ví dụ và việc sử dụng điển cố, điển tích trong tác phẩm là một đặc điểm thường thấy của văn học Trung đại. Những tiền giả định âý học sinh phải được cung cấp trước, mặc nhiên thừa nhận trước thì giáo viên mới có thể giảng về điển tích trong câu thơ.
Ở mặt hàm ý và suy ý, giáo viên cần nhận thức quá trình hội thoại trong giảng dạy đòi hỏi sự chính xác, rõ ràng dễ hiểu để học sinh nắm bài học dễ dàng nhất. Do đó hạn chế tối đa việc sử dụng hàm ý trong lời giảng. Một khi giáo viên sử dụng hàm ý trong lời giảng, học sinh buộc phải suy ý. Nếu quá trình suy ý không phù hợp với hàm ý, đương nhiên sẽ dẫn đến những hệ quả không tốt cho việc nhận thức của học sinh. Tuy nhiên, trong một số trường
hợp, giáo viên cũng có thể sử dụng hàm ý như một thao tác rèn luyện tư duy ngôn ngữ của học sinh.
Những kiến thức về phương châm hội thoại và cơ chế sản sinh hàm ý hội thoại là cơ sở để giáo viên có thể hạn chế việc phát ngôn của mình khi giảng dạy có hàm ý. Tuân thủ các 4 phương châm hội thoại là cách đơn giản nhất giúp giáo viên có lời giảng trong sáng, dễ hiểu, đầy đủ, chính xác, …
KẾT LUẬN
Bài tiểu luận vừa khai thác hai bình diện ứng dụng chính khi vận dụng các kiến thức Ngữ nghĩa học Dụng pháp vào giảng dạy phân môn Đọc hiểu văn bản (Bộ môn Ngữ văn) bậc THCS. Đó là hai mặt ứng dụng về kiến thức và kĩ năng khi giảng dạy.
Ở mặt thứ nhất, cần thấy sự vận dụng chủ yếu là ở bình diện tiền giả định và hàm ý. Vấn đề hành động ngôn từ sở rất ít được đề cập trong tiểu luận bởi nó ít thể hiện hoặc thể hiện không rõ vai trò của mình trong việc khám phá nội dung và nghệ thuật của văn bản văn học. Ở bình diện tiền giả định, cấp độ tiền giả định văn bản được nhấn mạnh bởi nó có liên quan rất nhiều đến đặc trưng của ngôn ngữ văn chương. Tìm hiểu tiền giả định văn bản trong tác phẩm văn chương là cách học sinh có được những kiến thức văn học, xã hội phong phú, sinh động. Hàm ý là mặt nghĩa hàm ẩn giúp tạo nên chiều sâu cho tác phẩm văn chương, giúp tác phẩm văn chương trở nên đa nghĩa, sâu sắc, sống lâu trong lòng người đọc. Quá trình khai thác hàm ý là quá trình học sinh học cách đến với vẻ đẹp tác phẩm, đồng thời rèn cho mình tư duy ngôn ngữ. Hai bình diện nói trên được vận dụng với mức độ đậm nhạt khác nhau tuỳ theo đặc trưng thể loại mà chúng tôi đã làm rõ trong tiểu luận.
Ở mặt thứ hai là sự vận dụng trong tổ chức hội thoại giờ giảng văn. Sự vận dụng lúc này nghiêng về mặt kĩ năng ngôn ngữ của giáo viên.
Dù ở mặt vận dụng nào đi chăng nữa, ta vẫn thấy sự cần thiết phải gắn những kiến thức có tính lí luận của môn học vào thực tiễn giảng dạy ở trường Phổ thông. Thiết nghĩ, đó mới là mục đích thực sự cần đạt được khi học Ngữ nghĩa Ngữ dụng học trong trường sư phạm. Những nghiên cứu về sự vận dụng các bình diện ngữ nghĩa học từ vựng, ngữ nghĩa học cú pháp ở các khối lớp phổ thông sẽ là những hướng tiếp cận khác nhưng nhằm cùng một đích đến với đề tài.
PHỤ LỤC