Sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam hiện có mặt tại 80 nước và vùng lãnh thổ, nhưng thực tế chỉ có 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Đông Âu, chiếm đến 80% thị phần. Trong điều kiện hiện nay, khi cả 3 thị trường đều gặp những khó khăn quá lớn, số phận con cá tra,ba sa Việt Nam đương nhiên không thoát khỏi tình trạng lao đao. Theo ông Dương Hoàng Mãnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ sản Mêkông, khủng hoàng tài chính thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu cá tra, basa trong nước. Thực chất, có thể nói “hầu như các thị trường đã đóng cửa hàng loạt”.
Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, cá tra, ba sa nguyên liệu ở ĐBSCL liên tục rớt giá thảm hại, người nuôi đang lỗ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Tuy vậy, do cá đã đến thời điểm bán, không thể tiếp tục nuôi vì giá thức ăn, thuốc thú y cho cá trong nước bị đẩy lên quá cao. Nên người nuôi đành chấp nhận lỗ để giải phóng đàn cá, tránh thiệt hại nặng hơn.
Thực tế giá cá giảm, nguyên nhân không phải do “thừa” nguyên liệu như cách đây vài tháng, mà do giá xuất khẩu hiện đã giảm nhiều. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp còn chưa xuất khẩu được nên cũng không thể mặn mà với việc thu mua nguyên liệu cho bà con.
Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu - đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất của cuộc khủng hoảng - đangđối mặt với những khó khăn lớn. Ông Lương Hoàng Mãnh cho biết: “Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp chưa giải phóng hết lượng cá tồn kho. Nếu tình hình này kéo dài, hàng tồn kho sẽ nhiều hơn, tạo áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn không chỉ về thị trường mà cả về vốn. Từ nay đến cuối năm, nếu như việc mở rộng tín dụng ngân hàng trong nước không được nới lỏng, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ khó có thể cầm cự được.