Tài nguyên hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các nguồn nguyên liệu, năng lượng và thông tin trên trái đất và trong không gian vũ trụ mà con người có thể sử dụng phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của mình (Dương Hồng Hạnh, http://luanvan.co/luan-van/tai-lieu-chuan-tai-nguyen-du-lich-4242).
Tài nguyên được phân loại thành tài nguyên thiên nhiên gắn liền với các nhân tố tự nhiên và tài nguyên nhân văn gắn liền với các nhân tố con người và xã hội. Theo “Luật Du lịch” Việt Nam, tài nguyên du lịch được hiểu là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, các yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch.
Tài nguyên du lịch có một số vai trò cơ bản như sau: (1) Tài nguyên du lịch là yếu tố cơ bản để hình thành các sản phẩm du lịch, chất lượng của sản phẩm và hiệu quả của hoạt động du lịch; (2) Tài nguyên du lịch là cơ sở để phát triển các loại hình du lịch; (3) Tài nguyên du lịch là một bộ phận cấu thành quan trọng của tổ chức lãnh thổ du lịch; (4) Tài nguyên du lịch còn ảnh hưởng đến quy mô, thứ bậc của khách sạn và quyết định tính mùa vụ đi du lịch của khách du lịch.
Tài nguyên du lịch được phân loại thành:
(1) Tài nguyên du lịch thiên nhiên: là các thành phần và các thể tổng hợp tự nhiên trực tiếp hoặc gián tiếp được khai thác sử dụng để tạo ra các sản phẩm du lịch bao gồm:
+ 100 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên
+ 02 di sản thiên nhiên thế giới: vịnh Hạ Long và vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
+ 05 khu dự trữ sinh quyển thế giới (Cát Bà).
(2) Tài nguyên du lịch nhân văn (vật thể và phi vật thể), bao gồm: + 40.000 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (trong đó có 2.800 di tích
quốc gia)
+ 10 di sản văn hóa thế giới: Cố Đô Huế, Phố Cổ Hội An, Hoành Thành Thăng Long, khu Di Tích Mỹ Sơn, Nhã Nhạc Cung Đình Huế, Vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Quan Họ Bắc Ninh, Ca Trù
+ Bia đá văn miếu – quốc tử giám được công nhận là di sản tư liệu thế giới.
Tài nguyên du lịch có một số đặc điểm, bao gồm: (1) Phong phú, đa dạng, có nhiều tài nguyên đặc sắc và độc đáo, có sức hấp dẫn đối với du khách; (2) Tạo nên tính phong phú của các sản phẩm du lịch; (3) Có tính độc quyền; (4) Tạo nên tính đặc thù riêng của một vùng đất nào đó, tính đặc thù càng cao thì sức hấp dẫn của chúng càng lớn; (5) Có tính mùa vụ, đặc điểm này bị chi phối bởi điều kiện địa hình, vị trí địa lý…; (6) Thời gian khai thác khác nhau, ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch; (7) Không thể di chuyển về vị trí địa lý; (8) Khai thác tại chỗ để tạo ra các sản phẩm du lịch, tạo nên sức hút cơ sở hạ tầng và dòng khách đến nơi có tài nguyên; (9) Dễ bị tổn thất do các yếu tố khách quan và chủ quan (tác động của mưa, bão, lụt, độ ẩm không khí hoặc sự tàn phá của con người…); (10) Có tính biến hóa, thay đổi trong
quá trình phát triển chung của xã hội. Đặc điểm này thể hiện rõ đối với tài nguyên văn hóa vô hình; (11) Có thể là kết quả của lao động sáng tạo, được hình thành và phát triển theo trình độ khoa học công nghệ, phát triển kinh tế của một quốc gia, một vùng nào đó; (12) Có thể được khai thác nhiều lần, hiệu quả thu được từ khai thác tài nguyên du lịch là rất lớn.
Một số loại tài nguyên du lịch tự nhiên:
+ Địa hình: đối với du lịch, địa hình là nơi tạo nên phong cảnh và là nơi diễn ra mọi hoạt động của con người. Khách du lịch thường thích tìm đến các khu vực có các đặc điểm phong cảnh đẹp và đa dạng về địa hình, có sự đan xen giữa biển, rừng, sông, hồ, núi, đồng bằng…và thường tránh những nơi bằng phẳng mà họ cho là tẻ nhạt, không thích hợp với du lịch. Ở nước ta gồm các dạng và kiểu địa hình sau: Các vùng núi có phong cảnh đẹp, khu vực thuận lợi cho việc tổ chức thể thao mùa đông, các nhà an dưỡng, các cơ sở du lịch, các đỉnh núi cao có thể nhìn toàn cảnh: Sapa, Đà Lạt, Tam Đảo…Các kiểu địa hình ven bờ, hang động có thể tận dụng khai thác du lịch với những mục đích từ tham quan, nghỉ dưỡng, thể thao nước, đến tắm biển: Phong Nha, Hương Tích, các hang động của Vịnh Hạ Long…Các di tích tự nhiên như núi Vọng Phu, hồ Ba Bể, hồ Tơ nưng…Trên phạm vi thế giới, số khách du lịch lớn nhất là khách đi nghỉ ở bờ biển, một bãi biển thích hợp cho du lịch tắm biển là một bãi biển rộng, bằng phẳng, kết hợp với phong cảnh đẹp, hấp dẫn, và bãi biển càng gần với thành phố trung tâm du lịch thì càng thu hút khách vì tiện lợi cho việc đi lại, tham quan.
+ Khí hậu: khí hậu là sự thay đổi theo chu kỳ của thời tiết, tài nguyên khí hậu phục vụ du lịch là tổng hợp các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, mưa, gió…góp phần tạo nên sức hấp dẫn của tài nguyên và sản phẩm du lịch. Khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tạo nên tính mùa vụ, ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của khách. Mỗi loại hình du lịch thích hợp với
những điều kiện khí hậu khác nhau và đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách nhất định. Nhìn chung, đa số khách du lịch ưa thích khí hậu ôn hòa, thường tránh những nơi quá lạnh, quá ẩm, hoặc quá nóng, khô hanh, những nơi có nhiều gió cũng không thích hợp cho sự phát triển của du lịch. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu có ảnh hưởng đến việc thực hiện các chuyến du lịch hoặc hoạt động dịch vụ du lịch, cần lưu ý tới những hiện tượng thời tiết như bão, gió mùa, lũ lụt…
+ Thủy văn: Bề mặt nước và các bãi nông ven bờ, nước ngầm: các bãi biển, các hồ nước, các dòng sông suối, hồ chứa nước nhân tạo…vừa tạo điều kiện để điều hòa không khí, phát triển mạng lưới giao thông vận tải nói chung, vừa tạo điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch câu cá… Và, không thể không kể đến tài nguyên nước khoáng, là loại tài nguyên tổng hợp mà giá trị kinh tế và du lịch chữa bệnh thể hiện rất rõ. Các điểm nước khoáng, suối nước nóng là tiền đề không thể thiếu được đối với việc phát triển du lịch an dưỡng, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Qua đó, thủy văn tạo nên những điểm du lịch nổi tiếng như sông Son, sông Hậu, sông Tiền, suối nước nóng Tháp Bà, Vĩnh Hảo, Ninh Thuận…
+ Hệ động thực vật: có giá trị tạo nền cho phong cảnh hấp dẫn, sống động, có ý nghĩa trong đa dạng sinh học, có khả năng làm cho con người tăng thêm lòng yêu cuộc sống, khu vực nào có hệ động thực vật càng phong phú và quý hiếm thì có sức thu hút cao đối với nhóm khách du lịch trẻ, khách du lịch nghiên cứu, khách du lịch thích khám phá tự nhiên. Nước ta có 10 vườn Quốc gia được nhà nước công nhận: Ba Bể, Ba Vì, Bạch Mã, Bến Én, Cát Tiên, Cát Bà, Côn Đảo, Cúc Phương, Côn Đảo, Yok Đôn. Khu bảo tồn thiên nhiên và khu di tích lịch sử văn hóa: Hương Sơn (Hà Tây), Côn Sơn (Hải Dương), Đền Hùng, Hoa Lư (Ninh Bình), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Rừng Thông (Đà Lạt),
Núi Bà Đen (Tây Ninh)… Các điểm vườn bách thú, các bảo tàng sinh vật, vườn động vật các loài,vườn hoa trái cũng trở thành các điểm tham quan của nhiều du khách. Do đó, Tài nguyên sinh vật có ý nghĩa lớn đối với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, săn bắn, thể thao, nghiên cứu khoa học.
+ Một số hệ sinh thái đặc biệt: hệ sinh thái ngập mặn: Chàm chim (Đồng Tháp), U Minh (Cà Mau)…hệ sinh thái rạn san hô (Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu…).
Các loại tài nguyên du lịch nhân văn:
Nhóm tài nguyên du lịch nhân văn là do con người tạo ra, là đối tượng, hiện tượng được tạo ra một cách nhân tạo, có thể thu hút khách du lịch đến thưởng thức.
+ Các di sản văn hóa thế giới và di tích lịch sử - văn hóa là nguồn lực để phát triển và mở rộng hoạt động du lịch, đây là minh chứng cho những sáng tạo to lớn về văn hóa, tôn giáo và xã hội loài người.
Theo luật di sản văn hóa 12/7/2001, các di tích lịch sử - văn hóa là các công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Trên thế giới, những Kim tự tháp ở Ai Cập, đền đài Pác tê nông ở Hy Lạp, Chùa Tháp dát vàng, dát bạc ở Ấn Độ, Mianma, Campuchia và trong nước như thành Cổ Loa, Đền Hùng, cung điện, lăng tẩm ở cố đô Huế…là những biểu tượng trong kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại
Các di sản văn hóa thế giới là kết tinh cao nhất của những sáng tạo văn hóa của dân tộc, là nguồn tài nguyên vô giá, có sức thu hút khách du lịch cao, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Việc một di sản quốc gia được công nhận, tôn vinh, là di sản thế giới mang lại nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế. Trên thế giới, tính đến hết năm 1994, danh mục di sản thế giới đã ghi đến số 443, trong đó 99 di sản thiên nhiên và 344 di sản văn hóa.
+ Các lễ hội
Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc phản ánh đời sống tâm linh của mỗi dân tộc hay là một hình thức sinh hoạt tập thể của nhân dân sau những ngày lao động vất vả, hoặc là một dịp để mọi người hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, những sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, hoặc đơn thuần là những hoạt động có tính chất vui chơi giải trí. Do vậy, lễ hội có tính hấp dẫn cao đối với khách du lịch.
Ở bất cứ thời đại nào, bất cứ dân tộc nào, vào bất kì mùa nào cũng có các ngày lễ hội. Lễ hội dân tộc trở thành dịp cho con người hành hương về với cội rễ, bản thể của mình. Trong kho báu các di sản của quá khứ để lại cho hôm nay, các lễ hội dân tộc có lẽ là một trong những thứ quý giá nhất. Và vì thế, các lễ hội dân tộc lành mạnh không bị mất đi, mà ngày càng được nhân rộng, phát triển cả về hình thức lẫn nội dung. Thông thường, các lễ hội thường được tiến hành trong khoảng một hai tháng, nhưng cũng có lễ hội chỉ diễn ra trong một vài ngày. Trong thời gian lễ hội, khách du lịch (trong nước, quốc tế) tới rất đông (với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có cả mục đích du lịch), họ thường có nhu cầu tham dự các lễ hội này, với một sự hòa đồng say mê nhập cuộc, chính tại đây tình cảm cộng đồng, sự hiểu biết về dân tộc được bộc lộ mạnh mẽ.
+ Làng nghề truyền thống
Thông qua những sản phẩm thủ công độc đáo và cách thức làm ra các sản phẩm đó đã thu hút được khá đông lượng khách du lịch đến tham quan. Việt Nam là một đất nước có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là các làng nghề đúc đồng, nghề kim hoàn, nghề gốm, nghề mộc, nghề may tre, nghề sơn mài, nghề dệt, nghề thêu ren, mỗi nghề đều có lịch sử phát triển lâu dài và độc đáo. Nghề thủ công truyền thống với những sản phẩm độc đáo mang giá trị nghệ thuật, thể hiện sự khéo léo của người lao động, thể hiện tâm
tư tình cảm của họ. Nghề thủ công truyền thống luôn được bảo tồn, phát huy từ đời này sang đời khác của các gia đình, các làng, các địa phương. Hiện nay, trong du lịch, việc tham quan các làng nghề và học làm các sản phẩm tại các làng nghề đang được phát triển. Khách du lịch từ các nước phát triển quan tâm tìm hiểu các làng nghề và mua các sản phẩm thủ công truyền thống, vì qua đó họ hiểu thêm về lịch sử văn hóa của một vùng đất và có cơ hội chứng kiến cách thức lao động sản xuất cổ xưa hiện không còn tồn tại ở đất nước khách du lịch cư trú.
+ Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học
Mỗi một dân tộc có những điều kiện sinh sống, những đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất mang những sắc thái riêng và có địa bàn cư trú nhất định. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều thể hiện những sắc thái riêng biệt, những đặc thù của mình để thu hút khách du lịch. Người Tây Ban Nha và truyền thống đấu bò. Đất nước Pháp, Italia, Hy Lạp… là những cái nôi của văn minh châu Âu. Việt Nam với 54 dân tộc còn giữ gìn nguyên vẹn các phong tục tập quán, hoạt động văn hóa – văn nghệ đặc sắc với những sản phẩm của những nghề chạm khắc, đúc đồng, dệt tơ lụa, sơn mài, gốm, sành sứ…các món ăn dân tộc độc đáo với nghệ thuật chế biến và nấu nướng cao.
+ Các đối tượng văn hóa, thể thao và hoạt động nhận thức khác
Các đối tượng văn hóa cũng thu hút khách du lịch như các trung tâm của các viện khoa học, các trường đại học, các thư viện lớn và nổi tiếng, các bảo tàng, các thành phố có tổ chức triển lãm, thể thao, hoa hậu…Đối tượng này không chỉ thu hút khách du lịch với mục đích tham quan, nghiên cứu, mà còn thu hút đa số khách đi du lịch với mục đích khác, ở các lĩnh vực khác và từ nơi khác đến. Do vậy, tất cả các thành phố có các đối tượng văn hóa hoặc tổ chức những hoạt động văn hóa – thể thao đều được nhiều khách tới thăm và đều trở thành những trung tâm du lịch văn hóa.
+ Ẩm thực
Ẩm thực cũng là một yếu tố có thể khai thác để phát triển du lịch, mặc dù các nguyên liệu cơ bản để chế biến món ăn không có sự khác nhau đáng kể, nhưng các loại gia vị, cách thức chế biến, cách thức ăn uống thì có sự khác biệt khá rõ giữa các quốc gia. Chính vì vậy, trong chuyến du lịch, du khách có nhu cầu thưởng thức các món ăn, thức uống đặc sản của từng vùng. Một bộ phận khách du lịch có nhu cầu tìm hiểu, học cách chế biến một số món ăn của nước họ đến để sau chuyến đi, họ có thể giới thiệu với bạn bè và tự chế biến món ăn trong gia đình.