PHẦN IV: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH

Một phần của tài liệu tiểu luận chính sách Phát triển nông thôn theo chương trình 135 (Trang 30)

Chính sách phát triển bền vững của chúng ta đã đề cập tới 3 mảng hoạt động cấp bách để chống lại nghèo đói: Trước hết, phải mở ra những cơ hội tạo việc làm và nâng cao năng suất lao động để từ đó góp phần tăng thu nhập và giúp người nghèo vượt ra khỏi nghèo đói; Thứ hai, có các biện pháp để đảm bảo ích lợi của tăng trưởng và khả năng tiếp cận các dịch vụ một cách khách quan và công bằng; nhờ vậy, mọi công dân đều được hưởng những thành quả do sự phát triển mang lại; Thứ ba, đặc biệt chú ý giảm bớt nguy cơ dễ bị tổn thương của người nghèo trước những bất trắc trong đời sống (ốm đau, mùa màng thất bát...). Trên quan điểm xoa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là sự nghiệp của toàn dân, do đó trong chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững cần phải huy động tất cả nguồn lực của toàn xã hội vào quá trình thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, cần đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người dân, đây chính là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo. Để làm được điều đó:

Thứ nhất:Các chương trình mục tiêu tiếp theo phải xây dựng chính sách từ nhu cầu thực tế của người dân. Để đảm bảo thực hiện chương trình giảm nghèo có hiệu quả thì phải xác định được chính xác nhu cầu của người nghèo, và bản thân họ phải tham gia vào quá trình thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra. Thông qua đánh giá, Chính phủ thấy rằng, mặc dù chúng ta tập trung nhiều nguồn lực, đã có nhiều chính sách với người nghèo, nhưng kết quả giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, đặc biệt những vùng khó khăn nhất, mức độ giảm tỷ lệ nghèo đói lại thấp nhất. Để xây dựng cơ chế chính sách xóa đói giảm nghèo, cần có khảo sát thực tế tại các huyện nghèo. Mỗi huyện nghèo có đặc thù khác nhau, có nhu cầu khác nhau, xuất phát điểm khác nhau. Chẳng hạn, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), trên 90% diện tích đất rừng phòng hộ, không được khai thác sản xuất. Đây lại là vùng chịu ảnh hưởng rất nhiều vào khí hậu. Mùa đông gia súc chết rét, trồng cây cũng chết, đất sản xuất rất ít. Cơ chế dành để giảm nghèo ở đây sẽ phải khác với nơi khác.

Thứ hai, xây dựng các chính sách giảm nghèo bền vững.Nhiều chuyên gia cho rằng Chương trình giảm nghèo của chúng ta mới chỉ đạt về số lượng mà chưa đi vào chất lượng. Chương trình cũng cần đạt được yếu tố nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, chăm sóc những điều kiện sống cơ bản như chăm sóc y tế, giáo dục đào tạo.v.v… và để tăng cường hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo phát triển bền vững cho nhân dân các xã nghèo vùng sâu vùng xa, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đầu tư vào giai đoạn tiếp theo để quan tâm tới công tác đào tạo, nâng cao trình độ và phẩm chất của cán bộ cơ sở, chuẩn bị nội lực để tiếp nhận những cơ hội trong quá trình hội nhập và phát triển.

Thứ ba, Các địa phương phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc cơ chế thông tin công khai, minh bạch. Đây là yêu cầu tiên quyết để đảm bảo sự chủ động tham gia của người dân vào chương trình xóa đói giảm nghèo. Lâu nay, tại nhiều địa phương việc thực hiện quy chế dân chủ, yêu cầu công khai minh bạch vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Do đó nhiều chương trình mục tiêu triển khai trên địa bàn người dân bị hạn chế quyền được lắng nghe, được thảo luận và kiểm tra, giám sát, dẫn đến nhiều công trình, chương trình kém hiệu quả, mất giảm lòng tin của người dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thứ tư, cần đổi mới tư duy và phương pháp hoạch định, thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo. Về đổi mới tư duy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng vạch rõ ba thứ giặc đe dọa sự tồn vong của chính quyền nhân dân sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đó là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Sau 30 năm kháng chiến chúng ta đã giải quyết vấn đề giặc ngoại xâm, giành được độc lập dân tộc, còn giải quyết vấn đề “giặc đói”, “giặc dốt” thì sau 35 năm chúng ta vẫn chưa có nhiều bước tiến về chất lượng phát triển. Đây là thách thức bên trong lớn nhất khi bước vào thập niên 2011 – 2020 với những biến đổi có tính bước ngoặt, khi giải quyết vấn đề “giặc đói” và “giặc dốt”. Nó đòi hỏi Đảng cầm quyền phải có tư duy mới và năng lực mới trong xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển. Tư duy mới về chính sách xóa đói, giảm nghèo, trước hết là tư duy hệ thống, tức là đặt vấn đề đói nghèo trong chiến lược chuyển sang mô hình phát triển bền vững, trong đó

giải quyết vấn đề “giặc đói” và “giặc dốt” phải đồng thời, tạo điều kiện cho nhau, làm cho chính sách xóa đói, giảm nghèo mang ý nghĩa là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân được coi là trách nhiệm và mục tiêu của Đảng. Về phương pháp hoạch định, thực hiện chính sách phải đi đôi với năng lực, tiềm lực cũng như định hướng của Đảng và Nhà nước giao phó.Trong tình hình hiện nay có những vấn đề lớn sau đây: một là, tạo một bước phát triển chất lượng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền với ba nội dung cơ bản: mô hình tổ chức nhà nước, thể chế hoạt động, vấn đề cán bộ, nhất là cấp trưởng. Muốn vậy cần nhận thức đúng và đổi mới mối quan hệ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Phân định rõ và công khai về quyền hạn và trách nhiệm mỗi nhánh quyền lực. Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp bằng cách thu hút tinh hoa của dân tộc (khác với cơ cấu Mặt trận Tổ quốc). Chức năng của Quốc hội không chỉ lập pháp mà đặc biệt là phải giám sát cơ quan hành pháp bằng một tổ chức giám sát có quyền hạn rõ ràng, trước hết nhằm chống tham nhũng, lãng phí – một nguyên nhân gây ra đói nghèo. Ba là, nâng cao và thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Nhà nước, kể cả trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo của mình bằng cách phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các đoàn thể, tổ chức xã hội, nhờ đó Đảng tăng thêm gấp bội sức mạnh trí tuệ của mình, khác với phương thức chỉ sử dụng hoạt động nội bộ cấp ủy để giải quyết vấn đề của toàn xã hội. Sự tổng kết của các thế hệ trước về sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp dân tộc vẫn rất đúng cho hiện nay: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đây chính là nguồn gốc của những giá trị có ảnh hưởng lâu dài của tư tưởng Hồ Chí Minh. Cách làm dựa vào dân vốn là kinh nghiệm thành công của Đảng, nay đang bị cản trở khá nhiều bởi cách làm hành chính quan liêu đã thành thói quen của nhiều cán bộ, công chức. Xây dựng và thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2020 cũng không ngoài bài học ấy.

Một phần của tài liệu tiểu luận chính sách Phát triển nông thôn theo chương trình 135 (Trang 30)