Tiềm năng sản xuất lương thực, thực phẩm của Việt Nam

Một phần của tài liệu “ Thực trạng an ninh lương thực tại Việt Nam và các biện pháp khắc phục”. (Trang 25 - 28)

Vấn đề lương thực, thực phẩm là một trong những mối quan tâm lớn thường xuyên của Nhà nước và nhân dân ta. Việt Nam có dân số đông, việc đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm sẽ đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện cơ cấu bữa ăn cho nhân dân; mặt khác tạo điều kiện đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến, thúc đẩy công nghiệp hoá và tạo nguồn hàng xuất khẩu quan trọng.

Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, sản xuất lương thực tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu khá vững chắc. Diện tích gieo trồng lúa cả năm không ngừng được mở rộng, từ 5,6 triệu ha (năm 1980), đến nay là khoảng 7,3 triệu ha. Nhờ phát triển thuỷ lợi và đưa vào các giống mới phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau, nên cơ cấu mùa vụ đã thay đổi nhiều. Diện tích lúa đông xuân được mở rộng, tới gần 1,8 triệu ha. Lúa hè thu được đưa vào trồng đại trà. Hàng trăm nghìn ha lúa mùa được chuyển sang làm vụ hè thu, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam duy trì vị trí là một trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (cùng với Hoa Kì và Thái Lan).

Nước ta còn có nhiều khả năng tăng sản lượng lương thực nhờ tăng vụ và tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, những khó khăn cần phải giải quyết là tình trạng thiếu vốn, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu trong nước chưa đáp ứng nhu cầu, công nghiệp sau thu hoạch còn nhiều hạn chế. Mặt khác, thiên tai, sâu bệnh làm thiệt hại mùa màng ở nhiều vùng, làm cho sản lượng lương thực chưa ổn định vững chắc.

Ngành chăn nuôi phát triển dựa trên cơ sở thức ăn tự nhiên (đồng cỏ), sản phẩm của ngành trồng trọt, phụ phẩm của ngành thuỷ sản và thức ăn

chế biến công nghiệp. Nhờ đảm bảo được cơ sở lương thực cho người, nên nguồn thức ăn cho chăn nuôi đã được giải quyết tốt hơn. Ngành chăn nuôi đang phát triển ngày càng đa dạng hơn, tăng tỉ trọng của những sản phẩm không qua giết mổ như trứng, sữa.

Tuy nhiên, hiện nay ngành chăn nuôi của ta còn phát triển chủ yếu theo lối quảng canh. Giống gia súc, gia cầm nói chung năng suất còn thấp, chất lượng chưa cao (nhất là cho yêu cầu xuất khẩu). Cơ sở thức ăn cho chăn nuôi chưa được đảm bảo, công nghiệp chế biến thức ăn cho gia súc và công tác dịch vụ thú y vẫn còn hạn chế. Hiệu quả kinh tế của chăn nuôi nói chung vẫn còn thấp.

Việt Nam có bờ biển dài 3260 km và vùng đặc quyền kinh tế rộng khoảng 1 triệu km2. Vùng biển nước ta có nguồn lợi hải sản khá phong phú, cho phép khai thác hàng năm 1,2 – 1,4 triệu tấn. Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó 4 ngư trường trọng điểm là : ngư trường Minh Hải – Kiên Giang, ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh và ngư trường quần đảo Hoàng Sa - quần đảo Trường Sa. Ven bờ biển có nhiều bãi triều, vũng, vịnh, đầm phá có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, nước mặn. Diện tích mặt nước có khả năng nuôi thuỷ sản nước ngọt rất lớn.

Nuôi trồng thuỷ sản đang được phát triển theo hướng phát triển đa dạng loài trên nhiều loại mặt nước như: Ao, ruộng trũng, hồ chứa, lồng bè trên sông và trên trên biển. Sản lượng cá nuôi hơn 108 nghìn tấn, tôm nuôi hơn 19 nghìn tấn. Ngành thuỷ sản đang được đẩy mạnh phát triển theo hướng hiện đại hoá cả ở khâu đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Sản phẩm của ngành không chỉ cung cấp nguồn đạm động vật quý giá, mà còn tạo ra các nguồn xuất khẩu có giá trị lớn.

Việc sản xuất các loại thực phẩm khác đang được khuyến khích. Các mô hình kinh tế vườn (mô hình VAC, RVAC, “vườn rừng”, “vườn đồi”…) đa dạng, phù hợp với các vùng sinh thái, đã cung cấp phần chủ yếu

các loại rau quả và một phần đáng kể thịt, cá, trứng, sữa cho nhu cầu hàng ngày của nhân dân ta.

Mỗi vùng sinh thái nông nghiệp của nước ta đều có những thế mạnh nhất định trong việc sản xuất lương thực, thực phẩm. Các thế mạnh ấy đang ngày càng được phát huy tốt hơn nhờ sản xuất đi đôi với bảo quản và chế biến sản phẩm, nhờ sự trao đổi, lưu thông lương thực, thực phẩm hàng hoá giữa các vùng.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm số một. Ở đây tập trung tới hơn 50% sản lượng lương thực của cả nước. Ngoài ra, đây còn là vùng dẫn đầu cả nước về trồng mía, cây ăn quả ; vùng phát triển mạnh chăn nuôi lợn và gia cầm, nhất là nuôi vịt. Do gần các ngư trường trọng điểm và tiềm năng nuôi thuỷ sản lớn nên ngành thuỷ sản có vị trí rất quan trọng trong sản xuất thực phẩm của vùng. Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long cung cấp hơn 50% sản lượng thủy sản các loại của cả nước.

Đồng bằng sông Hồng là vùng trọng điểm số hai về lương thực, thực phẩm. Đây là vùng nông nghiệp thâm canh rất cao. Năng suất lúa cao nhất cả nước. Nhưng do đất chật, người đông, nên vùng chỉ cung cấp không quá 20% sản lượng lúa cả nước và bình quân lương thực trên đầu người không cao. Thế mạnh của vùng là sản xuất lúa, rau quả, lợn, gia cầm, cá. Đặc biệt, khả năng phát triển vụ đông để trồng các loại rau, quả nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới là thế mạnh độc đáo của vùng.

Ngoài hai vùng trọng điểm trên, các vùng khác cũng có những thế mạnh khác nhau về sản xuất lương thực, thực phẩm. Trung du, miền núi phía Bắc có khả năng phát triển chăn nuôi trâu, bò, trồng đậu tương, mía, lạc, cây ăn quả… Vùng duyên hải miền Trung, với các đồng bằng duyên hải hẹp, lại hay bị thiên tai, khả năng sản xuất lương thực bị hạn chế. Nhưng ở đây lại có những tiềm năng lớn về chăn nuôi trâu, bò, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, trồng lạc, mía, đậu tương. Tây Nguyên có nhiều khả

năng phát triển chăn nuôi bò lấy thịt và bò lấy sữa. Vùng Đông Nam Bộ có khả năng lớn thứ hai sau đồng bằng sông Cửu Long về trồng mía, đậu tương, cây ăn quả, nhiều khả năng về nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Những năm qua Việt Nam đã sản xuất được lượng lương thực rất lớn (năm 2008 đã sản xuất được trên 52 triệu tấn), bảo đảm xuất khẩu. Tuy vậy, vẫn còn một số địa bàn, một bộ phận đồng bào bị thiếu lương thực. Vì vậy, liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Thủ tướng yêu cầu 2 việc: Thứ nhất là bảo đảm đất đai cho sản xuất lương thực; thứ hai là đưa khoa học công nghệ vào sản xuất lương thực, thực phẩm, nhất là chế biến sau thu hoạch, tăng năng suất, nâng cao chất lượng lương thực, thực phẩm. Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bộ ngành vào Đề án an ninh lương thực, thực phẩm đến năm 2020 nhằm đảm bảo diện tích đất trồng lúa, cây màu, đối phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng một cách bền vững nhu cầu lương thực, thực phẩm, trong mọi tình huống, Chính phủ sẽ hoàn thiện đề án để báo cáo Bộ Chính trị.

Một phần của tài liệu “ Thực trạng an ninh lương thực tại Việt Nam và các biện pháp khắc phục”. (Trang 25 - 28)