Hiện tượng địa chất động lực là các quá trình địa chất dẫn đến hình thành hay phá hủy đất đá, biến đổi trạng thái vật lý và điều kiện thế nằm của đất đá trong khu vực, thay đổi địa hình trong khu vực, biến đổi cấu trúc vỏ trái đất. Qua khảo sát thực địa nhận thấy khu vực Đèo Gió phổ biến các hiện tượng địa chất động lực công trình là trượt lở, xói mòn và phong hóa.
Hiện tượng trượt lở
Trượt lở đất đá là một dạng tai biến tự nhiên xảy ra tương đối phổ biến ở vùng đồi núi Việt Nam, đặc biệt dọc theo các tuyến đường mới được xây dựng, các
tuyến đường đang được mở rộng hoặc nắn thẳng. Hậu quả của trượt lở đất đá dẫn đến vùi lấp đường giao thông, đe dọa cuộc sống của các khu dân cư dọc theo tuyến đường và dưới chân các sườn dốc.
Trong khu vực nghiên cứu, trượt lở xảy ra rất phổ biến ở các taluy dương và âm dọc theo quốc lộ 3. Trượt cũng xuất hiện nhiều tại các vách núi có độ dốc lớn do dân khai phá để làm nhà. Đặc điểm hiện tượng trượt lở được trình bày chi tiết ở chương 3.
Hiện tượng xói mòn
Xói mòn là hiện tượng đất đá trên bề mặt bị phá hủy và cuốn trôi dưới tác dụng của dòng chảy mặt. Với địa hình đồi núi cao, đất chủ yếu là tàn tích nên thuận lợi cho hiện tượng xói mòn phát triển. Xói mòn đặc biệt xảy ra nhiều vào mùa mưa lũ, khi đó lượng mưa lớn làm hình thành nhiều dòng chảy tạm thời trên mặt dẫn tới bào mòn đất bề mặt và cuốn trôi đất đi. Quá trình này làm thay đổi địa hình, phá hủy đất đá, làm mất tính ổn định của đất. Trong khu vực nghiên cứu, xói mòn chủ yếu xảy ra tại các ta luy đường giao thông và những khu vực có mật độ phủ thực vật thấp hoặc không có.
Hiện tượng phong hóa
Điều kiện khí hậu của Việt Nam nói chung và của huyện Ngân Sơn nói riêng rất thuận lợi cho phát triển quá trình phong hóa.
Các thành tạo trầm tích lục nguyên tuổi Paleozoi trong vùng phân bố trên diện rộng, trong đó sản phẩm phong hoá từ các đá cát kết, đá phiến sét, đá phiến sét vôi thuộc hệ tầng Mia Lé dễ tham gia vào quá trình trượt lở đất. Thành phần thạch học chủ yếu của nhóm đá này là sét sericit bị nén ép, phân lớp mỏng, mặt phân lớp nhiều nơi trùng với mặt dốc địa hình và vỏ phong hoá của chúng chủ yếu là vụn thô. Ngoài ra, các thành tạo này lại chịu ảnh hưởng nhiều của hoạt động kiến tạo nên bị nứt nẻ, dập vỡ mạnh, tạo điều kiện cho quá trình phong hoá phát triển.