Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về các hình thức văn bản quy phạm pháp luật tương ứng với nội dung thẩm quyền ban hành của các chủ thể, theo những thứ bậc hiệu lực pháp lý nhất định, đồng thời quy định về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996, Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phải phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật. Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành.
Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, văn bản quy phạm pháp luật
phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cơ quan giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm kịp thời phát hiện và xử lý văn bản quy phạm phápluật sai trái. Việc giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành nhằm phát hiện những nội dung sai trái hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản sai trái.
Tiếp đó, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội quy định cụ thể quyền của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội quy định cụ thể về thẩm quyền xem xét và các phương thức xử lý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc xem xét văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước, các chủ thể có quyền ban hành văn bản quy phạm
pháp luật khác có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc xem xét, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản bao gồm các nội dung: (i) xem xét văn bản có phù hợp với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; (ii) xem xét sự phù hợp của hình thức văn bản với nội dung của văn bản đó; xem xét nội dung văn bản có phù hợp với thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản; (iv) xem xét sự thống nhất giữa văn bản quy phạm pháp luật hiện hành với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành của cùng một cơ quan.
Như vậy, theo các quy định hiện hành, giám sát văn bản quy phạm pháp luật là một trong những hoạt động quan trọng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Thông qua phương thức giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại
biểu Quốc hội phát hiện những nội dung sai trái của văn bản để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, hủy bỏ hoặc bải bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Cũngchính thông qua hoạt động giám sát văn bản, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội phát hiện những quy định chưa rõ ràng, chưa được hiểu và áp dụng thống nhất, từ đó có cơ sở cho việc bãi bỏ, hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản do Quốc hội, Ủy ban thường vụ ban hành cho phù hợp hơn.
Source: Judicial Publishing House, VN Website: http://www.moj.gov.vn