Sống và viết với Nguyễn Hiến Lê

Một phần của tài liệu Các bài viết về học giả Nguyễn Hiến Lê (Trang 92)

NGUIỄN NGU Í

Anh [Nguyễn Hiến Lê] im lặng một chút, rồi bỗng hỏi tôi: – Bảy chục tuổi mà chết, thì người ta còn tiếc gì không nhỉ?

Tôi chưa kịp đáp – vì chưa bao giờ tôi nghĩ đến điều đó cả – thì anh tiếp: – Nếu có tiếc thì chỉ nên tiếc núi mây, trời biển và cây cối. Càng lớn tuổi, tôi càng yêu thiên nhiên. Và tôi cho rằng tất cả những công trình mỹ thuật của loài người, so với thiên nhiên, chỉ là trò tiểu xảo. Văn chương cũng vậy. Thôi trở về việc viết lách chứ! Anh muốn hỏi gì tôi nữa?

Thấy tôi có dáng suy nghĩ, dường như đang tìm một câu hỏi gì, anh chận đầu:

– Anh đừng hỏi tôi thích cuốn nào nhất trong số sách của tôi. Vì mỗi lúc ý một thay đổi. Và mỗi cuốn, tôi thích ít đoạn thôi. Nhưng anh hỏi tôi cũng đã nhiều rồi, đến lượt tôi hỏi anh chứ. Một câu thôi. Đây này: tư tưởng hay chủ trương của tôi, anh đoán thử coi. Trong cái mớ tạp nhạp đó, anh có thấy một đường lối nào không?

Hai tiếng “tạp nhạp” của anh làm tôi nghĩ ngợi. Vì nó mang ý nghĩa không hay. Phải chăng vì đã có người nông nổi cho anh viết “loạn xị” và khốn nạn hơn nữa, là thân... Mỹ mà anh dùng hai tiếng này?

– Tôi không đồng ý với anh về hai tiếng tạp nhạp. Nào phải anh gặp gì viết nấy. Anh có một chủ trương rõ rệt. Theo tôi, chủ trương đó là: giúp ích phần nào cho học sinh, thanh niên theo kinh nghiệm và hiểu biết của anh, trong việc học, việc viết, việc xử thế, cùng đem lại ít nhiều tin tưởng cho dân tộc, cho cuộc đời.

Để trả lời câu anh hỏi, tôi có nhận xét này, không biết có đúng hay không. Anh đã dạy học tại nhà, tại trường trong mấy năm, người bác anh quý trọng lại ở trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, cho nên anh viết sách giúp học sinh tự học, rồi khi ra khỏi trường, lại tiếp tục giúp họ trau giồi kiến thức, cách làm việc, cách tu thân, xử thế. Anh trọng sự học. Và anh tin tưởng ở thanh niên.

Anh yêu dân tộc, anh yêu cuộc sống, anh muốn gây một chút niềm tin ở ngày mai của đất nước. Anh làm sống lại Đông Kinh nghĩa thục, anh giới thiệu Đồng Tháp Mười, anh khảo cứu Ngữ pháp Việt Nam, sao tôi lại nghĩ ba công trình sử, địa, ngữ học ấy đều hướng về một mục đích: Thương yêu

nòi giống và tin tưởng ở khả năng, của người, của đất, của tiếng mình. Cả những khi anh viết về cổ học Trung Hoa: (Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nho giáo: một triết lý chính trị, Đại cương triết học Trung Quốc, Cổ văn Trung Quốc) về tân kiến thức Âu – Mỹ (Tổ chức công việc theo khoa học. Thế hệ ngày mai, Một niềm tin...) hay dịch tiểu thuyết Anh, Pháp. Tôi cũng cho đó là một cách gián tiếp giúp cho văn hóa nước nhà. Mới đây, tình cờ đọc trên một tờ báo, thấy giới thiệu cuốn Một niềm tin là vốn viết với tất cả lòng yêu nước, tôi cho nhận xét đó đúng.

Anh mỉm cười:

– Lớn chuyện quá, anh ơi! Tôi chỉ mong có mỗi một điều này thôi: Giúp được một chút cho những người đương sống với tôi, ở chung quanh tôi; rồi để ra một phần thì giờ tìm hiểu tiếng Việt, luyện Việt ngữ cho nó thành một dụng cụ đáp được mọi nhu cầu của thời đại, sau cả ngàn năm dùng nhờ Hán ngữ, rồi non trăm năm dùng nhờ Pháp ngữ; bây giờ mà không trở về với tiếng mẹ thì không còn đáng là người Việt. Cho nên tôi nghĩ là phải dịch sách cho thật nhiều. Ở nước người, công việc dịch chỉ có một cái lợi, ở nước ta có hai cái lợi, ta thu thập tư tưởng của người, ta lại có cơ hội luyện tiếng Việt cho nó thêm phong phú và tinh xác nữa.

Khi tìm cách giúp những người hiếu học, có những điều tôi cho là hữu ích, thì một số độc giả có thể cho là hại. Đã cầm bút thì không sao tránh được điều đó; mà có vậy, văn hóa mới tiến. Điều quan trọng là ta phải thành thực với mình. Và chưa bao giờ tôi viết một cuốn nào mà không thành thực với tôi, mà không thích nó, không tin rằng nó có ích.

Tất nhiên ai viết thì cũng mong sách bán được; tôi đã sống chuyên về cây viết thì lại càng không thể bỏ qua phương diện đó. Nhưng có những cuốn tôi biết rằng bán sẽ rất chạy mà không khi nào tôi viết, lại có những cuốn tôi biết chắc rằng không bán được mà tôi vẫn bỏ ra mấy năm để viết.

Hiện nay, ba phần tư thời giờ của anh dùng vào việc này. Anh cho rằng khi người ta đã đủ ăn rồi thì phải làm những việc không đòi hỏi một sự đền đáp nào cả, dù danh, dù lợi, và giá trị của con người đo bằng những công việc đó.

– Cuốn sách bán chạy nhất của anh thì ai cũng biết rồi (đó là cuốn sách dịch Đắc nhân tâm, bí quyết để thành công). Còn cuốn nào bán chậm nhất? – Cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam tôi soạn chung với anh Trương Văn Chình. Khi soạn xong, chúng tôi đoán chỉ bán được ba bốn trăm cuốn

thôi. Lời đoán đó không sai lắm.

Hiện tôi đương ngại cho một ông bạn tiếp sức chúng tôi in bộ Đại cương triết học Trung Quốc tôi soạn chúng với anh Giản Chi. Bộ này phí tổn khá nặng đối với hạng chúng tôi, mà rồi sẽ bán được bao nhiêu đây?

– Nhưng anh cũng đã nhận được nhiều sự khuyến khích chớ. Tôi nghe nói giáo sư Gaspardone đã nhắc đến quyển Ngữ pháp của hai anh với nhiều cảm tình trong tạp chí Sinologie ở Thụy Sĩ. Quyển này lại đang được dịch ra tiếng Pháp, và một giáo sư Nhật cũng đã xin các anh dịch ra tiếng Nhật. – Vâng. Nhưng sao tôi thấy những cái vui như vậy chỉ thoáng qua thôi. Cái vui nhất của tôi là nhờ cây viết mà tôi gặp được một số bạn quý, già và trẻ, các bạn đó đều đã giúp tôi rất nhiều, chỉ bảo cho tôi nữa. Anh biết những bạn đó là ai rồi – có anh trong đó đấy nhé – mà tôi cũng không muốn kể tên những bạn đó ra trong cuộc phỏng vấn này. Chỉ những cảm tình đó mới đẹp. Ngoài ra là phù vân cả!

– Phù vân mà không đẹp sao anh?

– Anh bẻ tôi vậy, thì tôi xin chịu. Tôi nói còn thiếu: chỉ những tình cảm đó mới đẹp và bền.

Hỏi anh hiện nay có chương trình gì không, thì anh đáp: Lo dịch nốt Chiến quốc sách và Sử ký của Tư Mã Thiên với anh Giản Chi. Rồi nếu thời cơ thuận tiện thì nghĩ tới một loại sách phổ thông kiến thức, tương tợ loại “Que-sais-je?” của Pháp. Mười mấy năm trước, anh đã bàn với nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, với một người bạn viết báo, và gần đây lại bàn với vài bạn, với một nhà xuất bản nữa. Công việc chẳng dễ: phải có một nhóm người viết được, sở học về chuyên môn khá vững, cùng một chủ trương, cùng chịu khó nhọc xây dựng cho văn hóa, lại phải tìm một nhà xuất bản có vốn, có thiện chí, và sau cùng phải có một người giám đốc để điều khiển công việc, duyệt lại đường lối, cách viết, cách trình bày sao cho khỏi chuệch choạc. Nếu lẻ tẻ, thì kết quả chẳng là bao.●

NGUIỄN NGU Í

(Tạp chí Bách khoa, 1965)

(Trích trong quyển Sống và viết với Nguyễn Hiến Lê, của Nguiễn Ngu Í, NXB Ngè Xanh, 1966. In lại trong hiệp tuyển này, lối viết tiếng Việt cải cách do tác giả đề xướng đã được đổi lại theo cách viết quen thuộc của đại chúng.)

Một phần của tài liệu Các bài viết về học giả Nguyễn Hiến Lê (Trang 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)