Từ trái tim người thầy

Một phần của tài liệu Các bài viết về học giả Nguyễn Hiến Lê (Trang 39)

DƯƠNG HỘI

Mười ba tuổi, tôi mới vào lớp đệ Thất [1] trường Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi). Là chú bé nhà quê còm cõi, khờ khạo, bị thầy cô chê là “dốt đặc”, tôi rất xấu hổ. Mãi đến đệ Tứ, nhờ đọc cuốn Kim chỉ nam của học sinh của thầy Nguyễn Hiến Lê mà đầu óc sáng ra, tập dần được những thói quen tốt, tôi học tiến bộ nhiều, nhất là về văn và sinh ngữ. Lên các lớp trên, trường chưa có ban C,[2] phải theo ban B học toán, là môn tôi không có khiếu nhưng tôi vẫn giỏi, tháng nào cũng được tuyên dương dưới cờ. Mến mộ thầy, tôi tìm đọc các sách thầy viết. Càng đọc, tôi càng “mê” loại sách “học làm người” của thầy.

Năm 1962 vừa đậu xong tú tài I ban B, tôi đau nặng mất ba tháng. Trường gần không có đệ Nhất, trường xa thì đã trễ hạn nạp đơn, tôi mua sách về tự học. Điều trở ngại là chương trình toán đệ Nhất B nặng quá, mò mẫm mãi không ra, tôi vô cùng thất vọng. Chợt nhớ đến thầy, tôi liền viết thư bày tỏ những khó khăn của mình.

Hai tuần sau đó, tôi nhận được thư hồi âm, thầy viết thật cảm động: “... Khi em muốn học thì thiếu gì cách. Không đến trường học, thì học hàm thụ. Khá văn, em nên theo ban C và chỉ học môn triết, còn sinh ngữ, nếu cần, tôi sẽ chỉ em cách tự học lấy. Tôi cũng bận, nhưng giúp những trò có chí, thì tôi sẵn lòng...”

Từ đó, tôi học triết với trường hàm thụ Văn Hào và học sinh ngữ với thầy. Đầu tháng 11, thầy gởi ra cho tôi cuốn Bí quyết thi đậu kèm theo thư hướng dẫn cách lập thời dụng biểu,[3] cách học từ vựng, làm luận Anh, Pháp văn. Bài tôi gởi vào, thầy chấm sửa từng lỗi nhỏ về ý, về từ rất cẩn thận. Có những thư, thầy viết dài, ngoài bài vở thầy thường kể chuyện – phần lớn là những chuyện rất đời thường: Thi sĩ Đông Hồ tặng hoa, kỷ niệm thời thầy dạy học ở Long Xuyên, ý nghĩa cái tên Hiến Lê... dí dỏm, vui vui nhưng thắm đượm tình người, gợi nhiều cảm xúc. Nhờ thầy, tôi học giỏi, lanh hơn

và yêu đời. Kỳ thi tháng 7-1963 tôi đậu tú tài II ban C hạng Bình. Tôi sung sướng viết thư “khoe” với thầy và mong mùa hè chóng qua để vào đại học. Nhưng rồi quê tôi mất an ninh, nhà cháy, tản cư, cha mẹ già yếu, tôi phải phá ngang xin dạy ở trường Nguyễn Công Trứ (Mộ Đức) để giúp gia đình. Từ Sài Gòn, thầy viết thư ra an ủi, động viên: “Em phải biết thích nghi với hoàn cảnh, vừa tự học để tiến thân, vừa dạy học trò cho tốt, góp sức với đời. Hồi xưa mới ra trường thầy thất nghiệp, nằm nhà đọc sách học thêm, nhờ vậy mà viết được nhiều, rủi lại hóa may...”

Lời khuyên chân tình của thầy giúp tôi sớm hòa nhập với cuộc sống mới. Nhưng yên vui với lũ học trò chưa bao lâu thì năm 1965 Mỹ đổ quân vào miền Nam, chiến tranh lan rộng. Sau Tết Mậu Thân, bất ngờ tôi bị gọi nhập ngũ. Bỏ trường, bỏ quê, tôi đưa song thân vào Sài Gòn, trốn lính, bước sang một khúc quanh mới đầy bất trắc. Dù vậy, tôi vẫn tin rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Hôm tôi đột ngột đến gõ cửa nhà thầy, thầy rất ngạc nhiên. Nhưng khi nhận ra học trò, thầy ôm chầm lấy tôi, mừng rỡ như cha mừng con đi xa mới về. Sau một hồi hỏi thăm về gia đình, biết tôi đang trốn lính, còn cha mẹ già, lại muốn học lên, thầy cười hiền hậu: “Thầy mừng là em vẫn duy trì được thái độ tích cực trước nghịch cảnh. Nhưng khâu di chuyển khó khăn đấy. Gỡ được cái khó này, thầy tin là em sẽ thành công”. Lúc tiễn tôi ra cổng, thầy dúi vào tay tôi cuốn Gương kiên nhẫn, rồi nói thêm: “Có lẽ em đọc rồi, nhưng cứ đọc lại để tự lên dây cót. Theo thầy, đọc truyện danh nhân hoặc hồi tưởng lại những khó khăn mà chính mình đã vượt qua được trong quá khứ là những cách rất hay để rèn nghị lực, thêm lòng tự tin trươc các thử thách.”

Trên đường về, trí óc tôi cứ quanh quẩn với những gợi ý của thầy và bỗng nhớ lại một biến cố trong thời kháng chiến chống Pháp: Tháng 7-1952, lúc tôi lên mười, có lần cả nhà trốn giặc dưới hầm bí mật, cả tuần hầu như nhịn đói, vậy mà không ai hề hấn gì. Nghĩ đến đó, tôi tự hỏi: “Tại sao ta không chớp thời cơ khai thác ngay cái thân xác “nhược tiểu” 36 kg của mình lúc này?”

Thế là sáng hôm sau, tôi bắt đầu nhịn ăn một tuần và khi cân lại chỉ còn 34 kg, tôi đến trình diện tại quân vụ thị trấn. Vào trại nhập ngũ, thời gian làm các thủ tục, mỗi ngày tôi chỉ dùng một ly cà phê sáng và một mẩu bánh mì nhỏ. Kết quả, khi ra Hội đồng Y khoa, tôi được hoãn dịch sáu tháng vì thiếu

cân.

Tận dụng thời gian này, tôi đăng báo tìm chỗ dạy kèm, đến Đại học Văn khoa ghi danh học và xin học nghề viết báo với thầy. Nhờ thầy tận tâm chỉ bảo cùng với “kế hoạch tuyệt thực” sáu tháng một lần, suốt bảy năm từ 1968 đến 1975 tôi làm được nhiều việc: học xong đại học và cao học, viết báo chống Mỹ nguỵ đăng trên tờ Tin sáng, mở trung tâm hàm thụ ICS...

Mỗi lần gặp tôi, thầy vỗ vai: “Chú mày giỏi, biết chuyển họa thành phúc. Dạo này viết khá đấy, cứ thế mà tiếp tục.”

Tôi biết thầy khuyến khích tôi, chứ nếu không may mắn gặp thầy tôi không thể nào có được những thành tích đó.

Những năm gần gũi, tiếp xúc nhiều với thầy, tôi học được bao nhiêu điều hay lạ, cả kiến thức và vốn sống đều tăng, bởi thầy tôi là một tài năng, một nhân cách lớn. Công khai từ chối sự đãi ngộ và các giải thưởng văn chương của chính phủ Sài Gòn, thầy tập trung vào việc nghiên cứu, viết sách phục vụ độc giả. Sách thầy viết có tác dụng giáo dục sâu sắc đến nỗi nhiều bạn đọc, dù không học với thầy một giờ nào vẫn cung kính gọi thầy bằng thầy. Trong 30 năm cầm bút, thầy dành nguồn cảm hứng sung mãn nhất cho những ai cơ cực, bần hàn. Chính từ nguồn cảm hứng nhân đạo này mà tôi cũng như nhiều bạn trẻ cơ nhỡ khác được thầy thương yêu, dìu dắt giúp đỡ để nên người. Công ơn ấy, tôi không bao giờ quên được.

Sau ngày giải phóng, tôi trở lại nghề dạy học ở trường Du lịch Vũng Tàu, noi gương thầy, hết lòng dạy dỗ các lớp đàn em. Thỉnh thoảng tôi viết thư về thăm thầy, biết thầy yếu nhiều, nhưng không ngờ không còn được gặp thầy nữa. Mãi đến ngày 22-12-1984, nghe tin thầy mất, tôi mới tranh thủ về Sài Gòn một ngày. Chen lẫn trong dòng người đến viếng trước linh cữu thầy, tôi lặng lẽ thắp nén hương tiễn thầy về chốn vĩnh hằng, nước mắt ràn rụa trong niềm tiếc thương vô hạn.

Đến nay, gần 18 năm sau ngày thầy qua đời, bước vào tuổi sáu mươi, tôi bị tai biến mạch máu não. Những đêm mất ngủ, hình ảnh thầy lại hiện về trong trí: vẫn vầng trán cao, đôi mắt sáng, nước da ngăm, trong bộ âu phục bạc màu giản dị ngày nào, thầy như muốn nhắn nhủ tôi hãy kiên trì chiến đấu với bệnh tật, đừng để cho những bất hạnh biến cuộc đời thành bi kịch. Và không phụ lòng thầy, tôi đang từng ngày gắng sức sống tích cực trong khả năng rất hạn chế của mình.

thanh thiếu niên một thời gian nan, khốn khó trong chiến tranh như tôi đã lớn lên từ trái tim nhân hậu của thầy, mà hôm nay cả mai sau, còn những bạn trẻ sẽ học được nhiều bài học hữu ích từ những tác phẩm vượt thời gian của nhà giáo, học giả Nguyễn Hiến Lê.●

DƯƠNG HỘI

[1] Bậc trung học có bảy lớp từ đệ Thất đến đệ Nhất, tương đương lớp 6 tới lớp 12 bây giờ.

[2] Từ đệ Tam (lớp 10) đến đệ Nhất, học sinh có thể chọn một trong bốn ban: A, môn chính là sinh; B, toán; C, văn và sinh ngữ; D, cổ ngữ (Hán Văn).

[3] Thời khóa biểu, thời gian biểu.

Một phần của tài liệu Các bài viết về học giả Nguyễn Hiến Lê (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)