Phát huy vai trò tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống

Một phần của tài liệu skkn vận dụng tư tưởng đạo đức hồ chí minh để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh thpt trong giai đoạn hiện nay (Trang 25)

B. NỘI DUNG

2.1.1.Phát huy vai trò tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống

của học sinh theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

Đây là giải pháp quan trọng nhất để giáo dục học sinh ý thức tự giác, tự tu dưỡng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Học sinh với tư cách là chủ thể của quá trình nhận thức, của hoạt động học tập, được giáo dục bởi nhà trường, gia đình và xã hội. Và theo Hồ Chí Minh, sự kết hợp giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội là hết sức quan trọng, nhưng việc tự rèn luyện, tự giáo dục của học sinh giữ vai trò quyết định. Bởi vì “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” [27; 293]. Qua việc giáo dục và tự giáo dục đó mà học sinh với những nét đặc thù về tâm sinh lý lứa tuổi, với trình độ nhận thức và tư duy nhất định sẽ tiếp thu, lĩnh hội tri thức, tự hoàn thiện nhân cách của mình sao cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. Vì thế, đối với mỗi học sinh, việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, yêu thương con người phải được thực hiện trong hoạt động học tập và mọi hoạt động khác, trong mọi mối quan hệ từ gia đình đến xã hội, từ nhỏ đến lớn; từ quan hệ với ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô giáo, bạn bè…

Qua khảo sát thực tế, đa số học sinh trường THPT Long Phước được sinh ra trong những gia đình bố mẹ làm công nhân nên không có nhiều thời gian quan tâm, dạy dỗ, chăm sóc con cái. Đời sống một bộ phận phụ huynh học sinh còn khó khăn, sự phối kết hợp với nhà trường chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, các giải pháp của gia đình, nhà trường và xã hội dẫu có làm thật tốt cũng không thể thay thế vai trò tự giáo dục, rèn luyện của bản thân học sinh. Vì vậy, cùng với giáo dục cần phải biết khích lệ, phát huy ý thức tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện của học sinh là yêu cầu cấp thiết.

Nói đến sự tự giác trong học tập là nói đến nỗ lực, sự cố gắng, tính tích cực và chủ động của mỗi học sinh, là phát huy vai trò của ý thức, trong đó có ý

thức đạo đức. Mỗi học sinh phải biết xây dựng kế hoạch học tập hợp lý, biết sắp xếp thời gian, đặc biệt phải biết làm chủ bản thân trong quá trình học tập và rèn luyện. Từng bước khắc phục tư tưởng coi thường môn học, coi thường việc học tập đạo đức, chỉ có như vậy mới tạo cho học sinh nề nếp, thái độ nghiêm túc, hiệu quả. Học sinh cần tập trung cao độ trong quá trình nghe giảng ở trên lớp. Mỗi học sinh phải xác định mình là thành viên tích cực, chủ động để không rơi vào tình trạng tiếp thu một chiều. Học sinh cần nghiên cứu tài liệu trước khi đến lớp, cần tích cực tham gia xây dựng bài bằng cách trả lời các câu hỏi của giáo viên. Học sinh có thể trả lời sai hoặc đúng, nhưng điều quan trọng là tạo ra cho bản thân khả năng chủ động tiếp cận vấn đề, chủ động trong quá trình nhận thức, tự tạo niềm say mê hứng thú học tập trong giờ giảng của giáo viên. Tập trung nghe giảng ở trên lớp giúp học sinh có những kiến thức cơ bản của bài học sau giờ giảng đó để giúp học sinh ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Muốn tự giáo dục thành công, học sinh phải có ý thức tự giác cao, có ý chí nghị lực phấn đấu vươn lên, phải biết xấu hổ với những việc làm trái đạo đức và kiên quyết đấu tranh với những thói hư, tật xấu của bản thân; phải biến những tri thức đạo đức đã tiếp thu thành tình cảm, niềm tin đạo đức và được thể hiện ở hành vi đạo đức của chính mình. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh được đặt trong ba mối quan hệ chủ yếu là: đối với mình, đối với người và đối với việc.

Đối với mình: học sinh cần rèn luyện thái độ nghiêm khắc đối với chính bản thân, luôn chịu khó học tập, kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi cái dở của bản thân; chống tự kiêu, tự mãn, vì người tự kiêu, tự mãn sẽ không nhận thấy cái hay của người khác để học tập, cái dở, cái hạn chế của mình để khắc phục. Bên cạnh đó, học sinh cần phải rèn luyện tính tự tin để có nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Trong quan hệ với mọi người: học sinh cần có thái độ, hành vi ứng xử đúng mực, khiêm nhường. Phải có lòng bao dung, vị tha, nhân ái, đoàn kết, biết

quan tâm và giúp đỡ mọi người; không đố kỵ, dối trá, khinh thường người khác cũng như thái độ thờ ơ, bàng quan trước nỗi đau, sự bất hạnh của con người.

Đối với việc: học sinh phải đặt việc học lên hàng đầu, phải rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại, trung thực, say mê, sáng tạo trong học tập; không ngừng rèn luyện đạo đức, tác phong, thực hành lối sống văn minh, tiến bộ.

Tự rèn luyện có vai trò rất quan trọng, việc tu dưỡng đạo đức phải dựa trên tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người. Người khẳng định, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình. Nhưng tốt, xấu, hiền, dữ, thiện, ác đều lệ thuộc vào sự rèn luyện và giáo dục mà nên. Người quan niệm:

“Hiền, dữ đâu phải tính sẵn Phần nhiều do giáo dục mà nên”

Vấn đề là dám nhìn thẳng sự thật bản thân con người mình và dựa vào tập thể để thấy cái hay, cái tốt để phát huy, cái xấu, cái ác để khắc phục. Đã là con người thì khó tránh khỏi vấp phải khuyết điểm, sai lầm.Vấn đề là phải dũng cảm nhìn nhận sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục.

Tự giáo dục và rèn luyện phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đòi hỏi học sinh phải tích cực thực hiện hành vi đạo đức và có thái độ nghiêm túc với bản thân trong kiểm điểm, đánh giá hành vi của mình. Trước những hành vi đúng đắn, phù hợp với các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của xã hội mà mình đã làm được, học sinh cảm thấy hài lòng, vui vẻ, thoả mãn với chính mình, thấy mình hạnh phúc. Lúc đó các em đang ở trạng thái thanh thản của lương tâm. Ngược lại, khi cá nhân có các hành vi sai lầm, vi phạm các chuẩn mực đạo đức thì các em luôn bị đeo đẳng với cảm giác áy náy, ray rứt, ăn năn và hối hận. Đó là trạng thái cắn rứt lương tâm. Lương tâm dù ở trạng thái nào, nhưng khi được đánh thức thì đều có ý nghĩa tích cực đối với cá nhân, giúp cá nhân điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với yêu cầu của xã hội.

Ngày nay, tình hình kinh tế - chính trị xã hội trong nước và trên thế giới đang có những biến động mới, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng. Các thế lực thù địch vẫn điên cuồng chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biến hoà bình”, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và quyết liệt hơn. Chúng tấn công mạnh mẽ vào thế hệ trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên. Điều đó, đang đặt ra cho cách mạng nước ta những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới, đòi hỏi học sinh cũng phải có những nhận thức mới cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, phải nêu cao ý thức tự học tập, tu dưỡng và rèn luyện trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ đáp ứng ngày một cao của tình hình, nhiệm vụ mới.

Một phần của tài liệu skkn vận dụng tư tưởng đạo đức hồ chí minh để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh thpt trong giai đoạn hiện nay (Trang 25)