Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp thường không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh bằng nguồn vốn tự có mà phải huy động bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, tín dụng ngân hàng, tín dụng thương mại, phát hành trái phiếu, thuê tài chính là một trong những kênh huy động vốn hiệu quả. Nguồn vốn vay chiếm một lượng đáng kể trong cấu trúc vốn của công ty.
COMA 7 cũng sử dụng một số hình thức huy động vốn bằng nợ vay như: tín dụng thương mại, tín dụng ngân hàng và vay của cán bộ nhân viên trong công ty.
2.1 Tín dụng thương mại
Tín dụng thương mại là phần chiếm dụng từ người bán bằng hình thức thanh toán chậm, hoặc chiếm dụng từ người mua thông qua phương thức người mua trả tiền trước. Nguồn vốn này hình thành một cách tự nhiên trong quan hệ mua bán chịu hàng hóa, dịch vụ. Nó có ảnh hưởng hết sức to lớn không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế.
Đối với COMA7, hình thức huy động vốn thông qua tín dụng thương mại cũng rất quan trọng, vì nó chiếm một phần lớn trong cơ cấu nguồn vốn của công ty. Khi công ty nhận thầu một công trình đồng nghĩa với việc công ty sẽ huy động thêm khối lượng nguyên vật liệu lớn từ nhà cung cấp. Thay vì hưởng mức chiết khấu nếu thanh toán trước thời hạn cho nhà cung cấp thì
công ty quyết định trả chậm để dùng khoản tiền này trang trải chi phí cho một số hạng mục khác. Vì các khoản tín dụng thương mại là các khoản vay ngắn hạn nên nếu tài chính của công ty gặp khó khăn thì sẽ xảy ra tình trạng trả chậm cho nhà cung cấp.
Một khoản tín dụng thương mại của công ty là do khách hàng trả trước trong một số lĩnh vực như Công ty Huyndai phải trả tiền thuê nhà xưởng trước nửa năm, một số khách hàng đặt cọc tiền để gia công một số mặt hàng như các sản phẩm tĩnh điện. mạ decor vân gỗ…
Bảng 8 : Cơ cấu tín dụng thương mại trong tổng nguồn vốn của công ty
Năm Chỉ Tiêu 2004 2005 2006 2007 2008 Giá trị (tr.đ) Tỷ trọng (%) Giá trị (tr.đ) Tỷ trọng (%) Giá trị (tr.đ) Tỷ trọng (%) Giá trị (tr.đ) Tỷ trọng (%) Giá trị (tr.đ) Tỷ trọng (%) TDTM 35.750 25,3 27.804 22,1 29.460 23,3 32.020 25,7 31.356 26,7 TNV 141.562 100 125.782 100 125.920,7 100 124.673 100 117.295 100
Nguồn: Phòng kế hoạch kinh doanh COMA7
Năm 2004, tỷ lệ tín dụng thương mại trong tổng nguồn vốn là ¼, sang năm 2005, hình thức huy động này giảm gần 6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do năm 2004, công ty có dự án xây dựng nhà chung cư, số vốn được huy động từ khách hàng với khoảng 40% giá trị hợp đồng, tương ứng là 13 tỷ đồng. Nhưng do công ty gặp một số vướng mắc về thuế đất nên dự án buộc phải dừng lại nên đã phải trả lại một phần vốn đã chiếm dụng cho khách hàng. Mặt khác, trong năm này, công ty đã kết thúc thi công một số công trình và giao lại cho chủ đầu tư như: Kết cấu thép công trình Trung tâm hội nghị Quốc gia, Giàn không gian Lao Bảo – Quảng trị, Trạm xử lý nước thải nhà máy đường
Vạn Điển. Điều đó đồng nghĩa với các khoản phải trả nhà cung cấp giảm đi chiếm dụng cho.
Đến năm 2006, khoản khách hàng ứng trước tăng nhanh do công ty nhận gia công chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho nhà máy thủy điện Sê San 4 và nhà máy thủy điện Buôn-Tua Srah và những nhà máy này đã ứng trước cho công ty một khoản tương đối lớn, gần 15 tỷ đồng. Do đó, tổng tín dụng thương mại tăng 2 tỷ đồng so với năm 2005. Tốc độ này tiếp tục được duy trì trong năm 2007 và giảm nhẹ vào năm 2008, khoảng gần 1 tỷ đồng.
Ta thấy, tỷ lệ tín dụng thương mại của công ty cũng khá cao trong tổng nguồn vốn. Vì thế, COMA7 có thể tận dụng được một số ưu thế từ tín dụng thương mại vì: đây là một phương thức tài trợ rẻ, tiện dụng và linh hoạt trong kinh doanh; hơn nữa, nó còn tạo khả năng mở rộng các quan hệ hợp tác trong kinh doanh một cách lâu bền; ngoài ra, tín dụng thương mại còn đẩy nhanh tốc độ chu chuyển và lưu thông hàng hóa, tức là khả năng quay vòng vốn nhanh, đáp ứng được nhu cầu vốn trong ngắn hạn, giảm thiểu sự lệ thuộc vào các tổ chức tín dụng, giảm lưu thông tiền mặt và chi phí giao dịch. Tuy nhiên, công ty phải đối mặt với những rủi ro lớn về tài chính vì tín dụng thương mại phải hoàn trả trong thời gian ngắn. Do đó, nếu công ty gặp khó khăn trong kinh doanh về ngắn hạn thì sẽ khó huy động vốn để trả nợ cho khách hàng, nhà cung cấp, ảnh hưởng tới uy tín của công ty như sau khi dự án nhà chung cư không thành nên một số khách hàng đã liên tục tới công ty đòi trả lại khoản tiền đặt cọc. Điều này đã lấy mất niềm tin ở một số khách hàng, ảnh hưởng tới uy tín của công ty.
2.2 Tín dụng ngân hàng
Có thể nói vốn vay ngân hàng là một trong những nguồn vốn quan trọng nhất, không chỉ đối với sự phát triển bản thân các doanh nghiệp mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Sự hoạt động và phát triển của các doanh
nghiệp đều gắn với dịch vụ tài chính do các ngân hàng thương mại cung cấp, trong đó có việc cung ứng các nguồn vốn.
Tín dụng ngân hàng là hình thức huy động vốn bằng cách đi vay ngân hàng dưới dạng hợp đồng tín dụng. Theo đó, doanh nghiệp phải hoàn trả gốc và lãi vay theo lịch trình đã thỏa thuận. Vốn vay ngân hàng có thể là vay dài hạn (từ 3 năm trở lên), vay trung hạn (từ 1 năm đến 3 năm) và vay ngắn hạn (dưới 1 năm).
Trong các hình thức huy động vốn của COMA7 thì tín dụng ngân hàng là kênh huy động vốn quan trọng nhất.
Bảng 9: Cơ cấu tín dụng ngân hàng trong tổng nguồn vốn
Năm Chỉ tiêu 2004 2005 2006 2007 2008 Giá trị (tr.đ) Tỷ trọng (%) Giá trị (tr.đ) Tỷ trọng (%) Giá trị (tr.đ) Tỷ trọng (%) Giá trị (tr.đ) Tỷ trọng (%) Giá trị (tr.đ) Tỷ trọng (%) TDNH 50.142 35,4 45.624 36,3 48.360 38,4 39.541 31,7 25.600 21,8 Tổng nguồn vốn 141.562 100 125.782 100 125.920,7 100 124.673 100 117.295 100 Nguồn: Phòng kế hoạch kinh doanh
Có những năm tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn vốn của công ty như năm 2004, 2005, 2006. Năm 2004, công ty có lượng vốn vay ngân hàng nhiều nhất, với hơn 50 tỷ đồng. Còn năm 2008, con số này đã giảm một nửa, chỉ còn 25,6 tỷ đồng, khiến cho tỷ trọng của tín dụng ngân hàng chỉ chiếm 21,8% trong tổng nguồn vốn. Năm 2005, tuy vốn vay ngân hàng giảm 9%, nhưng tỷ trọng của nó trong tổng nguồn vốn lại tăng 1%, đó là do sự sụt giảm của tổng nguồn vốn. Nguồn vốn này lại tăng thêm gần 3 tỷ đồng vào năm 2006, và chiếm tới 38,4% trong tổng nguồn vốn, tăng 2% so với năm 2005. Trong 2 năm tiếp theo, khả năng huy động vốn của công ty thông qua các ngân hàng thương mại thực sự gặp khó khăn, thể hiện qua sự
liên tục giảm cả về giá trị và tỷ trọng của nó trong tổng nguồn vốn trong năm 2008, tín dụng thương mại giảm 14 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do trong năm 2008, để hạn chế lạm phát, Chính phủ đã thực hiện giải pháp thắt chặt tiền tệ khiến cho lãi suất ngân hàng tăng mạnh, vì thế, lãi suất đã thực sự trở thành gánh nặng với công ty. Chỉ với những khoản vay nóng đã khiến tình hình tài chính của công ty thực sự bế tắc, khiến cho nhiều công trình phải thi công trong tình trạng cầm chừng, kéo theo hàng loạt khó khăn cho các xí nghiệp sản xuất phục vụ cho ngành xây dựng, kinh doanh nhà và bất động sản. Do vậy, tín dụng ngân hàng là kênh huy động vốn có ý nghĩa hết sức to lớn và có ảnh hưởng trực tiếp tới việc duy trì và phát triển hoạt động sản xuất của công ty.
Công ty có tỷ trọng tín dụng ngân hàng cao cũng có những ưu điểm vì: nguồn vốn linh hoạt (nếu đến hạn phải trả mà công ty chưa có khả năng trả nợ thì có thể xin ra hạn); lãi suất phải trả sẽ được trừ vào chi phí hợp lý hợp lệ trước thuế; tận dụng được mối quan hệ thân thiết với các ngân hàng, đồng thời cũng gây sức ép buộc doanh nghiệp phải thận trọng hơn khi quyết định mục đích sử dụng của khoản nợ vay này. Tuy nhiên, nó cũng có những nhược điểm như: hoạt động của doanh nghiệp bị kiểm soát; phải có khoản tài sản thế chấp, cầm cố cho khoản vay; tình hình tài chính lành mạnh; phương án sử dụng vốn khả thi.
Trước khi quyết định vay vốn, công ty luôn cố gắng xác định lượng vốn cần huy động để thực hiện dự án, từ đó, xây dựng phương án sử dụng vốn một cách hợp lý và tiết kiệm. Ngoài những thủ tục để chuẩn bị vay vốn ngân hàng thì công ty rất quan tâm tới việc lựa chọn ngân hàng để đưa ra yêu cầu vay vốn. Công ty luôn tìm hiểu về mức lãi suất và thời hạn cho vay để lựa chọn ngân hàng cho vay vốn với chi phí nhỏ nhất.
Theo kết quả điều tra của Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hiện có 80% lượng vốn cung ứng cho các DNNVV là từ ngân hàng nhưng chỉ có 32,38% những doanh nghiệp này có khả năng tiếp cận, 35,24% khó tiếp cận và 32,38% không thể tiếp cận với kênh huy động vốn này. Ta thấy, COMA7 rất may mắn là năm trong con số 32,8% thứ nhất. Tuy nhiên, khi sử dụng hình thức huy động vốn này, công ty cũng đã gặp phải không ít khó khăn như thủ tục hành chính còn rườm rà (để vay vốn ngân hàng, ngoài bộ hồ sơ trình cho ngân hàng gồm: giấy đề nghị vay vốn, phương án kinh doanh, biên bản họp hội đồng doanh nghiệp phải công chứng giấy tờ, đăng ký tài sản đảm bảo tại Sở Tài nguyên Môi trường mà công đoạn đăng ký và công chứng là phải xuất trình và ký một lượng giấy tờ khác, sau đó lại phải ký một loạt các hợp đồng kinh tế chứng minh năng lực của công ty; mỗi lần tiến hành vay vốn ở ngân hàng, công ty đều phải thực hiện đúng quy trình thủ tục như lần đầu), chậm được phê duyệt vay vốn khiến cho công ty phải bỏ lỡ một số cơ hội đầu tư và lượng vốn cho vay không đủ, các ngân hàng chỉ đáp ứng ở mức cao nhất là 70% nhu cầu nên công ty phải tiến hành vay vốn nhiều ngân hàng cùng một lúc.