Dạy học sinh là người đồng bào thì khâu chấm điểm, động viên khích lệ kịp thời có ý nghĩa rất to lớn trong việc thúc đẩy các em tích cực thi đua học tốt. Các em rất thích được giáo viên khen ngợi, chấm điểm cao. Vì vậy trong môi trường đặc biệt, đối tượng học sinh cũng đặc biệt chúng ta cần phải có các hình thức khích lệ kịp thời, tạo niềm hưng phấn, hứng thú cho học trò, giúp các em tiếp tục phát huy khả năng của bản thân, tự tin và năng động.
Với tôi sau mỗi lần học sinh giơ tay phát biểu hay trả lời đúng tôi liền khen ngợi và động viên các em bằng cách công một điểm
cho các em. Có thể là cộng vào cột điểm miệng, cũng có thể là ghi nhận lại và nhiều lần như thế thì cộng vào điểm mười lăm phút cho học sinh. Chính vì thế giờ dạy của tôi lúc nào cũng được các em yêu thích, tích cực xung phong phát biểu xây dựng bài. Nhưng để tạo tính công bằng và hướng học sinh đến với yêu cầu cao hơn dần dần hoàn thiện mình hơn thì tôi sử dụng hình thức này cũng linh hoạt. Ví dụ khi một học sinh yếu vốn rất rụt rè, nhút nhát mà em xung phong được một lần là tôi khen ngợi liền và chấm điểm động viên em kịp thời. Trong trường hợp các em trả lời sai tôi sẽ cùng học trò phân tích, lí giải và tìm ra chân lí, tuyệt đối không la mắng, chê bai các em, bởi tôi hiểu điều đó dễ khiến các em tự ái, xấu hổ và e ngại việc phát biểu. Còn đối với học sinh khá hơn một chút nếu các em trả lời tốt thì tôi thường cộng một điểm hoặc chỉ khen ngợi và hẹn lần sau sẽ cộng cho. Đối với học sinh giỏi thì tôi thường giành cho những câu hỏi khó hơn và các em trả lời hay và xung phong trả lời nhiều lần thì mới được cộng điểm.. Tôi cũng nói rõ cho học sinh lí do vì sao lại như thế để các em hiểu điểm số cũng quan trọng nhưng nâng cao tri thức bản thân và rèn các kĩ năng, tính tự tin, mạnh dạn, tích cực mới là điều quan trọng nhất. Đồng thời tạo không khí thi đua học tập sôi nổi, vui tươi giữa các em. Để học sinh cùng tham gia học tập tích cực tôi thường xuyên kiểm tra việc chuẩn bị của các em và cũng nhận xét chấm điểm công khai. Khi các em có sự chuẩn bị và tham gia phát biểu xây dựng bài tốt tôi thường cộng điểm khuyến khích. Việc làm này tưởng chừng như đơn giản, nhỏ nhặt nhưng qua áp dụng tôi thấy rất hữu ích vì vừa tạo được niềm yêu thích, say mê cho học sinh học tập vừa nâng cao chất lượng bộ môn. Qua thực tế tôi thấy các lớp tôi đảm nhận không có học sinh nào thiếu điểm môn Ngữ văn.
Đặc thù ở địa bàn CuôrĐăng là thế các em vốn học yếu nhút nhát, thụ động và tự ti vì vậy các em luôn có ý muốn bỏ học vì học yếu. Để duy trì tốt số lượng từng bước nâng cao chất lượng thì người thầy giáo phải luôn có gắng từ những việc nhỏ nhất. Hình thức động viên cộng điểm cho các em cũng là một việc làm nhỏ nhưng mang lại hiệu quả vô cùng đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số.