Sự duy trì thị lực qua theo dõi 6 tháng và 1 năm, 18 tháng và 24 tháng

Một phần của tài liệu nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị nhược thị do tật khúc xạ ở trẻ em (Trang 106 - 109)

Duy trì thị lực sau điều trị nhược thị là một trong những vấn đề được các nhà nhãn khoa quan tâm. Nhiều tác giả đã đưa ra những kết quả khác nhau qua những theo dõi lâu dài với bệnh nhân đã ngừng điều trị hoặc dùng các phương pháp điều trị duy trì [87], [103], [154], [167].

Nghiên cứu của chúng tôi có 202 bệnh nhân được theo dõi và điều trị duy trì từ 6 tháng và đến 1 năm. Sau 1 năm đến 18 tháng theo dõi được 193 bệnh nhân. Từ 18 tháng đến 2 năm theo dõi được 135 bệnh nhân.

Bảng 3.17 và 3.18 cho thấy kết quả điều trị sau 6 tháng và 1 năm có cải thiện rõ rệt có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,001). Sau 6 tháng, chúng tôi dùng các phương pháp điều trị duy trì cho thấy thị lực không những duy trì mà còn cải thiện so với thị lực đã đạt được ở thời điểm 3 tháng. Kết quả điều trị của Wallace DK và cộng sự (2007) [169] thị lực hai mắt đạt ≥ 20/25 là 21% ở 5 tuần, 46% ở 13 tuần, 59% ở tuần lễ 26, và 74% ở 52 tuần.

Tuy nhiên, đánh giá chi tiết mối liên quan giữa kết quả điều trị 3 tháng, 6 tháng và 1 năm (bảng 3.17 và 3.18), cho thấy sau 6 tháng theo dõi được 336

mắt trong đó có 138 mắt vẫn giữ nguyên thị lực (41,08%); 42 mắt (12,50%) cải thiện thị lực; có 22 mắt (16,67%) tăng từ khá lên tốt; 17 mắt (37,77%) tăng từ trung bình lên khá và tốt; 11 mắt giảm thị lực (3,27%) trong đó 5 mắt giảm từ mức thị lực khá xuống trung bình và 6 mắt thị lực giảm từ mức tốt xuống khá.

Sau 1 năm theo dõi được 336 mắt: 162 mắt (48,21%) duy trì thị lực; 40 mắt (11,91%) cải thiện thị lực; 15 mắt giảm thị lực (4,46%) trong đó có 6 mắt giảm thị lực từ mức tốt xuống khá do không đeo kính thường xuyên, có 1 mắt giảm thị lực từ mức tốt xuống trung bình, 8 mắt thị lực giảm từ mức khá xuống trung bình do không đeo kính thường xuyên và không tuân theo chế độ tập luyện.

Ở thời điểm 18 tháng có 36 mắt (11,54%) cải thiện thị lực; 13 mắt giảm thị lực (4,49%) trong đó có 13 mắt giảm thị lực từ mức tốt xuống khá do không đeo kính thường xuyên, có 1 mắt thị lực giảm từ mức khá xuống trung bình.

Sau 2 năm chúng tôi theo dõi được 240 mắt: 140 mắt (58,33%) duy trì thị lực; 24 mắt (10,00%) cải thiện thị lực; 19 mắt giảm thị lực (7,92%) trong đó có 14 mắt giảm thị lực từ mức tốt xuống khá và trung bình do không đeo kính thường xuyên, 4 mắt thị lực giảm từ mức khá xuống trung bình do không đeo kính thường xuyên và không tuân theo chế độ tập luyện.

Như vậy, tỷ lệ giảm thị lực của bệnh nhân sau điều trị trong nghiên cứu này là 3,27% sau 6 tháng; 4,46% sau 1 năm; 4,49% sau 18 tháng và sau 2 năm so với thời điểm 2 tháng là 7,92%.

Tỷ lệ tái phát sau điều trị của Rouse MW (1994 - 1997) [120] dao động rất lớn từ 25 đến 87%. Tác giả này cho rằng sự duy trì thị lực sau điều trị phụ thuộc vào sự phục hồi và duy trì được TG2M.

Park MM và Greenwald MJ (1986) [105] cho thấy 50% bệnh nhân có giảm thị lực sau khi ngừng bịt mắt và đưa ra nhiều phương pháp điều trị duy trì: gia phạt, bịt mắt một phần.

Cũng như vậy, Von Noorden GK (1980) [167] cho rằng nhược thị có xu hướng tái phát cho đến khi 10 tuổi. Bệnh nhân sau điều trị cần phải được theo

dõi và điều trị duy trì, cần thiết có thể bịt mắt trở lại và dùng các phương pháp gia phạt, đặc biệt là gia phạt luân phiên để tránh nhược thị mắt tốt trong quá trình theo dõi lâu dài.

Một số tác giả còn tìm được những yếu tố có liên quan đến suy giảm thị lực và so sánh mức độ giảm thị lực sau điều trị của nhược thị do lác và do lệch khúc xạ. Levartovsky S và cộng sự (1995) [86] nghiên cứu ở 2 nhóm nhược thị do lệch khúc xạ và do lác, cho thấy tỷ lệ tái phát là 36% ở nhóm lệch khúc xạ, và ở nhóm lác, tỷ lệ tái phát cao hơn (46%), tác giả cũng cho rằng những bệnh nhân có thị lực ≤ 20/100, sau điều trị tiên lượng tái phát cao hơn. Cũng tác giả này, năm 1998 [87] đã cho thấy ở những bệnh nhân có chênh lệch khúc xạ < 1,5D sau điều trị tỷ lệ tái phát là 51%; ở nhóm chênh lệch khúc xạ > 1,75D tỷ lệ tái phát cao hơn (75%).

Kivlin (1981) [75] đã đưa ra tỷ lệ giảm thị lực 5 tháng sau điều trị là 8,6%. Holmes JM và cộng sự (2004) nghiên cứu trẻ dưới 8 tuổi bị nhược thị do lệch khúc xạ hoặc lác được điều trị thành công với phưong pháp bịt mắt ít nhất 2 giờ /ngày hoặc gia phạt 1giọt atropine mỗi tuần đã có nhận xét là trong năm đầu tiên tỷ lệ tái phát là 1/4 [154]. Hertle RW và nhóm nghiên cứu (2007) lại nhận xét rằng thị lực được duy trì hầu hết trong năm đầu sau khi ngưng điều trị ở trẻ 7 - 12 tuổi nhược thị đã điều trị thành công bằng phương pháp bịt mắt và gia phạt bằng atropin [159].

Patil PA và cộng sự (2010) báo cáo trường hợp nhược thị đảo ngược do điều trị nhược thị bằng phương pháp gia phạt với atropin nhóm nghiên cứu của ông khuyến cáo rằng vấn đề theo dõi trong và sau điều trị rất quan trọng để phát hiện những trường hợp nhược thị đảo ngược ở mắt lành để có biện phát ngăn chặn kịp thời [106].

Tỷ lệ tái phát sau 6 tháng và 1 năm, 18 tháng và 2 năm của chúng tôi thấp hơn nhiều so với các tác giả khác. Điều này dễ hiểu vì trong một thời gian ngắn,

bệnh nhân của chúng tôi vẫn đang được theo dõi hàng tháng và dùng các biện pháp điều trị duy trì.

4.2.3. Sự phục hồi thị giác hai mắt sau điều trị

Chúng tôi đã thu được kết quả khả quan về tình trạng thị giác hai mắt sau điều trị (bảng 3.21): 97,52% phục hồi thị giác hai mắt ở mức độ đồng thị; 93,07% mắt đã có hợp thị; khả năng phù thị cũng được cải thiện rõ rệt với 19,31% so với trước điều trị là 14,85%. Các tỷ lệ này trước và sau điều trị có sự khác biệt rõ rệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,001), kết quả này phù hợp với nhận định với nghiên cứu của Lee SY và cộng sự (2003) là khi điều trị nhược thị bằng phương pháp bịt mắt thì thị lực có cải thiện đồng thời TG2M cũng được cải thiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự cải thiện tình trạng TG2M sau điều trị nhược thị do tật khúc xạ tốt hơn hẳn trong nhược thị do lác. Theo Phạm Văn Tần (1998) [9], tỷ lệ phục hồi TG2M sau điều trị nhược thị do lác quy tụ là 83,3%, do lác phân kỳ là 69,2%.

Tỷ lệ có TG2M của chúng tôi sau điều trị là 97,52%, tương đương với kết quả của Kivlin JD (1981) [75] và Đỗ Quang Ngọc (2001) [4], Nguyễn Hồng Phượng (2002) [6], Nguyễn Thanh Vân (2003).

Điều này đã lý giải tỷ lệ thành công trong điều trị của chúng tôi cao hơn của các tác giả khác và tỷ lệ tái phát ít hơn do TG2M được cải thiện và duy trì sau điều trị.

Một phần của tài liệu nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị nhược thị do tật khúc xạ ở trẻ em (Trang 106 - 109)