CNH-HĐH là một tất yếu khách quan đối với nước ta nhằm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. CNH-HĐH đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên số lượng và chất lượng nguồn lao động ở Việt Nam nói chung và ở miền Trung nói riêng vẫn còn nhiều bất cập.
- Lực lượng lao động dồi dào nhưng thất nghiệp vẫn đang trong tình trạng báo động. Thừa lao động phổ thông, lao động không có chuyên môn kỹ thuật, thiếu lao động có trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh, thiếu thợ kỹ thuật trong các ngành nghề.
- Mục tiêu đến năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung mới phấn đấu đạt 50%, trong đó lao động qua ĐTN phấn đấu đạt 30% trong lúc các nước thuộc khối ASEAN có đến 70% lực lượng lao động qua đào tạo.
- Cơ cấu đào tạo còn nhiều bất hợp lý. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ đang còn phổ biến trong xã hội. Nếu các nước công nghiệp có cơ cấu nhân lực là 1 kỹ sư, 4 kỹ thuật viên, 10 công nhân lành nghề và bán lành nghề, còn ở Việt nam, tỷ lệ 1 kỹ sư, 0,8 kỹ thuật viên, 2,9 công nhân lành nghề và bán lành nghề. Ở các nước, tỷ lệ lao động phổ thông chỉ chiếm 35% thì ở Việt Nam tỷ lệ lao động chiếm 88%. Tỷ lệ công nhân lành nghề ở các nước là 35% thì ở Việt Nam là 5,5%. Lao động kỹ thuật trung cấp cũng vậy: 24,5% ở các nước công nghiệp và 3,5% ở Việt Nam.
- Chất lượng lao động vẫn còn ở mức thấp không đáp ứng đòi hỏi mà những diễn biến nhanh chóng của nền kinh tế và quá trình phát triển công nghệ đặt ra.
Trên thực tế nhiều năm qua, chúng ta mới đầu tư chú ý đến phát triển giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, chưa coi trọng giáo dục nghề nghiệp dẫn đến giáo dục chuyên nghiệp, nhất là đào tạo công nhân mất cân đối. Mặc dù đã có được những bước chuyển biến nhất định nhưng nhìn chung qui mô ĐTN vẫn còn nhỏ bé, manh mún. Lao động phổ thông không có nghề chiếm số lượng lớn, lao động có nghề lại tập trung ở các nghề xã hội, nghề kỹ thuật chiếm tỷ lệ nhỏ. Chất lượng ĐTN chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, yêu cầu đa dạng của xã hội.
Một nguyên nhân có thể rút ra là do các điều kiện đảm bảo chất lượng tại các cơ sở DN chưa đầy đủ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, phương tiện phục vụ giảng dạy và học tập còn lạc hậu; Đội ngũ giáo viên DN chuyên nghiệp bị phân tán, giảm về số lượng, trình độ không được nâng cao cho phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, ít được chú ý bổ sung, bồi dưỡng, đào tạo lại. Nội dung chương trình, hệ thống giáo trình vẫn trong tình trạng lạc hậu, thiếu thống nhất; Sự hợp tác, liên kết giữa các cơ sở DN với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ; Phương pháp dạy và học chuyển biến chậm; Kinh phí eo hẹp, dạy chay, dạy lý thuyết là chính, thời gian thực hành, thực tập không đáng kể…[7, tr2]
Chính vì vậy trong giai đoạn hiện nay, mỗi cơ sở DN phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.