5.3.1.1. Đối tượng chi ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển:
- Các dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh mà không có khả năng thu hồi vốn.
- Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, góp vốn cổ phần liên doanh và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cần thiết có sự tham gia của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Chi cho quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia và các quỹ hỗ trợ phát triển đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế.
-Chi cho dự trữ nhà nước.
Những khoản chi trên đều có đặc điểm là nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận dài lâu cho nền kinh tế, phục vụ cho nhu cầu đầu tư, phát triển đất nước, thời hạn sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước lâu dài, cho nên, việc quyết toán thường sẽ trải qua nhiều năm năm ngân sách.
Vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước dùng để đầu tư đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, các cơ sở sản xuất tạo việc làm, các dự án đầu tư quan trọng của Nhà nước trong từng thời kỳ và một số dự án khác của các ngành có khả năng thu hồi vốn đã được xác định trong cơ cấu kế hoạch của Nhà nước.
Như vậy, chi ngân sách Nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản được sử dụng theo hai loại hình: một loại được cấp phát, còn một loại là được cho vay với lãi suất ưu đãi.
Về nguyên tắc, theo quy định hiện hành các dự án được ngân sách Nhà nước cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản là những dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Còn các dự án được cho vay ưu đãi là các dự án có khả năng thu hồi vốn.
5.3.1.2. Trình tự chuyển giao vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước:
Phù hợp với hai loại hình chi đầu tư xây dựng cơ bản, pháp luật quy định hai loại trình tự chuyển giao vốn.
a. Đối với các đối tượng được ngân sách Nhà nước cấp phát vốn.
Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch Nhà nước đã được duyệt. Bộ tài chính sẽ thông báo cho các bộ, ngành, địa phương và hệ thống tổng cục Đầu tư phát triển về việc cấp vốn, cơ quan quản lý ngân sách Nhà nước sẽ chuyển tiền theo kế hoạch sang Tổng cục Đầu tư để thực hiện việc cấp cụ thể.
Để nhận được vốn cấp phát, các chủ đầu tư phải mở tài khoản tại các Cục hoặc Chi cục đầu tư phát triển nơi giao dịch và xuất trình các văn bản cần thiết theo quy định của pháp luật.
Nói chung, nguyên tắc cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách Nhà nước là cấp phát để thanh toán khối lượng hoàn thành theo giá trị khối lượng được nghiệm thu hàng tháng. Nghĩa là đơn vị xây lắp phải tự vay, bỏ vốn ra xây dựng theo hợp đồng với chủ đầu tư, sau đó được chủ đầu tư thanh toán lại trên cơ sở khối lượng nghiệm thu. Đối với các gói thầu tổ chức đấu thầu xây lắp được thực hiện tạm ứng vốn từ 10 – 20% kế hoạch vốn cả năm tùy theo quy mô và điều kiện cụ thể của từng gói thầu.
Đối với việc mua sắm thiết bị, sẽ được tạm ứng vốn theo chế độ quy định và trên cơ sở các điều kiện của hợp đồng giữa chủ đầu tư và tổ chức cung ứng vật tư thiết bị, nhưng tối đa không vượt kế hoạch năm được duyệt.
b. Đối với các công trình, dự án được sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi:
Khác với các dự án được ngân sách Nhà nước cấp phát, căn cứ vào kế hoạch vốn tín dụng ưu đãi hàng năm, hàng quý được duyệt, cơ quan quản lý ngân sách Nhà nước sẽ chuyển tiền sang Tổng cục đầu tư phát triển để làm nguồn vốn cho vay. Căn cứ kế hoạch vốn hàng quý được Bộ Tài chính duyệt. Tổng cục đầu tư phát triển sẽ thông báo cho cơ quan cấp trên của chủ đầu tư để lập hạn mức vốn cho vay theo từng dự án gửi Tổng cục Đầu tư phát triển. Căn cứ số vốn do ngân sách
Nhà nước Trung ương chuyển, Tổng cục đầu tư phát triển sẽ ra thông báo hạn mức vốn được phép vay cho đối tượng được vay.
Các chủ đầu tư để rút được tiền phải ký hợp đồng tín dụng Nhà nước với cơ quan cho vay vốn. Căn cứ hợp đồng tín dụng Nhà nước đã ký, kế hoạch đầu tư cả năm được duyệt và hạn mức cho vay vốn được thông báo, cơ quan cho vay theo chế độ tín dụng ưu đãi sẽ làm thủ tục để cho chủ đầu tư rút vốn vay.