Chi ngân sách Nhà nước trước hết phải tuân thủ nguyên tắc chung của quản lý ngân sách Nhà nước. Luật ngân sách Nhà nước quy định: ngân sách Nhà nước được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, có phân công trách nhiệm gắn với quyền hạn, phân cấp quản lý giữa các ngành, các cấp. Trên cơ sở nguyên tắc chung đó, các quy phạm pháp luật trong các văn bản pháp luật quy định về chi ngân sách Nhà nước còn thể hiện những tư tưởng mang tính chất chỉ đạo của Nhà nước đặt ra phương châm và mục đích của hoạt động chi ngân sách Nhà nước. Các nguyên tắc đó bao gồm:
- Nguyên tắc cân bằng thu, chi.
- Nguyên tắc chi theo kế hoạch và đúng mục đích. - Nguyên tắc tăng cường thu và tiết kiệm chi
a) Nguyên tắc cân bằng thu, chi:
Theo nguyên tắc này, các khoản thu, chi thể hiện trong dự toán ngân sách nhà nước phải đảm bảo tính cân đối. Các khoản chi chỉ được xây dựng trên cơ sở nguồn thu đã được xác định. Ngược lại, các nguồn thu cho ngân sách nhà nước sẽ nhằm đáp ứng cho nhu cầu chi tiêu đã được hoạch định. Ngân sách nhà nước sẽ được cân bằng theo cách xác định tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên của ngân sách và góp phần tích lũy ngày càng cao để phục vụ cho nhu cầu chi đầu tư phát triển. Trường hợp ngân sách nhà nước bội chi, số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tạo điều kiện tiến đến cân bằng ngân sách nhà nước. Trên thực tế, đôi khi khả năng nguồn thu bị hạn chế và tăng chậm trong khi các khoản chi lại tăng nhanh hơn nên tình trạng bội chi ngân sách luôn có thể xảy ra. Để xử lý bội chi ngân sách nhà nước, một trong những giải pháp là đi vay trong hoặc ngoài nước. Trong trường hợp này, việc sử dụng nguồn vay để bù đắp bội chi chỉ nhằm mục đích đầu tư phát triển nhằm đảm bảo khả năng chi trả nợ của nhà nước, mà tuyệt đối không được sử dụng các khoản vay để thực hiện những khoản chi mang tính chất tiêu dùng.
b) Nguyên tắc chi theo kế hoạch và đúng mục đích:
Nguyên tắc này đòi hỏi các khoản chi ngân sách Nhà nước chỉ được thực hiện với điều kiện khoản chi đó đã được ghi trong dự toán ngân sách được duyệt, trừ các trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định. Mặc khác việc cấp phát và sử dụng vón ngân sách Nhà nước phải đúng với đối tượng thụ hưởng, và đúng nội dung, mục đích của khoảng chi được xác định trong dự toán ngân sách được duyệt.
Trong cơ chế thị trường, việc nhà nước cắt bỏ một vài khoản chi tiêu không đồng nghĩa với việc gánh nặng chi tiêu của ngân sách nhà nước sẽ được giảm bớt. Trong điều kiện nền kinh tế của nước ta nguồn thu ngân sách Nhà nước hạn hẹp, nhu cầu chi tiêu rất lớn, chỉ có tiết kiệm chi thì mới có thể đủ nguồn tài chính trang trải được các nhu cầu cấp bách. Quá trình hoạch định chính sách, hình thành và thực hiện ngân sách Nhà nước cũng không thể dự liệu trước được từ đầu năm. Thêm vào đó, các thông tin để xây dựng kế hoạch ngân sách không đủ mức chính xác cần thiết, nên mặc dù trong các dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, người ta đã luôn bố trí một khoản dự phòng khoảng 2– 5% tổng số dự toán chi ngân sách Nhà nước, nhưng số dự phòng trên cũng không thể bảo đảm cho quá trình điều hành ngân sách Nhà nước. Vì vậy, tiết kiệm chi và đẩy mạnh thu là một trong 3 nguyên tắc phải được quán triệt ngay từ đầu khi bắt đầu một chu trình ngân sách.
Tiết kiệm chi không phải là đơn thuần cắt bỏ các khoản chi ngân sách Nhà nước một cách tùy tiện, mà là chi tiêu đúng theo các định mức, đúng tiêu chuẩn và đúng chế độ mà Nhà nước đã quy định cho từ đơn vị sử dụng ngân sách, cơ quan có lập dự toán thu chi.
Tăng cường thu không chỉ đơn thuần tìm các giải pháp để thu ngay vào quỹ ngân sách càng nhiều càng tốt, chống thất thu, mà ngay cả trong bố trí chi ngân sách Nhà nước cũng phải thể hiện được việc nuôi dưỡng chăm sóc nguồn thu.