dòng họ và cộng đồng
Công việc dòng họ, cộng động là những công việc mang tính tập thể, sự tham gia của nhiều người. Đó là những công việc hội hè, ma chay, cưới xin, họp dân, làm vệ sinh thôn xóm,… người tham gia vào những công việc này thể hiện vai trò quan trọng của mỗi giới trong gia đình đối với ngoài xã hội.
Bảng 7. Phân công lao động giữa phụ nữ và nam giới trong công việc của dòng họ và cộng đồng.
Đơn vị: %
Người thực hiện Các công việc
Phụ nữ Nam giới Cả hai
Người đại diện quyết định các công việc lớn trong gia đình
0% 75% 25%
Người đại diện tham gia các
công việc dòng họ 0% 100% 0%
tham gia các công việc cộng đồng
(Nguồn: Người dân tham gia phân tích biểu mẫu).
Đối với quyền quyết định các công việc lớn trong gia đình vẫn là nam giới có vai trò lớn hơn nữ giới. Tư tưởng nho giáo vẫn còn tồn tại trong xã hội ngày nay, nó kiểm soát, kìm hãm suy nghĩ và hành vi của người phụ nữ, khiến cho khái niệm “nữ quyền” trong gia đình hiện nay là rất hiếm có. Đối với gia đình nông thôn, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn rõ nét, người nam giới có quyền định đoạt tất cả công việc trong gia đình. Không chỉ quyết định trong sản xuất kinh doanh mà những việc như mua xe, quyết định bán thóc, bán gạo trong nhà cũng do người chồng quyết định có mua hay không, có bán với giá ấy hay không.
Khác với công việc nội trợ tỷ lệ là 100% cho rằng người phụ nữ đảm nhận công việc này thì quyền quyết định của nữ giới lại là 0%. Có 25% ý kiến cho rằng quyền quyết định trong gia đình là cả hai giới đảm nhận, nhưng ngược lại nam giới tỷ lệ này là 75%. Chúng ta nhận thấy rằng, vai trò của người phụ nữ trong gia đình là rất quan trọng nhưng vị trí của họ đã thật sự xứng đáng với những gì họ làm? Một ngày phụ nữ phải thực hiện hàng trăm công việc, từ chăm sóc con cái đến lao động sản xuất, thậm chí họ còn đảm nhận những việc ngang bằng với nam giới, tuy nhiên quyền ra quyết định các công việc lớn trong gia đình vô cùng hạn chế. Mỗi khi có việc lớn trong nhà, vị trí của người chồng được biết đến hơn là người phụ nữ, cái cụm từ “để tôi về hỏi chồng tôi” đã là câu nói quen thuộc khi người phụ nữ đúng trước một quyết định lớn lao. Người phụ nữ không cho phép bản thân mình quyết định những việc đó, nhỡ có khi sai sót người vợ phải gánh chịu hậu quả đó là sự nhiếc mắng từ người chồng, ngược lại nếu người chồng làm sai thì đó là điều không may mà thôi.
“Từ khi lấy chồng về, mọi việc trong nhà đều do chồng chị quyết định. Từ việc nhà đến việc làng việc xóm. Năm ngoái, gia đình chị mới xây lại căn nhà, từ việc lên kế hoạch, dự trù kinh phí, kiến trúc cho đến thực hiện đều do anh làm”. Phỏng vấn sâu chị Mai – 32 tuổi.
Như vậy, quyền quyết định các việc lớn trong gia đình của người phụ nữ chỉ mang vai trò là phụ. Bản thân người phụ nữ cũng nhận thức được công việc của mình là công việc nội trợ, chăm sóc con cái, kiếm thêm thu nhập cho gia đình, còn những việc lớn trong nhà giành cho người đàn ông. Họ cũng nhận thấy vai trò của mình trong gia đình chưa thật sự đầy đủ, nhưng làm thế nào thay đổi được những định kiến của xã hội và làm thông thoáng suy nghĩ của người đàn ông.
Đối với công việc của dòng họ và cộng đồng, người phụ nữ cũng không được đối xử bình đẳng. Nam giới là người trụ cột trong gia đình, người tạo ra của cải vật chất nuôi sống gia đình. Những công việc nặng nhọc đều do nam giới đảm nhận nên xã hội nhìn nhận nam giới với một vai trò vô cùng to lớn, đề cao người nam giới trong mọi hoạt động cả trong gia đình và ngoài xã hội.
Người phụ nữ được cho là “nội tướng trong gia đình”, là người “giữ tay hòm chìa khóa” nhưng đối với các công việc lớn trong nhà đến công việc cộng đồng đều không được biết đến. Dù người phụ nữ cũng tham gia lao động sản xuất như nam giới nhưng giá trị kinh tế của người phụ nữ mang lại được cho là nhỏ bé, khi cả hai cùng đóng góp xây dựng kinh tế gia đình thì cho rằng “của chồng, công vợ”. Bởi những lý do trên mà sự xuất hiện hình bóng của những người phụ nữ trong các cuộc họp cộng đồng là rất ít ỏi. Thời gian người nam giới tham gia công việc cộng đồng thì người phụ nữ ở nhà lo chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa, làm những việc vặt trong gia đình. Sự tham gia của nam giới trong các công việc cộng đồng được thể hiện qua 87.5%.
“Trong nhà bác thì bác trai thường xuyên đi họp xóm, họp hội nông dân, khi bận quá không đi được thì bác mới đi thay. Mấy việc ấy bác trai đi biết mà nói chứ bác thì biết gì. Nay có chương trình nông thôn mới, triển khai làm đường, xây dựng nhà văn hóa thì đàn ông con trai họ biết, đàn bà mình thì chịu”. Phỏng vấn sâu Bác Lài – 48 tuổi.
Ngay cả trong suy nghĩ của người phụ nữ cũng cho rằng nam giới tham gia các hoạt động cộng đồng là đúng. Điều này cũng phụ thuộc vào khả năng nhận thức của mỗi giới, người nam giới thường có những suy nghĩ nhanh nhẹn,
quyết đoán nên khi đứng trước một tập thể họ có thể đưa ra những ý kiến nhằm mang lại quyền lợi cho gia đình và cộng đồng mình.
Trái ngược với công việc nội trợ thì việc tham gia các công việc cộng đồng chỉ có 12.5% cho rằng công việc này là do phụ nữ đảm nhận.
“Công việc này gia đình cô thì do cô đảm nhận, từ cưới hỏi, giỗ kỵ đến tham gia họp xóm đều do cô tham gia”. Phỏng vấn sâu cô Nga – 35 tuổi, là giáo viên cấp 2.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng trình độ học vấn của con người cũng làm thay đổi vị trí, vai trò của người phụ nữ, bởi suy nghĩ họ thông thoáng, trong gia đình biết điều hòa vai trò của cả hai giới sẽ tạo nên bình đẳng trong gia đình, người phụ nữ có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực và lợi ích từ xã hội. Tương tự với việc quyền quyết định trong gia đình, việc đại diện tham gia các công việc của dòng họ cũng là người nam giới đại diện. Tỷ lệ này là 100% ý kiến cho rằng, người nam giới thường xuyên tham gia các công việc của dòng họ. Người chồng nắm giữ vai trò đại diện cho cả gia đình tham gia vào công việc của dòng họ cho nên người phụ nữ ít có điều kiện tham gia vào các giao tiếp xã hội một cách độc lập, chính thức. Quan niệm xưa cho rằng “nữ nhi ngoại tộc” con cái đi lấy chồng thì không còn trong dòng họ nữa. Trong gia đình mỗi khi đến giỗ họ thì người chồng và người con trai sẽ tham gia chứ vợ và con gái không được tham gia vào những công việc này. Có những dòng họ đàn bà con gái không được đi qua nhà thờ tổ, làm như thế là có tội với tổ tông. Chính quan niệm trên mà người phụ nữ không được tham gia vào công việc thiêng liêng này, điều này đồng nghĩa với việc tiếng nói của người phụ nữ cũng hạn chế trong gia đình.
“Công việc dòng họ đều do bác trai tham gia, mỗi năm đến ngày trằm tháng giêng (phong tục tại địa phương này họ cúng tổ vào rằm tháng giêng) đến lượt làm cỗ họ thì bác sẽ lo chuẩn bị xôi gà, còn bác trai và hai người con trai của bác sẽ mang lễ đến cúng tổ tiên, người ta kiêng đàn bà phụ nữ đi chầu tổ”. Phỏng vấn sâu bác Lài.
Có những dòng tộc, họ vẫn giữ quan niệm rằng gia đình nào sinh con gái một bề thì sẽ ra họ, vì không có người nối dõi tông đường, không có con trai để
chầu tổ. Đây là quan niệm sai lầm nhất khi nói đến vai trò của người phụ nữ và nam giới, khiến có người phụ nữ ít có cơ hội nâng cao địa vị của mình ngoài xã hội.
Như vậy, qua đây chúng ta đã thấy bức tranh tổng thể về sự phân công lao động giữa phụ nữ và nam giới trong gia đình nông thôn tại xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Một xã đang trong quá trình phát triển nhưng còn tồn tại sự bất bình đẳng trong phân công lao động giữa phụ nữ và nam giới. Các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình, giáo dục con cái tuyệt đối giành cho người phụ nữ, người chồng ít tham gia chia sẻ những công việc này. Tuy nhiên, những công việc nặng nhọc của nam giới như lao động sản xuất thì người phụ nữ vẫn tham gia. Còn trong việc quyết định các việc lớn trong gia đình hay đại diện tham gia các công việc dòng họ hầu hết do người chồng quyết định, đây là sự phân công lao động không công bằng và hợp lý. Người vợ có vai trò quan trọng trong gia đình nhưng tiếng nói của họ lại không được ngang bằng như người nam giới. Một câu hỏi đặt ra là phải làm thế nào để cân bằng được sự chênh lệch trong phân công lao động theo giới trong gia đình, giúp giải phóng người phụ nữ, đem lại cho họ những cơ hội nâng cao trị trí, vai trò của mình không chỉ trong gia đình mà còn ngoài xã hội.