2.4.1. Tích cực
Các chính sách cai trị của Tây Ban Nha đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… tại đất nước này.
Trước khi Tây Ban Nha xâm lược và Công giáo được truyền bá vào, Philippines đang ở trình độ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội có thể nói là thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Philippines không bao giờ là một quốc gia phong kiến tập quyền. Các yếu tố quốc gia, dân tộc mới hình thành, chưa bền vững, dân cư phần lớn còn theo tôn giáo nguyên thủy. Do vậy, mục đích của Tây Ban Nha đi theo xu hướng “cải đạo” và đồng hóa toàn bộ dân tộc đó. Lúc này, ở Philippines cũng chưa có một chính quyền trung ương tập quyền thống nhất toàn bộ quần đảo, cũng chưa có một tôn giáo chủ đạo làm nền tảng tư tưởng- chính trị-đạo đức cho xã hội. Nhưng thực dân Tây Ban Nha đến đã giải quyết được những vấn đề này.
Công giáo mặc dù được truyền bá vào Philippines qua con đường cưỡng bức nhưng càng về sau nó càng được người dân Philippines tiếp nhận và phát triển mạnh mẽ, trở thành tôn giáo có sức ảnh hưởng đối với quốc đảo này. Sự
phát triển của công giáo đã góp phần thay thế những tín ngưỡng bản địa của dân bản xứ.
Công giáo là một phương tiện cho sự truyền bá cho sự thay đổi về xã hội và kinh tế mạnh mẽ. Những ngôi nhà thờ đồ sộ được xây dựng biểu hiện cho truyền thống nghệ thuật tốt đẹp và cơ khí của Philippines. Người ta đã làm ra các đường cái lớn cho các tổ chức truyền giáo để mở ra các phạm vi truyền đạo mới hoặc để làm việc đi lại giữa xứ đạo này với xứ đạo khác được dễ dàng hơn.
Qua các tăng lữ, đã có các loại cây có giá trị cao được mang tới Philippines. Các thầy tu là những người nắm giữ đất đai và có vai trò to lớn đối với việc phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại của Philippines.
Hơn nữa, Công giáo còn là đại diện cho sự thay đổi về kĩ thuật học. Trước đây nền nông nghiệp của dân bản xứ là cái mà người ta goi là “rạch và đào” phát sinh từ nền kinh tế tạm bợ và phù hợp với sinh hoạt định cư của họ. Dụng cụ của họ là những thứ thô sơ nhất, các đồ để đập đá chỉ có dao và những cây gậy đầu nhọn cứng. Cánh đồng của họ chỉ là mảnh đất nhỏ. Sống bằng những mảnh đất nhỏ này, họ không có xe để chuyên chở các thứ gặt hái được mà dù có cố gắng đến mấy cung không thu hoạch được là bao. Nếu có xe cộ để chuyên chở thì đó chỉ là những thứ xe như kiểu xe trượt tuyết với những con lăn chứ không phải là bánh xe. Nhưng, việc tái định cư của của người dân bản xứ vào các thôn xóm trong phạm vi tiếng chuông nhà thờ đã đẩy họ ra khỏi những mảnh đất nông nghiệp và những nơi phát hoang làm họ phải rời xa lối sống của cha ông. Chỉ những người theo đạo mới được phép ở lại trong những căn nhà cũ của họ, thậm chí sau này được ra khỏi thôn xóm để cày bừa trên những nơi phát hoang cũ và để thu nhặt thức ăn thì họ sẽ không bị các cha phó kiểm soát và trông nom.
Để cứu vớt linh hồn cho những người dân bản xứ cần tổ chức lại xã hội của họ và họ phải học lối sống, phải chấp nhận một nền kinh tế để duy trì xã hội này, và vì vậy họ cũng phải sản xuất nhiều hơn, phải học nghề làm nông ở một chỗ và phải học tập về kĩ thuật của nó. Đó là những gì mà Công giáo làm cho Philippines.
Trong quá trình truyền bá Công giáo, các vị thầy tu là những người quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình giao lưu buôn bán ở Philippines. Cũng tại các khu vực truyền giáo và những vùng xung quanh đó là nơi gặp
gỡ của những người theo Công giáo miền hạ và những người bộ lạc miền núi. Họ trao đổi muối và thuốc lá lấy các lâm sản, và vì vậy cũng đã diễn ra các cuộc săn thú lấy thịt.
Các nghi lễ tôn giáo cũng ăn sâu, bám rễ vào người dân Philippines. Trước khi người Tây Ban Nha xuất hiện và truyền bá Công giáo vào Philippines, đời sống tinh thần của cư dân nơi đây rất nghèo nàn, biểu hiện trình độ kém phát triển về tín ngưỡng, tôn giáo. Không có các đền chùa hay nhà thờ làm nơi thờ cúng chung cho cộng đồng mà chỉ có các hình thức thờ cúng mang tính chất cá nhân.
Như vậy, trong suốt một thời gian dài thống trị của thực dân Tây Ban Nha và các nhà truyền giáo, ảnh hưởng của Công giáo đã lan rộng trên Philippines, nó ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi người. Các học thuyết giáo lý, những lời dạy bảo mang tính giáo dục của các thầy tu đã làm thay đổi nếp sống của những người dân và họ tin theo đạo Công giáo.
Không những thế, những chính sách cai trị về tôn giáo, giáo dục, chính sách “đồng hóa văn hóa” cũng đã để lại cho Philippines một số lượng lớn di sản thời kì thuộc địa.
2.4.2. Tiêu cực
Philippines là quốc gia có lịch sử phát triển muộn hơn các nước khác trong khu vực, các dân tộc Philippines có một nền văn hóa rất dộc đáo, nhưng họ cũng phải chịu nhiều đau thương trong cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ vì độc lập tự do dân tộc.
Khi Tây Ban Nha xâm chiếm Philippines đã thực hiện chính sách “Tây Ban Nha hóa” và “Công Giáo hóa” những người Hồi giáo bằng mọi cách từ việc dùng bạo lực đến việc mua chuộc, dụ dỗ đã gây ra tổn thất không hề nhỏ.
Trong quá trình xâm lược của mình, Tây Ban Nha đưa công giáo trở thành công cụ thống trị về tư tưởng đối với nhân dân philippines, biến nhà thờ thành nhà tù tinh thần, đồng thời là bộ phận bóc lột và cai trị dân bản xứ có hiệu quả nhất.
Tây Ban Nha đã thiết lập một chế độ phong kiến xét về mặt lịch sử thì tiến bộ hơn trước đó nhưng tàn bạo hơn, gây nên tổn thất nhiều hơn về mọi mặt, hủy hoại nền văn hóa của các dân tộc Philippines.
Thực dân Tây Ban Nha đã thiết lập chế độ cai trị ở Philippines với nhiều biện pháp rất đặc thù. Ở đây, Tây Ban Nha không xác lập quyền cai trị của nhà vua mà thi hành chế độ bảo hộ do một viên toàn quyền đứng đầu với một số quan thực dân. Tây Ban Nha cố giữ lại một số thiết chế chính trị, kinh tế, xã hội cổ truyền sau khi đã làm cho nó biến tính và thích ứng hơn với mục đích của họ. Thực dân Tây Ban Nha đã cấu kết với bọn cai trị bản xứ, áp dụng chính sách chia để trị, gây mâu thẫn và xung đột chủng tộc, tôn giáo, thực hiện chính sách ngu dân, dựa vào nhà thờ và sức mạnh của cây thánh giá, đồng thời sẵn sàng đàn áp dân chúng rất thảm khốc.
Bọn cai trị đã dùng Công giáo chống lại Hồi giáo, gây ra cuộc xung đột tôn giáo kéo dài tới mấy thế kỉ. Chúng biến nhà thờ thành trung tâm quyền lực, nhà tù tinh thần và phương tiện bóc lột. Các tăng hội và cha cố (cả người Tây Ban Nha lẫn Philippines) đều là các chúa đất. Tệ phân biệt chủng tộc, tham nhũng, độc đoán đã gây ra mâu thuẫn sâu sắc trong giới tu sĩ và trong các dòng tu.
Với những chính sách thống trị của chính phủ Tây Ban Nha đã đẩy những người dân Philippines xuống tình trạng trì trệ và lạc hậu cho đến tận cuối thế kỉ XVIII.
Như vậy, trong suốt thời gian là thuộc địa của thực dân Tây Ban, đất nước Philippines đã không có được sự tiến bộ đáng kể nào. Chế độ thuộc địa với những chính sách hà khắc, áp đặt về văn hóa đã đẩy những người dân vào tình trạng khốn cùng, lạc hậu, không lối thoát.
KẾT LUẬN
Trên cơ sở tìm hiểu chính sách cai trị của Tây Ban Nha đối với Philippines trên lĩnh vực văn hóa cũng như ảnh hưởng của nó đến Philippines giai đoạn 1565 – 1762, đề tài có thể rút ra một số kết luận như sau:
1. Philippines là quốc gia hải đảo lớn thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia, với những điều kiện tự nhiên thuận lợi và có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên cũng giống như các quốc gia khác ở Đông Nam Á, Philippines sớm trở thành miếng mồi ngon cho các nước tư bản phương Tây nhòm ngó. Tuy nhiên, trước khi Tây Ban Nha xâm lược, trình độ phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của Philippines đang ở mức độ thấp nhất và lạc hậu nhất.
2. Lịch sử Philippines đã trải qua bao thăng trầm, biến động. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Philippines đã bị Tây Ban Nha xâm lược và thống trị trong một thời gian dài hơn 300 năm. Trong thời gian đó, Tây Ban Nha đã thực hiện nhiều chính sách nô dịch trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...
3. Với vị thế là một nước tư bản lớn mạnh và giàu có, Tây Ban Nha đã tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược và biến Philippines thành thuộc địa của mình. Đồng thời, với quá trình thôn tính, Tây Ban Nha cũng tiến hành các hoạt động truyền bá Công giáo nhằm nô dịch người dân về tinh thần và cũng lợi dụng Công Giáo để áp đặt sự thống trị đối với người dân Philippines.
4. Về mặt tích cực, trong quá trình xâm lược của mình, Tây Ban Nha đã thực hiện vô số chính sách cai trị trên các về kinh tế, chính trị, đặc biệt là văn hóa bao gồm truyền giáo, giáo dục, cũng như chính sách “đồng hóa văn hóa” trên các lĩnh vực đời sống. Do đó, Philippines mang đậm dấu ấn của Tây Ban Nha và được thừa hưởng kho tàng di sản thuộc địa khổng lồ.
5. Bên cạnh đó, các chính sách cai trị của Tây Ban Nha cũng đã đẩy những người dân vào tình trạng khốn cùng. Người dân Philippines không những không thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu mà đất nước ngày càng đi vào con đường cùng không lối thoát và dần lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng.