chính phủ Việt Nam
Phải nói rằng hiện tượng tham nhũng và cuộc chiến chống tham nhũng ở các quốc gia tiếp nhận ODA vẫn luôn luôn tồn tại.
ODA hiện nay đang được dành nhiều nhất cho các quốc gia Nam Á và châu Phi, trong đó Việt Nam vẫn được coi là một trong các quốc gia được ưu tiên hàng đầu, với mức độ cam kết cũng như khối lượng giải ngân vốn khá cao và ngày càng tăng. Việc sử dụng ODA ở Việt Nam, khác với nhiều quốc gia Nam Á và châu Phi, đã tạo ra những hiệu quả rõ rệt và đầy ấn tượng. Tuy nhiên, dù không muốn, chúng ta cũng không thể không nhìn thấy những hạt sạn lớn trong việc sử dụng nguồn vốn cho vay này.
Trước hết, khi nhìn vào hệ thống các công trình thuộc cơ sở hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế như đường cao tốc, đường sắt, sân bay, cảng, cầu… thì rõ ràng mặc dù cho tới nay, đã có khoảng 22tỷ USD vốn ODA được giải ngân nhưng Việt Nam vẫn hầu như chưa có được những công trình lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế nào, nhiều công trình hạ tầng được xây dựng với chất lượng quá kém, hư hỏng ngay sau khi đưa vào sử dụng chỉ vài năm... Những điều đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: “ Liệu những đồng vốn ODA đó đã được giải ngân có hiệu quả và xác đáng? Ngoài sự yếu kém về mặt tổ chức quản lý và sử dụng thì phải chăng còn có những nguyên
nhân khác? ”. Và để trả lời cho câu hỏi đó, những năm gần đây, hàng loạt vụ hối lộ, tham nhũng từ nguồn vốn đầu tư các dự án ODA ở Việt Nam đã bị phát hiện, gây nhiều làn sóng đối với dư luận cả trong và ngoài nước. Điển hình là vụ PMU18, sai phạm ở tập đoàn Vinashin, tham nhũng ở dự án Đại lộ Đông – Tây TPHCM…
Để phân tích sâu hơn, hãy nhìn vào vụ PMU18 ở Bộ Giao thông Vận tải năm 2006. Vụ việc này đã tố giác cho xã hội, bao gồm cả cộng đồng các nhà tài trợ tại Việt Nam những điều vô cùng bất ngờ. Người ta ước lượng cả nước có trên 1000 PMU (gọi thông thường là các Ban quản lý Dự án) nhưng không ai rõ là bao nhiêu, định nghĩa về pháp lý PMU là gì... Tuy nhiên có một điều chắc chắn và rõ ràng là các PMU đang quản lý “tiền tỷ” USD cả vốn ngân sách lẫn ODA. Các PMU được thành lập trong khắp các lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương, thể hiện vai trò và mức độ thâm nhập khá sâu rộng của ODA vào đời sống kinh tế và xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hầu hết người dân lại chỉ biết đến các PMU và quyền lực to lớn của cơ quan này chứ hầu như ít hoặc không biết đến tên tuổi các nhà tài trợ. Môi trường đầu tư ở Việt Nam từ hơn 20 năm nay đã và vẫn đang bị coi là kém hấp dẫn vì lý do cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Đúng ra, ODA với ý nghĩa là nguồn vốn lớn và tập trung bằng ngoại tệ mạnh, hơn nữa đi kèm các công nghệ và tiêu chuẩn quản lý cao cấp, có thể là giải pháp khắc phục yếu kém này. Nhưng một điều nữa gây ngạc nhiên là ngay chính các công trình xây dựng có giám sát kỹ thuật bằng nhà thầu quốc tế cũng có khiếm khuyết về chất lượng. Vậy, vấn đề chắc hẳn không nằm ở trình độ yếu kém mà một trong những nguyên nhân chính khiến dư luận lo lắng là nạn tham nhũng ở các PMU. Tham nhũng, đương nhiên và rất dễ thấy, là tác nhân trực tiếp dẫn đến chất lượng kém của các công trình sử dụng vốn ODA, cũng như hàng loạt các công trình xây dựng chậm tiến độ. Khối lượng hạng mục các công trình luôn luôn phải hoàn thành (để hoàn tất các báo cáo), tuy nhiên do “thất thoát” dẫn đến thiếu hụt tài chính nên làm cho các công trình tất yếu suy giảm về chất lượng. Vấn đề của tham nhũng, xét về thực chất, không phải chỉ là biển thủ tiền, mà là sự nhũng nhiễu, thao túng và lạm quyền của một bộ phận trong
bộ máy quản lý; hậu quả là toàn bộ các mối quan hệ mang tính hệ thống, các quy trình và thủ tục cũng như tiêu chuẩn quản lý, xét cả về khía cạnh quyền lực lẫn kỹ thuật, đều bị vô hiệu hóa.
Nhìn nhận một cách thực tế, không phải các nhà tài trợ không nhìn thấy vấn đề này, tuy nhiên đó thực sự là “bài toán” quá khó đối với họ mà qua nhiều năm qua vẫn chưa tìm ra lời giải. Sau Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2006, đại diện các nhà tài trợ đều cho rằng tình trạng tham nhũng tại Việt Nam đã nghiêm trọng đến mức báo động. Họ muốn Việt Nam có những hành động cụ thể và chính điều này sẽ quyết định cho những đồng tiền mà họ sẽ tài trợ cho Việt Nam sau này. Tháng 12 năm 2008, sau vụ tham nhũng bị phát hiện liên quan đến Công ty Tư vấn Thái Bình Dương của Nhật, gọi tắt là PCI, khai đã hối lộ các quan chức ở Việt Nam để có thể thắng thầu trong dự án xây dựng đại lộ Đông Tây TPHCM, Chính phủ Nhật đã quyết định ngừng các dự án ODA ưu đãi cho Việt Nam trong một thời gian. Đó là cách để họ có thời gian xem xét vụ việc cũng như nhìn vào cách chúng ta giải quyết vấn đề để quyết định có nên tiếp tục cung cấp nguồn vốn cho vay này hay không sau hàng loạt sai phạm đáng lo ngại đó. Vụ việc đã khiến cho sự ủng hộ Việt Nam của công chúng Nhật Bản, vốn là những người đóng thuế để cung cấp viện trợ ODA cho nước ngoài giảm sút nghiêm trọng. Các dự án ODA dự kiến trong nửa đầu năm tài khoá 2008 của Nhật Bản dành cho Việt Nam bị tạm dừng, gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA tại Việt Nam cũng như làm xấu hẳn đi hình ảnh của nước ta trên trường quốc tế. Cuối cùng thì vào tháng 2/2009, phía Nhật Bản cũng chính thức thông báo nối lại viện trợ nhờ “những nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề liên quan”.
Thực ra, tham nhũng không phải là làm thất thoát nguồn vốn ODA mà nước cho vay đã bỏ ra, mà chính là làm nghèo đi tương lai của dân mình trong việc sử dụng nguồn vốn đó. Theo đánh giá chung cũng như từ cái nhìn của chính người dân trong nước, Chính phủ Việt Nam tuy đã có thái độ nghiêm
khắc đối với nạn tham nhũng nói chung và tham nhũng nguồn vốn ODA nói riêng, tuy nhiên vẫn chưa hoàn toàn thể hiện được tính minh bạch và quyết liệt trong khâu điều tra và xử lý sai phạm. Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Anna Lindstedt thẳng thắn: "Chúng tôi đã thấy rất rõ những cam kết và sự sẵn sàng chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam, nhưng chúng tôi muốn Việt Nam chuyển những cam kết đó thành một chương trình hành động cụ thể và thực tế". Bởi vậy chúng ta phải có được chương trình hành động cụ thể, để các nhà tài trợ tin rằng chúng ta đang làm gì và sẽ làm gì. Nguồn vốn ODA trong thời gian tới sẽ không giảm sút vì những vụ như PMU18, mà sẽ phụ thuộc vào cách hành xử của chính phủ ta đối với những vụ việc như vậy. Thế hệ hôm nay và mai sau đã bắt đầu phải trả các khoản lãi và gốc cho các khoản vay ODA. Không thể để tham nhũng giúp cho một số con sâu làm rầu nồi canh, khiến đời sống người dân không chỉ nghèo trong hiện tại mà còn phải còng lưng trả nợ trong tương lai bởi những món nợ mà họ không hề được hưởng lợi.