Cảm giác dữ dội, thú vị trong phóng sự Nguyễn Tuân

Một phần của tài liệu nét riêng của phóng sự nguyễn tuân (Trang 74 - 78)

Với Nguyễn Tuân, đi là để “thay đổi thực đơn cho giác quan”. Ông không chịu được sự bàng bạc, bằng phẳng, yên ổn. Ông không thích cái gì mực thước, khuôn phép. Ông gọi thế là “công chức” trong đời sống, trong văn chương. Nguyễn Tuân luận về hai chữ “tung” và “hoành” trong nghệ thuật như thế này: Hoành là mực thước, thiếu cảm hứng mãnh liệt. Tung là tạo ra tiếng vang dội ầm lên một thời, là hành binh bằng một cuộc đại tấn công, là những tìm tòi maọ hiểm, là cảm xúc mạnh, là hơi thở nồng (Đôi tri kỷ gượng). Với ông phải là những cái mới lạ, bất ngờ, mãnh liệt: “Tôi muốn mỗi ngày trong cuộc sống của tôi phải cho tôi cái say của rượu tối tân hôn” (Một lá thư không

gửi - Tùy bút I). Con người này yêu ghét rõ ràng, đã yêu thì yêu say đắm, đã ghét thì ghét tới độ căm thù, đã thích cái gì thì phải tìm hiểu tới ngọn ngành, gốc rễ. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh gọi Nguyễn Tuân “là ca sĩ của những vẻ đẹp tinh khôi tuyệt đỉnh của tạo hóa” (Nguyễn Đăng Mạnh - Những bài giảng về tác gia văn học Việt Nam hiện đại,

Nxb Đại học Sư phạm, 2005, tr.292). Quả đúng như vậy đọc Nguyễn Tuân chúng ta sẽ thấy ông là nhà văn của những cảm giác mạnh và những điều thú vị.

Thực ra đó là nét phong cách con người và cũng là nét phong cách văn chương đậm nét của Nguyễn Tuân kể cả trước và sau Cách mạng. Nét phong cách nghệ thuật ấy không chỉ bộc lộ trong những tùy bút, truyện ngắn hay tiểu thuyết của ông mà ngay ở thể loại phóng sự, vốn là là một thể loại đòi hỏi tính khách quan cao, cũng mang đậm đặc điểm này. Cái cách khơi chuyện của Nguyễn Tuân ngay lập tức cuốn hút người đọc vào câu chuyện. Mở đầu hai thiên phóng sự về thuốc phiện, ông lôi cái chết của ông tị tổ của làng chơi thuốc phiện ra để mà gợi chuyện. Hầu hết các chương phóng sự của Nguyễn Tuân đều bắt đầu bằng việc nêu ra một sự kiện, một con người rồi sau đó mới dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về sự kiện ấy, con người ấy. Chẳng hạn mở đầu đầu chương V – Tàn đèn dầu lạc, ông bắt đầu gới thiệu nhân vật chính đầy ấn tượng: “Tôi phải nói ngay rằng ông Ấm X là một người nghiện thuốc phiện phong lưu nhất trong cái số bạn nghiền tôi được biết từ trước tới giờ…” (tr.39). Sau đó, tác giả mới dẫn dắt người đọc tới những lối sống, cách ăn, cách chơi lạ đời, hiếm thấy của nhân vật. Mở đầu chương II – Ngọn đèn dầu lạc cũng vậy. Chương phóng sự này có nhan đề là Xuống một tờ ly hôn như là một lời tự bạch, sám hối chân thành tha thiết của chính tác giả sau gần mười năm phóng túng hình hài trong khói thuốc phiện. Không dấu diếm, vòng vo, biện hộ, cái nhân vật Tôi ấy tự xưng danh và hiện diện luôn ngay từ đầu chương sách: “Đây là lời thú tội của một dân nghiện,

dân nghiện đó là tôi là ông, là hắn, là tất cả mọi người đã từng lấy cái tiệm hút hạ cấp làm nhà của mình…” (tr.9)

Đọc phóng sự Nguyễn Tuân, người đọc không chỉ hình dung được các con nghiện nhờ nghệ thuật miêu tả sống động của tác giả mà còn ấn tượng mạnh về loại người này nhờ cái lối ngoa ngôn, cường điệu của ông. Tác giả không chỉ làm hiện lên trang văn những chân dung con nghiện đầu bù, răng bựa mà còn khơi dậy ở người đọc tất cả cảm giác của họ. Đọc văn ông, chúng ta không chỉ được mục kích sở thị đối tượng miêu tả mà còn được sờ mó, được nghe, được ngửi mùi nhân vật của ông. Có những con nghiện nghiện tới mức “búng ra sái được”, cái mặt “bấm vào cứ vọt cả thuốc sái thuốc nước ra”. Tôi chắc khi đọc đoạn Nguyễn Tuân miêu tả nhân vật Ba Quynh chắc chúng ta phải lợm giọng, buồn nôn khi đối diện với một thằng nghiện mà trông giống cái thây ma hơn là thằng người: “Nước da bợt ra như sắc mặt một thằng chết đường bị sương móc làm nhợt bệch ra từ hôm trước, mắt trắng dã, môi thâm sì. Cái thứ môi dầy cặp nướng chả được, mỗi lúc cười huếch ra, lại để lộ ra ít cái răng đen hạt huyền múi na; cái bựa răng ấy mà làm chất gắn chân muỗi Sài gòn tàn diêm, thì có đốt chết cả một toán lính cũng còn thừa vô khối […]. Lại còn những cái móng tay thì là sự kiệt tác của bẩn thỉu. Trông mười đầu móng để tang, cố cậy ra mà lại viên thành một cục lớn thì có nhẽ được đến mấy đồng cân cáu ghét ba thứ rượu, sái, dầu hòa lại.” (chương IV - TĐDL, tr.24). Còn đây là hình ảnh con nghiện Lưu Thần “lúc nào người cũng chảy ra như thỏi keo gặp tiết nồm”, điệu ăn nói không lẫn vào ai được “… gặp chúng bạn cũ, anh vẫn còn thở hổn hển, nắm tay mọi người, nói như một tên tù rên và lướt mướt như một con đĩ khóc” (chương II - TĐDL, tr.12).

Nguyễn Tuân mô tả một tiệm hút hồng phiến ở Hương Cảng- Hồng Kông mà tiếng rít thuốc làm người ta liên tưởng đến “bài nhạc côn trùng trong ánh cỏ mùa thu”, tiếng gõ tẩu lúc dịt thuốc vào nhĩ

tẩu liên tiếp nhau chan chát “như là tiếng roi chầu quất vào tang trống hát cô đào”, cái không khí ngột ngạt của khói thuốc trong tiệm đến mức muỗi cũng phải bay hết, tưởng có thể làm cho áo sơ mi trắng cổ cồn “ngả ra màu vàng óng của đoạn tre được gác bếp”. Còn đây là cảnh đám hút trong nhà Phùng Văn Trô nhân bữa cúng 50 ngày ông vua tiệm: “cả một tiệm hút đang hút vang cả nhà lên như đám nhạc công nổi bài kèn thờ trong những lúc tang gia tiến cơm hay quan khách dâng đồ điếu”. Nguyễn Tuân với vốn ngôn từ giàu có cùng năng lực diễn đạt phong phú, sắc sảo luôn đem đến cho độc giả những liên tưởng bất ngờ thú vị. Mô tả đám sư sãi núp bóng Bồ Đề làm chuyện bậy bạ, ông miêu tả sư bác chùa Hà Trang “cười tình như một ông chủ hiệu tạp hoá”; bà hộ chùa “trông tựa như mụ Bạc bà”, còn anh hát cung văn trong giá đồng thì “cũng tựa như thằng Bạc Hạnh” (chương VIII - TĐDL).

Ngẫm cho cùng thì con người luôn đi tìm cảm giác mới lạ, mãnh liệt, luôn đem đến cho độc giả những bất ngờ thú vị thông qua những trang văn độc đáo đầy cá tính ấy phải là một con người thông minh, sắc sảo, biết sống hết mình, tận tâm, tận lực, một con người có ý thức sâu sắc về sự hiện diện của cái bản thể mình trong vũ trụ này. Thử hỏi mấy ai dám thành thực tới mức lộn trái mình ra với tất cả những hay dở của tồn tại con người như Nguyễn Tuân. Đó là bản lĩnh, nhân cách đáng trọng ở nhà văn này.

Một phần của tài liệu nét riêng của phóng sự nguyễn tuân (Trang 74 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w