Những phát hiện mới về nhân vật “vang bóng một thời”

Một phần của tài liệu nét riêng của phóng sự nguyễn tuân (Trang 72 - 74)

Nhân vật “vang bóng một thời” ở đây được dùng để chỉ loại nhân vật quen thuộc trong văn Nguyễn Tuân, thường thấy nhiều nhất trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời của ông. Họ là những trí thức Nho học, những nhà nho lãng tử giang hồ không bao giờ dừng chân ở một nơi nào nhất định, những trang anh hùng nghĩa liệt xả thân vì nghĩa lớn. Đó là những ông Phủ, ông Nghè, ông Thượng, ông Ấm, ông Cử… Họ đều là những con người có phẩm chất thanh tao đáng quý, không hám danh lợi, thích nhàn tản và biết hưởng thụ một cách trịnh trọng và tao nhã những thú vui trong cuộc đời. Ví như ông Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù - một con người đầy nghĩa khí, lại có tấm lòng trọng nghĩa, trọng tài. Đó là cụ Sáu, ông Đốc học, sư cụ chùa Đồi Mai, người ăn mày cổ quái biết thưởng thức một chén trà

với tất cả sự cầu kì, trịnh trọng (Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm). Nguyễn Tuân thán phục cái thú chơi cờ mồm của cụ Hồ Viễn và cậu Chiêu (Ngôi mả cũ), rồi những thú chơi tao nhã như đánh bạc bằng thơ - thả thơ (Thả thơ, Đánh thơ)…Tất cả đều là thú vui của cha ông ngày trước không ngoài cầm, kỳ, thi, tửu. Viết về những thú chơi tao nhã, sang trọng, cầu kì ấy, Nguyễn Tuân Không đơn thuần chỉ là muốn lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa một thời đã qua của dân tộc mà dường như ông còn muốn thông qua những chuyện ấy mà tố cáo cái lối ăn chơi, trác táng, thô thiển tục tằn của bọn người hãnh tiến giàu có đương thời.

Trong phóng sự Nguyễn Tuân, chúng ta cũng thấy sự hiện diện của loại nhân vật này. Đó là nhân vật ông Ấm X (chương V - TĐDL). Đó là một “ông bạn nhà nho” không tên, không tuổi nào đó được nhắc đến trong chương VII- TĐDL. Chỉ có điều là những con người này không còn là những người đi tìm cái đẹp trong những thú chơi tao nhã như các nhân vật trong Vang bóng một thời nữa mà họ là những con nghiện thuốc phiện. Cái hình mẫu lý tưởng mà bấy lâu nay Nguyễn Tuân trân trọng giờ đây cũng không tránh khỏi sự xâm thực của nạn thuốc phiện, của lối sống trụy lạc trong xã hội nhố nhăng mưa Âu gió Mỹ. Ông Ấm X vẫn còn giữ được cái chất phong lưu qua cái lối ăn hút cầu kỳ, sang trọng của mình. Nhưng thuốc phiện đã làm ông trở nên ích kỷ, vô trách nhiệm với chính vợ mình. Ông tự cho mình cái quyền “thả cửa hút thuốc thừa thãi và ăn uống vô chừng mực” để trả thù cái người vợ làm nghề cô đỡ làm mất thanh danh ông- con một nhà quan lớp trước. Thuốc phiện cùng với cuộc sống trụy lạc đã biến ông Ấm X vốn là người đọc sách thánh hiền, hiểu đạo hiểu đời trở thành người cơ hội, thực dụng với chính người thân của mình. Hãy xem ông nói về cái sự chung chạ giữa mình với vợ: “Nếu vợ tôi còn cần đến cái giá của tôi để phủ lên cái giá của một nữ khán hộ sinh như một nước sơn danh giáo, thì tôi vẫn còn có quyền thắp đèn của vợ tôi, hút thuốc của vợ tôi. Sự chung chạ của tôi là thế” (chương V - TĐDL, tr.46). Tháp ngà nghệ

thuật mà Nguyễn Tuân đã từng nâng niu, ca ngợi nay đang bị cái quan niệm sống kiểu con buôn tiền trao cháo múc của xã hội mưa Âu gió Mỹ làm lung lay. Tác giả đã xót xa mà than rằng: “Trời ôi, nào tôi có biết. Tôi không ngờ một ông Ấm X đọc toàn sách cũ mà lúc phải xử cảnh nghịch lại có những ý tưởng thực hành bạo và thật như lối người Âu Mỹ trong quan niệm về đời vật chất. Và ra cái ông Ấm X này hút thuốc phiện bằng những tiếng khóc của đám trẻ con trong cái nhà đỡ đẻ này ở phố K.T […] Và ra người ta lấy nhau lắm lúc cũng chỉ là một cuộc đi buôn chung mà hai bên đều có lợi” (chương V - TĐDL, tr.46). Nguyễn Tuân xót xa cho những truyền thống đạo lý tốt đẹp đầy tình nghĩa của dân tộc đang từng bước bị cái xã hội hiện đại làm rạn nứt. Ai đó nghi ngờ vấn đề dân tộc tính trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng, còn tôi, tôi vẫn thấy nó biểu hiện một cách kín đáo trong nhiều trang văn của ông, kể cả trong những trang phóng sự về đề tài trụy lạc- được coi là những sáng tác thuộc giai đoạn bế tắc của Nguyễn Tuân. Nét đẹp văn hóa xét cho cùng cũng là một phần của tinh hoa dân tộc. Nguyễn Tuân bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc trước sự xâm thực của văn hóa ngoại lai thì còn gì phải nghi ngờ đó là dân tộc tính hay không nữa.

Một phần của tài liệu nét riêng của phóng sự nguyễn tuân (Trang 72 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w