Chính sách ruộng đất

Một phần của tài liệu Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp & nông thôn ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trang 29 - 31)

IV. Một số chính sách của nhà nước tác động đến nông nghiệp, nông thôn

1.Chính sách ruộng đất

Ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp, do đó chính sách ruộng đất sẽ tác động rất mạnh đến nông nghiệp, nông thôn.

Chính sách ruộng đất cần phải đáp ứng được lợi ích của người nông dân. Hiện nay Đảng và Nhà nước cần chủ trương tiếp tục đẩy mạnh giao đất,giao rừng cho nông dân với thời hạn dài, thậm chí quyền sử dụng ruộng đất có thể được kế thừa, thế chấp…

Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật các quyền sủ dụng đất đai; khuyến khích nông dân thực hiện “dồn điền, dồn thửa” trên cơ sở tự nguyện; nông dân được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, liên kết… Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch và sử dụng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

2. Chính sách đầu tư

Sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn phụ thuộc rất nhiều vào các công trình công cộng như : hệ thống thuỷ lợi, hệ thống giao thông, hệ thống cung ứng điện, giống… Việc xây dựng các công trình đó đòi hỏi phải có đầu tư rất lớn, vượt xa khả năng kinh tế nông thôn. Vì vậy, Nhà nước phải có chính sách đầu tư hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, Nhà nước phải có chính sách huy động các nguồn lực tại chỗ nhằm xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho nông nghiệp nông thôn.

3. Chính sách thuế

Ruộng đất thuộc quyền sở hữu toàn dân và Nhà nước thay mặt toàn dân thực hiện quyền sở hữu đó. Do đó, việc nhà nước thu địa tô là cần thiết và chính đáng. Chính sách thuế còn có ý nghĩa rất to lớn trong việc điều tiết lợi ích giữa các thành phần kinh tế, thực hiện công bằng xã hội ở nông thôn.

Chính sách thuế đối với nông nghiệp, nông thôn cần phải lưu ý những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, trình độ phát triển của nông nghiệp, nông thôn thấp kém hơn so với các ngành, các khu vực kinh tế khác. Do đó, mức thuế suất, các sắc thuế áp dụng cho nông nghiệp, nông thôn sẽ phải khác với các ngành, các khu vực khác.

Thứ hai, kinh tế nông nghiệp, nông thôn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Do vậy, khi thời tiết không thuận lợi hoặc thiên tai, cần có sự điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp.

Thứ ba, cư dân nông thôn chiếm tỷ lệ rất lớn trong dân số cả nước nhưng có mức thu nhập, mức sống rất thấp. Do đó, chính sách thuế phải đạt trong mối quan hệ và phải phù hợp với các chính sách xã hội.

4. Chính sách khoa học công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ là một nội dung của phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về khoa học – công nghệ.

Chính sách khoa học – công nghệ phải tính tới những đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, khả năng kinh tế và nhận thức, phong tục, tập quán, lề thói canh tác của cư dân nông thôn… Đồng thời, chính sách khoa học – công nghệ còn phải xuất phát từ những nhu cầu của thị trường thế giới, chiến lược sản phẩm xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới… Các doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp như : công ty giống, vật nuôi, cây trồng; công ty thuỷ lợi, phân bón; công ty xuất khẩu nông sản… có vai trò hết sức to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến khoa học – công nghệ cho nông dân. Chính sách khoa học - công nghệ phải được triển khai dựa trên những hình thức này.

Một phần của tài liệu Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp & nông thôn ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trang 29 - 31)