Nhóm thuốc này còn có tên gọi là nhóm thuốc có thể chuyển biến bệnh (giảm nhẹ các đợt tiến triển cấp, ngừng hủy hoại, bảo tồn chức năng vận động khớp). Gọi là thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm là do thuốc không có tác dụng ngay khi điều trị mà thường chỉ có tác dụng sau vài tuần đến vài tháng. Đối với bệnh VKDTTN, DMARD được coi là nhóm thuốc được lựa chọn đứng hàng thứ 2 khi khởi đầu điều trị cho bệnh nhi. Một số thuốc trong nhóm hay dùng là methotrexat, sulfasalasin, chloroquin [10], [27], [32].
1.2.4.1. Methotrexat
- Cơ chế: methotrexat là một chất kháng acid folic, được dùng trong điều trị VKDTTN do nó có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch. Cơ chế ức chế miễn dịch của methotrexat là ức chế cả miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể, thông qua ức chế sự nhân lên của tế bào lympho B và T, đồng thời cũng làm giảm chức năng của các tế bào này [3].
- Chỉ định: hiện nay đây là thuốc DMARD hàng đầu được chỉ định đối với VKDT và thấp khớp vẩy nến [1], [22], [36].
- Tác dụng không mong muốn: gây tăng men gan, xơ phổi, độc với máu nên cần bổ sung acid folic. Tổn thương gan, thận có thể nặng nề nên cần phải theo dõi sát sao [14].
1.2.4.2. Sulfasalazin
- Cơ chế: ức chế các enzym của tế bào lympho, tác động lên chuyển hóa prostaglandin, ức chế sản xuất tế bào T, ức chế hoạt hóa tế bào lympho B và ức chế hoạt hóa các tế bào tiêu diệt tự nhiên, ức chế lympho B tế bào sản xuất các immunoglobulin (Ig) và yếu tố dạng thấp [6].
- Chỉ định: là lựa chọn ban đầu trong những trường hợp viêm khớp có HLA B27 dương tính (VKDTTN thể viêm nhiều điểm bám tận hay thể viêm cột sống dính khớp) [6].
- Tác dụng không mong muốn: rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đau thượng vị, bọng nước, loét miệng, protein niệu, hội chứng thận hư, viêm tuyến giáp trạng, giảm tiểu cầu, bạch cầu, huyết tán, hội chứng dạng lupus [6], [14].
1.2.4.3. Chloroquin
- Cơ chế: có xu hướng tác động lên các acid nhân, ổn định màng các lysosome và tác động lên các gốc tự do [6].
- Chỉ định: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì toàn thể [6], [14].
- Tác dụng không mong muốn: rối loạn tiêu hóa; xạm da, khô da; suy tủy xương; viêm tổ chức lưới ở võng mạc không hồi phục, gây mù. Tuy nhiên với liều thấp thì tỷ lệ tai biến này không đáng kể, song cần kiểm tra thị lực, soi đáy mắt mỗi 6 tháng. Nhiễm độc thần kinh trung ương: đau đầu, thay đổi cảm xúc, tâm thần. Điều trị kéo dài có thể gây bệnh thần kinh cơ: giảm trương lực cơ và phản xạ cơ từng đợt [10], [14].
1.2.4.4. Một số thuốc khác
Một số thuốc khác hiện ít được sử dụng như D- penicillamine, muối vàng, cyclophosphamid, cyclosporin A... Ngày nay, một số thuốc mới được đưa vào sử dụng và cho những hiệu quả tốt như etanercept, infliximab: đây là những thuốc tác nhân sinh học có tác dụng chẹn các cơ quan thụ cảm của yếu tố hoại tử u (TNFa) không cho chúng tương tác với các TNF trên tế bào bề mặt từ đó cắt đứt quá trình viêm. Thuốc còn được gọi là các DMARD sinh học để phân biệt với các DMARD truyền thống (methotrexat, sulfasalazin, chloroquin, …). Thuốc đã được chứng minh có hiệu quả đối với VKDTTN hơn so với các DMARD truyền thống, được sử dụng điều trị cho những trường hợp trẻ bị viêm khớp nặng và không đáp ứng điều trị với methotrexate. Hiện thuốc chưa được sử dụng ở nước ta do các thuốc này đều đắt tiền và những ảnh hưởng lâu dài của chúng vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ [10], [30], [35].
CHƯƠNG II