4.2.2.1. Định hướng phát triển ngành chăn nuôi
a) Chăn nuôi lợn vẫn chiếm vị trí cao trong ngành chăn nuôi. Tổng đàn lợn năm 2015 đạt khoảng 1,5 triệu con, năm 2020 còn khoảng 1,4 triệu con. Sản lượng thịt lợn năm 2015 đạt 330 nghìn tấn, năm 2020 đạt 350 nghìn tấn. Quy mô đàn lợn sẽ giảm ở hầu hết 23 quận, huyện; nhất là các quận nội đô và huyện ven đô. Lợn được nuôi tập trung ở các huyện xa đô (Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa).
b) Chăn nuôi bò: Tập trung phát triển đàn bò theo chiều sâu, tăng về chất lượng cho cả 2 loại sản phẩm sữa và thịt; ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất hàng hoá ở các địa bàn có nhiều tiềm năng (có vùng đồi gò, vùng đất bãi ven sông, có truyền thống lâu đời…).
- Bò thịt: Năm 2015, tổng đàn khoảng 150 nghìn con, sản lượng thịt khoảng 9,0 nghìn tấn; năm 2020, tổng đàn khoảng 155 nghìn con, sản lượng thịt khoảng 9,3 nghìn tấn. Nhân rộng quy mô đàn bò thịt ở các huyện xa đô và một vài huyện ven đô (Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đông Anh, Mê Linh).
- Bò sữa: Số lượng bò sữa đến năm 2015 đạt 15 nghìn con, năm 2020 đạt 20 nghìn con. Sản lượng sữa đạt 25 nghìn tấn vào năm 2015, khoảng 36 nghìn tấn vào năm 2020. Phát triển chăn nuôi bò sữa tập trung tại một số địa phương ven đô và xa đô như Ba Vì, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai.
c. Chăn nuôi gia cầm: Dự kiến đến năm 2015, tổng đàn gia cầm có 16 triệu con (đàn gà 12 triệu con), sản lượng thịt 65 nghìn tấn, trứng 740 triệu quả. Đến năm 2020, tổng đàn có 15 triệu con (đàn gà 11,5 triệu con), sản lượng thịt 67 nghìn tấn, trứng 780 triệu quả. Gia cầm sẽ phân bố ở các huyện ven đô (Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Ứng Hòa, Sóc Sơn).
4.2.2.2. Định hướng phát triển ngành trồng trọt
a) Cây lương thực sẽ giảm dần quy mô sản xuất lúa. Năm 2015, diện tích lúa đạt khoảng 170 - 172 nghìn ha, sản lượng khoảng 990 - 995 nghìn tấn; đến năm 2020, còn khoảng 144 - 146 nghìn ha và khoảng 860 - 880 nghìn tấn. Năng suất lúa ổn định ở mức 58 - 60 tạ/ha.
Chú trọng phát triển lúa chất lượng cao. Đến năm 2015, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung sẽ có quy mô khoảng 60 - 62 nghìn ha, sản lượng khoảng 335 nghìn tấn; đến năm 2020 sẽ có khoảng 75 - 76 nghìn ha, 450 nghìn tấn.
Lúa đại trà và lúa chất lượng cao chủ yếu được trồng ở các huyện xa đô, tập trung nhiều nhất là ở 8 huyện trọng điểm lúa của TP (Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín).
b) Cây rau, đậu thực phẩm sẽ gia tăng quy mô sản xuất. Năm 2015, diện tích rau đậu là 32 nghìn ha, sản lượng khoảng 640 nghìn tấn. Năm 2020, diện tích là 34 nghìn ha, sản lượng trên 680 nghìn tấn. Đến năm 2015 và 2020 rau, đậu thực phẩm có thể đáp ứng được 75 - 80% nhu cầu của thị trường Hà Nội.
Chuyển mạnh sang sản xuất RAT. Năm 2015, diện tích RAT đạt khoảng 14,6 nghìn ha, sản lượng 230 - 240 nghìn tấn; năm 2020, diện tích khoảng 17,6 nghìn ha, sản lượng 380 - 390 nghìn tấn (đáp ứng được 30 - 33% nhu cầu rau xanh của TP).
Rau phân bố ở các huyện ven đô và xa đô. Rau đại trà tập trung ở Mê Linh, Đông Anh, Thường Tín, Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn. RAT trồng nhiều ở Hoài Đức, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Ba Vì, Thanh Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm.
c) Cây ăn quả vẫn là sản phẩm chủ lực của ngành trồng trọt. Diện tích cây ăn quả đến năm 2015 sẽ đạt khoảng 16 nghìn ha, năm 2020 đạt khoảng 17 nghìn ha. Kết hợp xây dựng mô hình nhà vườn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch vườn. Cây ăn quả có xu hướng tập trung nhiều ở các huyện xa đô (Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Gia Lâm, Sơn Tây, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất). d) Hoa - cây cảnh được xác định có tiềm năng lớn. Diện tích gieo trồng hoa - cây cảnh đến năm 2015 đạt 6.000 ha, năm 2020 đạt 7.200 ha. Chú trọng quy hoạch, xây dựng hạ tầng vùng hoa và đa dạng hoá các giống hoa - cây cảnh để tạo cảnh quan đẹp phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng ngoại của du khách. Hoa - cây cảnh sẽ được trồng tập trung ở khu vực nội đô và ven đô (Mê Linh, Từ Liêm, Đông Anh, Long Biên, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng).
4.2.2.3. Định hướng tổ chức không gian sản xuất a. Trang trại
Giai đoạn 2012 - 2015 duy trì 934 trang trại hiện có, phát triển thêm 270 trang trại mới để hình thành khoảng 1.200 trang trại (40 trang trại trồng trọt,
1.160 trang trại chăn nuôi). Giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục phát triển thêm 400 trang trại để hoàn thành mục tiêu 1.600 trang trại (100 trang trại trồng trọt, 1.500 trang trại chăn nuôi).
b. Khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư
Đa số các khu chăn nuôi tập trung được quy hoạch ở các huyện xa đô. Đến năm 2015, TP xây dựng thêm 10 khu, đưa tổng số khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư lên 45 khu với tổng diện tích 1.165,4 ha. Đến 2020, quy hoạch thêm 59 khu đưa tổng số khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư lên 104 khu với tổng diện tích 2.314 ha.
c. Khu nông nghiệp công nghệ cao
Địa điểm dự kiến quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại vùng bãi sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức. Diện tích dự kiến 300 - 600 ha.
Dự kiến quy hoạch mặt bằng gồm: khu nghiên cứu, thực nghiệm; khu sản xuất; khu trình diễn giới thiệu, bán sản phẩm, đào tạo, chuyển giao tiến bộ KH - CN; khu tham quan, du lịch sinh thái gắn với môi trường nghỉ dưỡng.
Dự kiến sản phẩm: trong những năm đầu sẽ lựa chọn công nghệ thích hợp đối tượng cây trồng, vật nuôi là sản phẩm chủ lực của Hà Nội để triển khai ứng dụng.
d. Vùng chuyên môn hóa nông nghiệp
- Vùng chăn nuôi trọng điểm: Dự kiến đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 112 xã chăn nuôi lợn, 20 xã nuôi bò thịt, 17 xã nuôi bò sữa và 118 xã nuôi gia cầm trọng điểm.
- Vùng chuyên canh cây trồng: Định hướng đến năm 2020, Hà Nội sẽ hình thành 120 xã sản xuất lúa chất lượng cao; 116 xã, phường sản xuất RAT; 95 xã, phường sản xuất hoa - cây cảnh và tiếp tục duy trì 22 xã sản xuất cây ăn quả đặc sản tập trung.
e. Vành đai nông nghiệp
Tiếp tục xây dựng và phát triển vành đai xanh, vành đai lương thực thực phẩm trên cơ sở các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn, gắn với lợi thế của từng vùng; nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tươi sống, tạo không gian xanh và địa điểm vui chơi cho người dân Thủ đô. Bán kính của mỗi vành đai sẽ mở rộng hơn so với hiện tại. Dự kiến 3 vành đai được thiết lập từ trong ra ngoài như sau: Vành đai nông nghiệp nội đô có bán kính dưới 10 km. Vành đai nông nghiệp ven đô có bán kính từ 10 đến dưới 18 km. Vành đai nông nghiệp xa đô có bán kính từ 18 - 50 km.