- Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế)
3.1. Định hướng quản lý thuế GTGT trong thời gian tới:
Với tư cách là một công cụ trọng tâm của chính sách tài chính quốc gia, liên quan đến việc huy động và phân bổ các nguồn lực tài chính của xã hội, nên vấn đề quản lý thuế giá trị gia tăng có vai trò rất quan trọng và trong thời gian tới chúng tôi xin đưa ra một ra một số định hướng cho vấn đề này như sau:
a) Đẩy mạnh, thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hành chính thuế; thực hiện cơ chế liên thông giữa thủ tục hành chính thuế với một số thủ tục hành chính khác có liên quan, nhằm tạo thuận lợi và giảm thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký khai thuế của doanh nghiệp và người dân.
b) Sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo hướng phù hợp. Hiện vẫn còn tình trạng nhiều văn bản chồng chéo nhau khiến cho người nộp thuế không biết chấp hành nghĩa vụ thuế sao cho đúng. Đồng thời cũng còn nhiều điểm còn bất hợp lý trong các văn bản pháp luật Thuế như chưa quy định một cách rõ ràng về ngưỡng chịu thuế, mức thuế suất hay thậm chí là tồn tại nhiều phương pháp tính thuế khác nhau khiến mất bình đẳng giữa những người nộp thuế, dễ nản sinh hiện tượng trốn thuế.
c) Phân loại rõ đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế để từ đó có các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ thực thi pháp luật thuế phù hợp với từng nhóm.
d) Tăng cường đổi mới áp dụng các biện pháp, kỹ năng để giám sát quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế theo hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí rủi ro để phục vụ công tác quản lý nợ thuế và đánh giá kết quả của hoạt động quản lý nợ thuế; giải quyết chính xác, kịp thời các trường hợp khiếu nại tố cáo về thuế.
e) Xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, chính xác, tập trung thống nhất trên phạm vi cả nước; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý thuế có tính liên kết, tự động hóa cao, gắn chặt với quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế và áp dụng thuế điện tử; xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trụ sở làm việc, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ; triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính gắn với nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước tạo điều kiện để hiện đại hóa ngành thuế nhằm quản lý thu có hiệu quả.
g) Tăng cường hợp tác, phối hợp với các cơ quan thuế các nước, các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và tìm kiếm nguồn vốn vay, vốn tài trợ cải cách và hiện đại hóa công tác thuế. Quản lý chặt chẽ và khai thác tối đa, hiệu quả nguồn vốn vay, vốn tài trợ với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế vào công tác cải cách và hiện đại hóa ngành thuế.