riêng biệt SAN
Trong thời đại hiện nay, hoạt động và sự thành công trong hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp/cơ quan/tổ chức (sau đây gọi chung là doanh nghiệp - DN), phụ thuộc rất nhiều vào hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) của họ. Xét trên khía cạnh IT, cốt lõi cơ bản trong hoạt động của các doanh nghiệp là các quá trình lưu trữ, xử lý và trao đổi dữ liệu, thông tin. Liên quan đến các quá trình này, và cũng là một trong những thành
phần quan trọng bậc nhất của cơ sở hạ tầng thông tin là hệ thống lưu trữ. Khái niệm "hệ thống lưu trữ" chỉ đến tập hợp của tất cả các tài nguyên sử dụng cho mục đích lưu trữ dữ liệu của hệ thống, bao gồm:
- các thiết bị lưu trữ, như ổ đĩa cứng trong của các máy chủ, các tủ đĩa ngoài, các thiết bị băng từ
- các phần mềm quản lý, điều khiển hoặc cung cấp tính năng phụ trợ (như sao chép, sao lưu vv..) cho các thiết bị lưu trữ,
- các giao thức và phụ kiện cho kết nối và trao đổi dữ liệu giữa các thiết bị lưu trữ.
Để hoạt động trên nền tảng IT của DN được thông suốt và hiệu quả, hệ thống lưu trữ cần được thiết kế và vận hành với sự quan tâm cao, được đầu tư xứng đáng cả về giá trị kinh tế và về công nghệ kỹ thuật. Tất cả các dữ liệu cần thiết cho quá trình hoạt động của DN phải được lưu trữ đầy đủ (yêu cầu đủ về dung lượng), với độ an toàn và tính bảo mật cao, cho phép truy xuất với tốc độ nhanh, được sử dụng và xử lý một cách hiệu quả và hợp lý (yêu cầu về hiệu năng và quản trị lưu trữ).
Đáp ứng những yêu cầu như trên, ngành công nghệ lưu trữ đang có một lộ trình phát triển nhanh chóng với nhiều bước tiến mới về công nghệ nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả sử dụng của hệ thống lưu trữ. Theo dõi tình hình nghiên cứu và triển khai thực tế, có thể thấy xu thế phát triển hiện nay của công nghệ lưu trữ đang tập trung vào các điểm nóng như sau:
- sử dụng mạng lưu trữ riêng biệt, tốc độ cao cho mục đích lưu trữ dữ liệu (SAN: Storage Area Network)
- phân mức tầm quan trọng của dữ liệu, trên cơ sở đó dùng thiết bị và công nghệ lưu trữ phù hợp, giảm thiểu chi phí đầu tư và vận hành. Nguyên lý lưu trữ phù hợp với tầm quan trọng của dữ liệu có thể được áp dụng là phân mức lưu trữ (Tiered-Storage), và quản lý lưu trữ theo vòng đời dữ liệu (ILM: Information Lifecycle Management)
- tiến hành hợp nhất hệ thống lưu trữ theo phương pháp ảo hóa (Storage Virtualization), nâng cao hiệu quả sử dụng.
Trong các phần tiếp theo, bài viết sẽ giới thiệu và phân tích các hướng công nghệ nói trên.