BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Cùng với giáo dục- đào tạo, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ là một trong những vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa cơ bản nhằm tạo ra những lực lượng đầu đàn, nòng cốt cho khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thật vậy , trong thời đại ngày nay, công nghiệp hóa, hiện dại hóa không thể thành công, nếu thiếu đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có chất lượng cao, có đủ đức, tài. Chúng ta không thể nói đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời đại văn minh trí tuệ, thời đại cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức đang ngày có vai trò to lớn mà lại thiếu đội ngũ cán bộ khoa học- công nghệ giỏi. Bởi lẽ đội
ngũ cán bộ khoa học- công nghệ là lực lượng nòng cốt trong nguồn lực con người Việt Nam hiện đại mà chúng ta cần tạo ra nhằm đảm bảo thành công cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là đội ngũ quyết định sự phát triển của khoa học và công nghệ của đất nước.
Tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định" Khoa học và công nghệ là động lực của công nghiệp hóa hiện đại hóa""Cùng với giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu", là động lực phát triển kinh tế xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải dựa vào khoa học, công nghệ.
Song khoa học và công nghệ chỉ có thể đóng vai trò động lực khi có người tạo ra nó, chuyển tải nó vào thực tiễn sản xuất và hoạt động xã hội, biến nó thành "năng lực nội sinh". Điều đó đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ khoa học- công nghệ có chất lượng cao ,đủ tài, đức. Ý thức rõ điều đó, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay là con người Việt Nam hiện đại, con người với trí tuệ và năng lực ngày càng
cao mà nòng cốt là đội ngũ cán bộ khoa học- công nghệ. Bởi thế, vấn đề
nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ đã trở thành nhiệm vụ nóng bỏng, cấp thiết, đỏi hỏi các cấp có thẩm quyền phải đưa ra một chính sách đúng và những giải pháp hữu hiệu.
Có thể nói rằng, để có được một đội ngũ cán bộ khoa học- công nghệ có chất lượng cao, trước hết chúng ta phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho họ. Đó là sáng tạo, cải tiến và áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, quản lý các quá trình xã hội. Qua đó, những cán bộ khoa học kỹ thuật tự nâng cao chất lượng, có điều kiện trở thành những chuyên gia đầu ngành, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. C.Mác đã nói: Việc tạo ra một đội ngũ đông đảo những người có trình độ học vấn cao, tinh thông khoa học- kỹ thuật "không phải chỉ là một phương pháp để làm tăng thêm nền sản xuất xã hội mà còn là một phương pháp duy nhất để sản xuất ra những con người phát triển toàn diện nữa(5)"
Do vậy, chúng ta cần phải đầu tư đúng mức và hợp lý cho công tác nghiên cứu khoa học, cho việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ khoa học- công nghệ, nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Đối với cán bộ khoa học, nhu cầu vật chất, nhu cầu kinh tế cũng rất cần, song không phải là tất cả. Ngoài nhu cầu vật chất, họ còn cần tới nhu cầu tinh thần, là nhu cầu được thừa nhận rộng rãi, được động viên khen thưởng kịp thời. Nhu cầu tinh thần ấy là một động lực không nhỏ thúc đẩy đội ngũ cán bộ khoa học- công nghệ hoạt động sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc.
Việc xây dựng một chính sách hợp lý đối với đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, trước hêt là chính sách lương thỏa đáng, cũng là một biện pháp cần được tiến hành nhanh chóng để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ này. Đi liền với biện pháp đó là chế độ thưởng, phụ cấp và trợ cấp đối với đội ngũ cán bộ khoa học- công nghệ và cho những công trình khoa học và công nghệ có giá trị của họ, đảm bảo thu nhập thích đáng thông qua việc thu hút họ tham gia các hợp đồng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, triển khai.
Cùng với biện pháp đó, chúng ta cũng cần phải xây dựng và sớm thực hiện "quy chế đảm bảo dân chủ, phát huy tinh thần sáng tạo, tăng cường đoàn kết, ý thức trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học trong hoạt động nghiên cứu và triển khai". Môi trường như vậy chẳng những khuyến khích họ sáng tạo mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ phát triển, tự hoàn thiện mình, nâng cao trình độ chuyên môn và hiệu quả làm việc.