- Ung thư thần kinh nội tiết tế bào lớn.
1.2.2.1. Đặc điểm bệnh lý chung ở người cao tuổ
Sự suy giảm của mỗi hệ thống cơ quan xảy ra một cách độc lập với những thay đổi ở hệ thống cơ quan khác và chịu tác động của nhiều yếu tố như chế độ ăn, môi trường, thói quen sống cũng như các yếu tố di truyền. Một số nguyên lý quan trọng bắt nguồn từ những thực tế sau:
Các cá nhân khi về già ngày càng không giống nhau.
Sự suy giảm đột ngột bất cứ một cơ quan hoặc chức năng nào là do bệnh gây nên chứ không phải do “ già hóa bình thường”. Quá trình “già hóa bình thường” bị suy giảm dưới tác động của các yếu tố nguy cơ (ví dụ như huyết áp, hút thuốc lá, lối sống tĩnh lại)
Một “ tuổi già khỏe mạnh” là điều hoàn toàn có thể. Trên thực tế, trong trường hợp không có bệnh, sự suy giảm về dự trữ hằng định nội mô không gây nên các triệu chứng và chỉ gây hạn chế rất ít các hoạt động hàng ngày bất kỳ ở tuổi nào.
Hiện nay, hy vọng sống trung bình của loài người đã tăng lên rõ rệt. hy vọng sống trung bình là 17 năm ở tuổi 65 (nghĩa là ở tuổi 65, trung bình người ta còn sống thêm được 17 năm nữa); 11 năm ở tuổi 75; 6 năm ở tuổi 85,
4 năm ở tuổi 90 và 2 năm ở tuổi 100. Hơn nữa phần lớn những năm tháng này, người già vẫn có thể sống một cách tương đối độc lập; ngay cả trên 85 tuổi, cũng chỉ có khoảng 30% người già bị phụ thuộc nếu sống ở nhà và 20% nếu sống trong trại dưỡng lão [21].
Tuy vậy, người già dễ bị mắc bệnh, tàn phế, và tác dụng phụ của thuốc, tất cả những điều đó, phối hợp với sự suy giảm về dự trữ sinh lý, làm cho họ rất dễ bị tổn thương trước các tác động của môi trường, bệnh tật và thuốc men.
Một số đặc điểm bệnh lý ở NCT.
Biểu hiện bệnh thường không điển hình, nhất là ở nhóm tuổi rất già (≥75
tuổi). Khi một bệnh mới khởi phát sẽ làm suy giảm hằng định nội môi, gây nên các triệu chứng của các cơ quan khác nhau, đặc biệt là ở những cơ quan có bệnh từ trước. Một số triệu chứng thường gặp ở NCT như lú lẫn cấp tính, trầm cảm, tiểu tiện không tự chủ, ngã và ngất không nhất thiết là biểu hiện của bệnh não, đường tiết niệu dưới, hệ tim mạch hoặc hệ cơ xương.
Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sớm do dự trữ hằng định nội mô giảm. Một cường giáp nhẹ cũng có thể gây suy tim; cường cận giáp nhẹ cũng có thể gây rối loạn chức năng nhận thức, u lành tuyến tiền liệt nhẹ cũng có thể gây bí tiểu hoàn toàn, hay tình trạng không dung nạp glucose cũng có thể gây hôn mê tăng thẩm thấu không có xê tôn. Do các triệu chứng thường xuất hiện sớm nên nếu được phát hiện thì vấn đề điều trị bệnh tận gốc sẽ dễ dàng hơn.
Một vấn đề nữa là ở người già rất hay gặp các tác dụng phụ của thuốc, mặc dù cũng chính thuốc đó, liều dùng đó nhưng nếu ở người trẻ thì rất hiếm khi có tác dụng phụ. Ví dụ: thuốc kháng sinh histamine có thể gây lũ lẫn; lợi tiểu quai có thể gây tiểu tiện không tự chủ; digoxin có thể gây trầm cảm ngay
cả với nồng độ bình thường trong huyết thanh; các thuốc tác dụng giao cảm có thể gây bí tiểu ở người có tuyến tiền liệt gây tắc nghẽn nhẹ.
Đáng tiếc là mặc dù các triệu chứng bệnh xuất hiện sớm như vậy nhưng lại thường bị bỏ qua. Nhiều người cho rằng đó là các biểu hiện của tuổi già nên không để ý đến khi nhận ra thì bệnh đã gây tàn phế rồi. Do vậy, ở người cao tuổi, bất cứ triệu chứng nào, nhất là khi có kèm theo suy giảm chức năng, đều phải đi khám bệnh ngay.
Mọi bất thường dù là nhỏ nhất cũng cần được điều trị: vì nhiều cơ chế hằng định nội môi bị suy giảm đồng thời, khi được điều trị và sự cải thiện sớm dù là bất thường cũng có thể mang lại kết quả chung rất tốt.
Nhiều kết quả thăm dò là bất thường ở người trẻ nhưng lại tương đối phổ biến ở NCT. Ví dụ có vi khuẩn trong nước tiểu, ngoại tâm thu thất, tỉ trọng xương giảm, giảm dung nạp glucose, rối loạn co bóp bàng quang, ở người trẻ đều là những bất thường cho phép định hướng chẩn đoán. Tuy nhiên ở người cao tuổi, những bất thường này khá phổ biến và chưa chắc đã là thủ phạm gây triệu chứng trên lâm sàng mà chỉ là một phát hiện tình cờ. Điều này có thể dẫn đến chẩn đoán và điều trị nhầm. Ví dụ: khi phát hiện thấy có vi khuẩn trong nước tiểu ở một người cao tuổi bị sốt không nên vội vàng kết luận là nhiễm trùng tiết niệu là nguyên nhân gây sốt mà vẫn phải tiếp tục tìm các nguyên nhân khác.
Tương tự, khi thấy đường máu tăng cao ở một bệnh nhân trong tình trạng cấp thì không được quy cho đường máu cao là thủ phạm gây biểu hiện thần kinh của bệnh nhân.
Ngược lại, cũng không được quy kết một số bất thường như thiếu máu, nhược dương, trầm cảm hoặc lú lẫn là do tuổi cao.
Các triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân ngây nên. Ví dụ nếu một bệnh nhân trẻ có sốt, thiếu máu, tắc động mạch võng mạc và nghe tim có tiếng thổi tâm thu, thì phản xạ lâm sàng là nghĩ ngay đến viêm nội tâm mạc do nhiễm trùng. Tuy nhiên ở NCT, các triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân riêng rẽ gây nên, ví dụ thiếu máu có thể do họ bị xuất huyết vì dùng thuốc aspirin, tắc động mạch võng mạc có thể nghẽn mạch do cholesterol, tiếng thổi tâm thu là do hẹp động mạch chủ sẵn có từ trước và sốt có thể là do virus.
Ngoài ra ở NCT, ngay cả khi chẩn đoán chính xác điều trị một bệnh duy nhất cũng thường ít khi chữa khỏi. Ví dụ ở người trẻ, tiểu tiện không tự chủ do rối loạn co bóp bàng quang có thể được điều trị một cách có hiệu quả bằng các thuốc giãn bàng quang. Tuy nhiên ở NCT, cũng tình trạng như vậy, nhưng họ lại có táo bón kèm theo, đang dùng các thuốc tác dụng giao cảm, và bị thoái khớp gây hạn chế vận động và sự khéo léo của động tác, nếu chỉ điều trị co thắt bàng quang đơn thuần bằng các thuốc giãn bàng quang thì ít khi giải quyết được tình trạng tiểu tiện không tự chủ. Tuy nhiên nếu giải quyết được táo bón, ngừng các thuốc tác dụng giao cảm, điều trị tình trạng thoái khớp thì nhiều bệnh nhân hết tiểu tiện không tự chủ mà không cần dùng đến những thuốc giãn bàng quang.
NCT thường dễ bị tổn thương do bệnh, nên việc điều trị, kể cả điều trị dự phòng vẫn luôn có hiệu quả. Ví dụ: những bệnh nhân sống sót sau nhồi máu cơ tim bất kể trẻ hay già đều hưởng lợi từ việc luyện tập, điều trị dự phòng huyết khối và thuốc chẹn bê ta. Thậm chí việc điều trị tăng huyết áp và tai biến thiếu máu cục bộ não thoáng qua, cũng như tiêm chủng phòng influenza và viêm phổi do phế cầu ở người cao tuổi còn có hiệu quả hơn là ở người trẻ.
Hơn nữa, việc điều trị ở NCT phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn. Ví dụ, các biện pháp can thiệp làm tăng tỷ trọng xương tương đối hạn chế ở người cao tuổi, tuy nhiên vẫn có thể hạn chế gẫy xương bằng các biện pháp khác như cải thiện thăng bằng, tăng cường cơ lực, cải thiện tình trạng phù ngoại vi, điều trị các bệnh nội khoa góp phần, đảm bảo dinh dưỡng, loại bỏ các yếu tố môi trường nguy hiểm, tránh tác dụng phụ của thuốc, các biện pháp này không tác động nhiều lên chuyển hóa xương nhưng lại cải thiện tình trạng tụt huyết áp tư thế, lú lẫn và tăng trưởng lực ngoại tháp
Tình hình bệnh tật và tử vong ở NCT:
Các nguyên nhân chính gây tử vong ở người già theo một thống kê năm 1997 ở Mỹ cho thấy trong số hơn 1,7 triệu người tử vong ở nhóm tuổi ≥ 65, có 35,1% là tử vong do các bệnh tim; 22,1 % là do ung thư, 8,1% do bệnh mạch não [10].
Các bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi. Khi các quốc gia tiến hành công nghiệp hóa, việc thay đổi lối sống và làm việc chắc chắn sẽ dẫn đến những thay đổi về mô hình bệnh tật. Những thay đổi này thấy rõ nhất ở những nước phát triển. Một mặt những nước này tiếp tục phải giải quyết các bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng và tai biến sinh kỳ, mặt khác phải đương đầu với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây truyền. “ Gánh nặng bệnh tật kép” này sẽ đe dọa các nguồn ngân sách vốn đã eo hẹp của các quốc gia này.
Việc chuyển từ mô hình các bệnh nhiễm trùng là chủ yếu sang mô hình các bệnh không lây truyền là chủ yếu, diễn ra nhanh nhất ở các nước đang phát triển, trong đó các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, ung thư và trầm cảm nhanh chóng trở thành nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn phế. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong những thập kỷ sắp tới. Năm 1990, 51%
gánh nặng bệnh tật ở các nước đang phát triển và công nghiệp mới là do các bệnh không lây truyền, rối loạn tâm thần và tai nạn. Tới năm 2020, tỷ lệ này đã tăng lên đến 78%.
Các bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi bao gồm:
Bệnh tim mạch (ví dụ bệnh mạch vành)
Tăng huyết áp
Đột quỵ
Đái tháo đường
Ung thư
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh xương – khớp ( ví dụ thoái khớp và loãng xương)
Bệnh tâm thần ( chủ yếu là sa sút trí tuệ và trầm cảm)
Mù lòa và giảm thị lực