thi chủ quyền trên Biển Đông và đã đạt được những thành tựu nhất định. Sau này, nhà Nguyễn lại tiếp thu và phát huy những thành quả đó với chính sách hướng biển, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các vua Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị... đã triển khai nhiều hình thức thực thi chủ quyền ở cả Hoàng Sa và Trường Sa, như: thu lượm các hải vật và hóa vật; xem xét, đo đạc thủy trình; khảo sát, đo vẽ bản đồ; dựng miếu, lập bia, trồng nhiều cây cối để người dễ nhận biết, tránh mắc cạn; cứu hộ tàu bị nạn... Sự kế thừa và tiếp nối ấy là một minh chứng cho dòng chảy liên tục của lịch sử mà không ai có thể chối cãi được.
Chương 16: “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn - một sử liệu quý viết về Hoàng Sa và Trường Sa
Vào năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), Lê Quý Đôn được chúa Trịnh ở Đàng Ngoài cử vào Phú Xuân để lo sắp đặt kế hoạch bình định hai trấn Thuận Hoá và Quảng Nam của chúa Nguyễn mới được quân chúa Trịnh đánh chiếm từ năm 1774. Trong khi được cử giữ chức vụ Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa, ngoài việc phải lo tổ chức lại chính quyền, ổn định cuộc sống của dân, năm 1776, Lê Quý Đôn đã tranh thủ thời gian "đi dạo núi sông, hỏi di tích, xem xét lệ cũ, tìm kiếm nhân tài, tùy bút chép ra thành quyển gọi tên là Phủ biên tạp lục”. Sách "Phủ biên tạp lục” được soạn xong ngay trong năm đó - chỉ trong 6 tháng Lê Quý Đôn làm quan ở Thuận Hóa - nhưng chưa được khắc in, bản thảo chép tay của tác giả cũng không còn và các bản sao sớm nhất còn lại đến ngày nay đều là bản sao chép tay ở thế kỷ XIX.
"Phủ biên tạp lục”, sau khi được giám định, phiên dịch và hiệu đính rất công phu bởi Viện Sử học, năm 1977 được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản thành sách và được đưa vào
làm tập I của bộ "Lê Quý Đôn toàn tập”.
"Phủ biên tạp lục” gồm 6 quyển, được đánh giá là tài liệu cổ mô tả kỹ càng nhất về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai đoạn chép về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm trong Quyển II (Hình thế núi sông, thành lũy, trị sở, đường sá, bến đò, nhà trạm hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam) trang 116 và trang 119-120. Chung quy lại, hai đoạn này viết về ba vấn đề chính là: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đặc điểm, hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải; khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
1. Về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trường Sa ở phía ngoài núi Cù Lao Ré (tức đảo Lý Sơn; xưa thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi; nay thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), gần xứ Bắc Hải, cách đảo Lý Sơn khoảng 3 ngày đêm đi thuyền câu, có nhiều sản vật tự nhiên và hàng hóa của các con tàu bị đắm: "Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm...; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải”.
Hoàng Sa thì ở ngoài biển về phía đông bắc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Về địa hình thì "có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy”. Về sinh vật thì có yến sào, chim, ốc vân, ốc xà cừ, ốc hương, đồi mồi, hải ba, hải sâm... Trên đảo còn có hàng hóa của các con tàu bị đắm - "hóa vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, đồ sứ, đồ chiên”.
2. Đặc điểm, hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải
Đề khai thác các nguồn lợi kinh tế và bảo vệ chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các chúa Nguyễn và sau này là các vua Tây Sơn, vua Nguyễn đã cho lập các đội Hoàng Sa và Bắc Hải.
Nhiệm vụ của đội Hoàng Sa và Bắc Hải là tìm nhặt hàng hóa của các con tàu bị đắm dạt vào các đảo (gươm, súng, vàng bạc, đồ đồng, thiếc, chì...) và đánh bắt hải sản (ốc, hải sâm, vỏ đồi mồi, vỏ hải ba...).
Về mặt tổ chức, phiên chế đội ngũ, đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải là một tổ chức dân binh vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa mang tính chất tư nhân vừa mang tính nhà nước, vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý biển đảo. Thành viên đội Hoàng Sa là những dân địa phương được tổ chức theo hình thức quân sự. Đứng đầu mỗi đội là một cai đội (thường là vị quan lớn như cai đội Thuyên Đức Hầu - một người được phong tước "hầu”), những thành viên trong đội được gọi là "quân nhân”: "năm Kiền Long thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Vàng huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam”. Cai đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải. Những quân nhân Hoàng Sa, Bắc Hải không được trả lương hàng tháng như chính binh (tức lính chuyên nghiệp), chỉ được "miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò”. Ngoài việc được miễn sưu thuế, về mặt quyền lợi, họ còn được hưởng phần dư - phần còn lại ngoài số sản vật lượm được phải nộp cho Nhà nước theo quy định: "đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm”.
Biên chế của đội Hoàng Sa: 70 suất, nguồn tuyển: người xã An Vĩnh trên đảo Cù Lao Ré; biên chế của đội Bắc Hải: "không định bao nhiêu suất”, nguồn tuyển: hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương.
Lịch hoạt động trong năm: tháng 2 lĩnh giấy sai đi, mất 3 ngày 3 đêm thì đến nơi, ở lại trên đảo 6 tháng, tháng 8 thì về, vào thành Phú Xuân để nộp, rồi lĩnh bằng trở về. Hoạt động của đội được chính quyền cho phép và giám sát chặt chẽ: khi đi lĩnh giấy, khi về lĩnh bằng.
Địa bàn hoạt động: các cù lao, đảo trên Biển Đông. Vì địa bàn biển đảo quá rộng nên đội Bắc Hải được lập thêm để phụ trách vùng biển đảo phía Nam, từ Trường Sa đến Hà Tiên: xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên.
Phương tiện và trang bị: đi bằng thuyền câu nhỏ (5 chiếc), mang đủ lương ăn 6 tháng, bắt thêm cá, chim để ăn.
Thu hoạch thất thường: "Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không”. Phần hải vật thường ổn định, còn hóa vật thì nhiều ít tùy năm. "Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được”. Với tư cách quan Hiệp trấn, Lê Quý Đôn đã trực tiếp tìm hiểu: "Tôi đã xem sổ của cai đội cũ là Thuyên Đức Hầu biên rằng: năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân thu hồi được 5100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ, 5 năm ấy, mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được thiếc khối, bát sứ và hai khẩu súng đồng mà thôi”.
3. Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Hoàng Sa chính gần phủ Liêm Châu, đảo Hải Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc quốc, hỏi nhau ở trong biển. Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa nói rằng: năm Kiền Long thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm (Vàng?) huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi, nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng Hầu làm thư trả lời”. Điều này chứng tỏ ngày xưa Việt Nam và Trung Quốc khá thân thiện, ngư dân thì gặp nhau, "hỏi nhau ở trong biển”, quan lại thì gửi công văn trao đổi qua lại. Và từ xưa chính quyền Trung Quốc đã biết đến hoạt động của các đội khai thác và thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó có đội Hoàng Sa - Cát Vàng, vẫn luôn tôn trọng quyền thực thi chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Chính quyền phong kiến Trung Quốc đã không hề có phản ứng nào về những hoạt động của đội Hoàng Sa mà còn giúp đỡ những người lính Hoàng Sa hồi hương "xét thực, đưa trả về nguyên quán”.
Chương 17: Các đội “ngư binh” - Hình thức độc đáo thực thi chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX