Thực trạng quản lý Nhà nước về kinh tế ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tăng cường vai trò kinh tế của Nhà nước là nhân tố quan trọng để hình thành và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế mới ở nước ta hiện nay (Trang 26 - 29)

Từ khi đổi mới đến nay nền kinh tế nước ta đã có những thay đổi căn bản. Nước ta đã từng bước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền KTTT định hướng XHCN. Tuy nhiên nền kinh tế thị trường ở nước ta mới chỉ sơ khai, chưa đầy đủ. Điều đó được thể hiện rõ ở các điểm sau đây:

- Sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp còn ở trình độ thấp, công nghiệp sản xuất còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm làm ra còn xấu. Vì thế thị trường tiêu thụ hết sức hạn chế. Nếu có thị trường thì sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường kém.

- Tuy sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp là ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm nhiều lao động xã hội trong cơ cấu kinh tế nhưng quá trình thương phẩm hóa sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp chỉ diễn ra ở một số nơi có cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải thuận lợi, gần thị trường lớn và có bình quân ruộng đất trên đầu người tương đối cao. Chỉ có ở những nơi này mới sản xuất được hàng hóa và cũng mới có một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa với khối lượng tương đối lớn và tỉ suất hàng hóa tương đối cao, phần còn lại vẫn ở trong tình trạng sản xuất tự cung tự cấp.

- Các hoạt động dịch vụ đã phát triển mạnh mẽ nhưng mới chỉ tập trung vào một số ngành như ăn uống, buôn bán nhỏ các hàng hóa công nghiệp tiêu dùng.v.v…, các ngành như du lịch, bảo hiểm, cung ứng kĩ thuật và công nghệ chưa tương xứng, chất lượng hàng hóa dịch vụ nhìn chung còn thấp.

- Nhiều điều kiện cần thiết cho sự ra đời của sản xuất hàng hóa như thị trường đất đai, thị trường sức lao động, thị trường tiền tệ chưa được thiết lập một cách hoàn chỉnh, công khai. Một số yếu tố cấu thành đầu vào của sản phẩm chưa phải là hàng hóa, hoặc đang trong trạng thái độc quyền.

Chính vì nền kinh tế vẫn còn đang trong bước quá độ của sự chuyển đổi như vậy nên Nhà nước cũng chưa kiên quyết từ bỏ ngay cách quản lý trực tiếp đối với nền kinh tế để chuyển hẳn sang cách quản lý gián tiếp được mà vẫn phải tiến hành đan xen cả hai phương thức, điều này thể hiện rõ trên các mặt sau đây:

- Trong nền KTTT, cơ sở sản xuất là những đơn vị kinh tế độc lập, tự chủ, họ tự lo lấy vốn, vật tư, kĩ thuật để phục vụ sản xuất, tự chịu trách nhiệm về kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, bán cho ai là do tự họ định đoạt, Nhà nước không can thiệp vào trực tiếp như trước nữa. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay nhiều cơ quan Nhà nước, nhiều cấp chính quyền vẫn không muốn từ bỏ sự can thiệp này. Một số địa phương vẫn còn giao kế hoạch sản xuất, kế hoạch giao nộp và đóng góp cho các hợp tác xã và nông dân hay can thiệp vào công tác tổ chức và nhân sự các doanh nghiệp đóng trên địa bàn của địa phương mình… Trong sản xuất công nghiệp chế độ bao cấp vẫn còn trên thực tế.

- Để cho sản xuất hàng hóa phát triển nhanh, phát triển đúng quy luật, Nhà nước phải là người tạo ra môi trường kinh tế thuận lợi cho nó. Bằng chủ trương xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ” xóa bỏ chế độ nhiều giá, chúng ta đã khuyến khích sự ra đời nhanh của thị trường hàng hóa, thị trường vật tư kĩ thuật thông suốt và thống nhất trong cả nước - đây là điều tốt – song những thị trường khác rất cần thiết đối với hình thành và phát triển của sản xuất hàng hóa như thị trường sức lao động, thị trường đất đai, thị trường tiền tệ, thị trường chất xám.v.v… thì Nhà nước vẫn chưa có giải pháp rõ ràng, dứt khoát và có hiệu lực để hình thành nó . Đây chính là một trong những trở ngại đối với sự phát triển sản xuất hàng hóa ở nước ta hiện nay.

- Trong nền kinh tế thị trường, công cụ chủ yếu Nhà nước sử dụng để quản lý nền kinh tế là hệ thống Pháp luật. Hệ thống Pháp luật càng đầy đủ, đồng bộ bao nhiêu, việc quản lý của Nhà nước càng chặt chẽ, thuận lợi bấy nhiêu. Mấy năm qua Nhà nước ta cũng đã cố gắng giải quyết vấn đề này. Song phải nói rằng luật kinh tế chưa làm được bao nhiêu, nền kinh tế đã chuyển sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa, song luật rất cơ bản như luật lao động, luật thuê mướn nhân công, luật phá sản, luật doanh nghiệp Nhà nước, luật cạnh tranh và chống độc quyền…vẫn chưa có. Vì không có luật nên trong cách giải quyết công việc hàng ngày các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước còn rất lúng túng trong quản lý cả tầm vi mô lẫn vĩ mô. Cũng do chưa có luật nên một số cơ quan Nhà nước có trách nhiệm lại buông lỏng quản lý để mặc cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phi pháp hoạt động gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân.

- Trong nền KTTT, bộ máy Nhà nước phải được tổ chức gọn nhẹ, nhưng chất lượng phải tốt, hiệu lực chỉ đạo phải mạnh, nhất là bộ máy Công an – Thuế vụ – Hải quan – Tòa án, những công cụ thi hành Pháp luật chủ yếu của Nhà nước. Việc cải tổ cơ bản bộ máy Nhà nước Tháng 5/1992 đã tạo điều kiện và đặt ra những yêu cầu mới cho việc nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước. Tuy nhiên trong thực tế công việc này tiến hành chậm, còn nhiều lúng túng và vướng mắc, cụ thể là:

+ Bộ máy Nhà nước trung ương vẫn chưa hợp lý, nhiều cơ quan chưa rõ chức năng, nhiệm vụ, có người mới đề ra việc, nhiều người đứng đầu các cơ quan Nhà nước vẫn chưa phải là những người tiêu biểu, đại diện cho trí tuệ của cơ quan, của ngành đó.

+ Chức năng, nhiệm vụ và cách tổ chức bộ máy chính quyền ở các cấp vẫn chưa được phân định rõ ràng, còn gây nhiều nỗi băn khoăn trong cán bộ và nhân dân. Bộ máy hành chính còn rườm rà, các thủ tục hành chính còn phải qua rất nhiều khâu trung gian phức tạp, gây lo ngại trong nhân dân.

+ Luật viên chức Nhà nước vẫn chưa có. Các chức danh trong bộ máy quản lý chưa rõ, chính vì vậy việc bố trí người còn rất tùy tiện. Người đượcđào tạo chuyên môn, có tài năng không được quan tâm trọng dụng.

+ Việc đãi ngộ cho đội ngũ Nhà nước chưa xứng đáng, lương Nhà nước không đủ để nuôi sống bản thân và gia đình họ, tệ tham nhũng hối lộ, ô dù tràn lan và trở thành quốc nạn.

Một phần của tài liệu Tăng cường vai trò kinh tế của Nhà nước là nhân tố quan trọng để hình thành và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế mới ở nước ta hiện nay (Trang 26 - 29)