1. Cơ hội.
Một thuận lợi lớn cho ngành XK gỗ là sự thông thoáng trong các chính sách của Nhà nước về hoạt động XK, cũng như sự quan tâm tạo điều kiện của các ngành chức năng. Để góp phần đẩy mạnh XK sản phẩm gỗ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị từ tháng 06/2004, Bộ Thương Mại phối hợp với Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Hiệp Hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam cung cấp thông tin về nhu cầu XK và quy định hiện hành NK sản phẩm gỗ…, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ đồ gỗ quốc tế, xúc tiến thỏa thuận cấp Chính phủ với các nước về việc NK gỗ nguyên liệu theo hình thức đổi hàng,…
Việt Nam là quốc gia có điều kiện chính trị - xã hội ổn định, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
Thị trường đồ gỗ rất được ưa chuộng và đang ngày càng được mở rộng. Trong tương lai, sức mua sản phẩm này sẽ tăng mạnh. Thêm nữa, hiện tại Việt Nam là thành viên của các tổ chức quốc tế có uy tín như WTO, ASEAN, APEC,… và Hoa Kỳ cũng đã
ký Hiệp định PNTR với Việt Nam. Điều này giúp hàng hóa Việt Nam bình đẳng hơn trên thế giới vì được hưởng nhiều ưu đãi. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và SADACO đẩy mạnh XK.
Ngành gỗ hiện nay là một trong những ngành dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, đứng thứ 6 về kim ngạch XK trong 23 ngành hàng chủ yếu nên các doanh nghiệp XK trong lĩnh vực này sẽ thuận lợi hơn khi mức thuế suất được quy định hợp lý.
Ngành gỗ của Việt Nam là một ngành truyền thống có tiếng trên thế giới, do đó các sản phẩm nội ngoại thất và các sản phẩm trang trí được người tiêu dùng ưa chuộng bởi những họa tiết chạm trổ, tạo hình độc đáo.
2. Thách thức.
Trước hết, việc Việt Nam là thành viên của WTO là một cơ hội đồng thời cũng là một thách thức lớn với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ và lâm sản cũng như các doanh nghiệp khác, trong đó SADACO chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho quá trình hội nhập kinh tế, chưa đưa ra được các chiến lược thích ứng kịp thời. Hơn nữa, xu thế hội nhập với nhiều thay đổi trong các chính sách kinh tế của nhà nước cũng là một thách thức không nhỏ đối với hoạt động XK của công ty, đòi hỏi công ty phải thường xuyên cập nhật để nâng cao hiệu quả hoạt động XK của mình.
Nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác hiện đang cạnh tranh gay gắt. Đứng trước xu thế cạnh tranh ngày càng tăng như vậy, nếu công ty không liên tục cải tiến sản phẩm thì rất dễ có nguy cơ mất khách hàng do không đáp ứng được nhu cầu của họ.
Ngành chế biến gỗ Việt Nam đang phát triển rất nóng. Có rất nhiều dự án đầu tư mới hoặc mở rộng nhà xưởng từ các nguồn vốn trong và ngoài nước đòi hỏi một số lượng nhân công lớn một cách đột biến. Chính nhu cầu này đã dẫn đến sự chia sẻ nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp, nguy cơ bị mất nhân lực chất lượng cao, tình trạng khan hiếm lao động trong ngắn hạn… Vì vậy, chất lượng những nhân công này vẫn chưa thể đáp ứng cho việc sản xuất những sản phẩm đòi hỏi trình độ tay nghề cao.
Trong xu hướng toàn cầu hóa thương mại hiện nay, các nước phát triển đã tăng cường sử dụng các biện pháp về chống bán phá giá, chống trợ cấp nhằm bảo hộ nền sản
xuất nội địa. Từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã phải đối phó với hơn 20 vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với hàng hóa NK từ Việt Nam. Do đó, ngành gỗ rất có thể sẽ không phải là ngoại lệ với tốc độ phát triển nhanh chóng như hiện nay.
Hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất và chế biến gỗ vào Việt Nam ngày càng nhiều. Đặc biệt là các doanh nghiệp 100% vốn của Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia và các nước khác có thế mạnh khá toàn diện so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh ngay tại sân nhà.