5. Bố cục khóa luận
2.2.1. Nội thương
Sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp với ruộng đất tư hữu, những nhu cầu của nông nghiệp cũng như của đời sống nhân dân trong các thế kỷ XVII, XVIII đã tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế buôn bán phát triển lên một bước. Sự phát triển của các ngành thủ công cũng góp phần vào quá trình này.
Ở các làng xã, các chợ địa phương mọc lên nhiều, chẳng hạn ở Đông Triều (Hải Hưng) thuyền bè đi lại phần nhiều đến các bến các chợ Bí Giang, Lâm Xá. Trạo Hà, An Lâm để buôn bán ở đây người và hàng hóa tu họp đông
đúc. Các chợ nhỏ rải rác khắp nơi là nơi tiêu thụ các sản phẩm địa phương, giải quyết các nhu cầu hàng ngày của nhân dân làng xã. Các xứ, các phủ lớn lại có những chợ lớn hơn tụ tập đông người buôn bán hơn. Theo Phan Huy Chú, bấy giờ ở Đàng Ngoài có 8 chợ lớn phải nộp thuế cho nhà nước (trừ chợ Kinh Kỳ và Phố Hiến).
Chợ là trung tâm kinh tế để trao đổi hàng hóa của một xã hay một làng. Tại đây người nông dân và thợ thủ công mang sản phẩm mình sản xuất được như lương thực, thực phẩm, công cụ lao động, đồ dùng gia đình… ra chợ để mua bán, trao đổi. Có nhiều hình thức chợ: chợ hàng ngày, chợ họp phiên, chợ cuối năm có tính chất nghi lễ. Địa điểm họp chợ là những nơi rộng rãi, dễ lưu thông như bến sông, trục đường… Hầu hết các làng ở vùng đồng bằng đều có chợ, những chợ vùng (lớn) có phiên kế tiếp nhau vào những ngày lẻ, chẵn quanh năm, vì thế người dân một vùng có thể đi hết chợ này đến chợ khác. Tại vùng trung du và vùng núi, mật độ chợ thưa hơn. Hàng hóa chính ở đây là lâm thổ sản, mọi người mang đến bán hoặc đổi lấy nhu yếu phẩm từ miền xuôi. Ngoài ra thời kỳ này còn xuất hiện chợ chùa (hay chợ Tam bảo) họp tại các sân, bãi cạnh các chùa và thu nhập từ chợ được đưa lại cho chùa quản lý.
Ngoài việc buôn bán bằng xe, ngựa, các thương nhân hay sử dụng thuyền bè chở hàng mua bán tới các vùng xa. Ở Đàng Ngoài, thương nhân trở các thứ gạo, muối, hải sản, thuốc lào, sản phẩm thủ công v.v… lên bán cho nhân dân miền ngược rồi đổi lấy các lâm sản chở về. Muối là một loại hàng hóa được buôn bán nhiều (cùng với các loại nước mắm, mắm.v.v…..). Người ta đã đóng các thuyền lớn dài từ 30 đến 50 thước (hơn 12 mét) để chở muối đi bán các nơi. Nhân dân bấy giờ đã có câu ca:
Mấy năm ăn ở thuyền trên Bởi anh hàng muối cho nên mặn mà
Dưới thuyền nhịp bảy nhịp ba Bởi anh hàng trứng cho ra hai lòng…
Thăng Long vẫn đóng vai trò là trung tâm giao dịch lớn nhất của Đàng Ngoài như các đời trước. Ngoài nhu cầu tiêu dùng của vua Lê và chúa Trịnh, nơi đây còn có nhiều phường nghề thủ công như phường giấy Yên Thái, phường lụa Thụy Chương, phường bạc Đông Tác, phường sơn Nam Ngư, phường đồng Ngũ Xã…
cùng các phường buôn bán như phường Đồng Xuân, phường Gia Ngư, phường Hội Vũ, phường Kim Cổ. Những phường làm nghề thủ công thì bán sản phẩm ra tại chỗ, phường buôn bán thường kinh doanh chuyên sâu một số mặt hàng như Hàng Lược, Hàng Hài, Hàng Tre, Mã Mây, Hàng Muối… Alexandre de Rhodes mô tả Thăng Long - Kẻ Chợ vào thế kỷ XVIII trong sách Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài: rộng và dài khoảng 6.000 bước, phố phường rộng có thể đi 10 - 12 con ngựa; dân số khoảng 1 triệu người; có tới 50.000 người bán lẻ tại nhiều địa điểm trong thành phố và vì thế số người mua đông vô cùng. Đánh thuế thuyền buôn trở thành một nguồn lợi quan trọng của nhà nước Đàng Ngoài cũng như ở Đàng Trong. Đàng Ngoài có 23 sở tuần ty. Vì bọn quan thu thuế hạch sách quá lạm, nhà nước buộc phải bớt 13 sở vào năm 1664 và bớt 3 sở nữa vào năm 1723. Sau đó đặt thêm 3 nữa, cộng lại còn 10 sở.
Việc buôn bán phát triển đến nỗi, theo sử cũ, năm 1743 chúa Trịnh vừa miễn thuế đò và thuế tuần ty trong cả nước thì lập tức những bọn hào phú và kẻ tiểu dân lại nhân cơ hội mà phần nhiều đua nhau làm nghề ngọn, ít kẻ chuyên vụ nghề nông. Năm 1745 chúa Trịnh đánh thuế trở lại như cũ. Nhiều nhà buôn giàu xuất hiện như cha Nguyễn Hữu Chỉnh là Nguyễn Mẫn “gia tư kể hàng vạn”. Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết một số vấn đề xã hội. Chúa Trịnh doanh đã từng phát biểu: hiện nay sau cơn binh lửa, tài lực của dân thiếu thốn, chỉ còn trông vào các nhà buôn giàu buôn bán chuyển vận chỗ có đến chỗ không. Trong việc buôn bán này phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Người ta cũng thấy xuất hiện một số làng chuyên buôn như làng Tá Ngưu (Hải Hưng) chuyên buôn thuốc Bắc, làng Báo Đáp có nghề dệt vải và nghề nhuộm nhưng trong quá trình tiếp xúc thị trường đã tìm ra nguồn lợi lớn từ buôn bán, do đó họ chuyển hết sang nghề buôn. Làng Phù Lưu ở Bắc Ninh vốn có chợ hình thành từ thời Lê Sơ, người dân cũng có xu hướng chuyển sang buôn bán và chợ Phù Lưu trở thành chợ lớn. Ngoài ra, còn có những làng chuyển sang buôn bán khác như Đan Loan (Hải Dương), Đồng Tỉnh, Xuân Cầu (Hưng Yên), Đông Ngạc (Hà Nội).