Một số đề xuất với Nhà nước và các cơ quan chức năng

Một phần của tài liệu Thực trạng của đánh giá trọng yếu và rủi ro trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán BCTC tại một số công ty kiểm toán Việt Nam (Trang 30 - 34)

Thực trạng của đánh giá trọng yếu và rủi ro trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán BCTC tại một số công ty kiểm toán Việt Nam

2.3Một số đề xuất với Nhà nước và các cơ quan chức năng

Thực sự ra đời từ năm 1991, đến nay hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam đã đi được chặng đường hơn 15 năm. Tuy vẫn còn là một lĩnh vực non trẻ nhưng kiểm toán độc lập cũng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Song song với nó, môi trường pháp lý cho kiểm toán độc lập cũng dần từng bước được hoàn thiện. Từ những văn bản pháp quy ban đầu như nghị định 07/CP ngày 29/01/1994 của Chính phủ, một số Quyết định, Thông tư của Bộ tài chính như Thông tư số 22/TC/CĐKT ngày 19/3/1994,…mới đây sự ra đời của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 10/3/2004 và Nghị định 133/2005/NĐ-CP ngày 31/10/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân cho thấy môi trường pháp lý cho hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam hiện nay đã được hoàn thiện khá đầy đủ, chi tiết rõ ràng, có nhiều thuận lợi, tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán phát triển.

Đến nay, Bộ tài chính đã ban hành một hệ thống chuẩn mực khá đầy đủ cho thấy sự vận động không ngừng của Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện môi trường pháp lý, để kiểm toán hoạt động có được một nền tảng hoạt động thống nhất.

Tuy nhiên, hệ thống luật pháp liên quan tới hoạt động kế toán, kiểm toán của Việt Nam chưa thực sự hoàn chỉnh, đồng bộ và vẫn còn thay đổi. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm toán còn mới mẻ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân chưa nắm vững, hiểu rõ và chưa quan tâm thực hiện. Chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán mới ban hành chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập so với hệ thống các luật khác như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Các chuẩn mực kế toán, kiểm toán đã ban hành chưa có đủ thông tư hướng dẫn kịp thời, đầy đủ.

Nhìn chung, hệ thống văn bản này chưa tương xứng với thị trường kiểm toán Việt Nam. Bên cạnh đó, một số văn bản pháp lý về kế toán, kiểm toán được ban hành có khi lại mâu thuẫn với nhau gây khó khăn cho người thực hiện công tác kế toán, kiểm toán.

Theo kinh nghiệm của các công ty kiểm toán trên thế giới, hoạt động kiểm toán chỉ có thể phát triển nhanh chóng và toàn diện trong một môi trường pháp lý đã đầy đủ bao gồm các quy định mang tính pháp lý về quản lý hoạt động kiểm toán và những quy định mang tính chuẩn mực nghề nghiệp.Do đó, Chính phủ cũng như Bộ tài chính cần nhanh chóng ban hành những văn bản pháp lý về quản lý để đảm bảo hoạt động thành lập công ty kiểm toán, quản lý các công ty kiểm toán, hoạt động kiểm toán được quy định rõ ràng, đầy đủ. Không có sự mâu thuẫn giữa các văn bản pháp lý tới thực tiễn hoạt động.

Bộ tài chính cũng nên nhanh chóng ban hành đầy đủ các chuẩn mực kế toán và kiểm toán giúp cho các công ty kiểm toán thuận lợi trong khi tiến hành các hoạt động nghề nghiệp. Việt Nam cũng nên xây dựng chương trình hỗ trợ đào tạo các KTV quốc tế để giúp các công ty kiểm toán nâng cao chất lượng dịch vụ.

Việt Nam vẫn chưa ban hành được các quy chế kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán nên chất lượng còn phụ thuộc vào chủ quan của các công ty kiểm toán đã gây ra các hình thức cạnh tranh bất lợi cho nghề nghiệp.

Bộ tài chính chưa có chương trình đào tạo KTV, chương trình cập nhật kiến thức hàng năm cho phù hợp theo từng loại cấp độ KTV. Đặc biệt Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, mở cửa và tiếp cận với nền kinh tế thế giới, hoạt động kinh tế rất đa dạng, phức tạp, các hình thức và lĩnh vực đầu tư đang hình thành đòi hỏi trình độ, kiến thức của KTV phải không ngừng nâng cao và mở rộng.

Do vậy Nhà Nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán, cụ thể:

- Bộ Tài chính tiếp tục ban hành đầy đủ các chuẩn mực kiểm toán, kế toán, các thông tư hướng dẫn chuẩn mực.

- Bộ Tài chính sớm xây dựng cơ chế giám sát chất lượng dịch vụ của KTV và công ty kế toán, kiểm toán.

- Cần tăng cường vai trò của Hội kế toán Việt Nam và Hội KTV hành nghề Việt Nam đối với công tác quản lý hoạt động kiểm toán như đã nêu trong điều lệ của Hội. Hiện nay, Hội kế toán Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 76 của IFAC và là thành viên thứ 7 của Hiệp hội kế toán Đông Nam Á (AFA). Tuy nhiên kết quả hoạt động của Hội vẫn còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng của hội cũng như đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của công cuộc đổi mới, hội nhập. Hiệp hội kế toán – kiểm toán Việt Nam phải trở thành hạt nhân liên kết, hợp tác các công ty kiểm toán để nhân sức mạnh của ngành kiểm toán độc lập Việt Nam.

Để tạo điều kiện hội nhập trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán, các Hiệp hội nghề nghiệp cần quan tâm tới việc nâng cao chất lượng KTV, củng cố hoạt động của các hiệp hội, tổ chức kế toán, kiểm toán. Bộ tài chính nên xem xét việc chuyển giao một số chức năng quản lý hoạt động nghề nghiệp kiểm toán cho Hội kế toán Việt Nam và Hội KTV hành nghề Việt Nam như: Quản lý thống nhất và chặt chẽ danh sách KTV hành nghề, danh sách Công ty kiểm toán và hoạt động nghề nghiệp của KTV; thực hiện kiểm tra tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán và các chuẩn mực kế toán, kiểm toán trong các công ty kiểm toán.

KẾT LUẬN

Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nóng. Để nắm bắt được cơ hội kinh doanh và đưa ra những quyết định đúng đắn, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư đòi hỏi phải có được những thông tin chính xác về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp mà cụ thể nhất là các thông tin trong BCTC. Đứng trước yêu cầu đó, các công ty kiểm toán cũng tăng lên với số lượng không nhỏ. Chất lượng dịch vụ kiểm toán cũng đặt ra một vấn đề thực sự cần có sự quan tâm thích đáng.

Đề tài “Đánh giá tính trọng yếu và rủi ro kiểm toán trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán BCTC” của tôi đi sâu vào trình bày cơ sở lí luận và vận dụng để xây dựng quy trình hợp lý đảm bảo đánh giá hiệu quả tính trọng yếu và rủi ro trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán BCTC. Qua đó thấy được tầm quan trọng của nó trong việc hoàn thiện quy trình của toàn bộ cuộc kiểm toán và áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn phù hợp vận dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Tôi xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn tận tình của cô giáo TS. Nguyễn Phương Hoa đã giúp tôi hoàn thành đề án này.

Song do hạn chế về thời gian nghiên cứu và chưa đầy đủ về kiến thức nên phần trình bày của tôi còn nhiều thiếu sót. Tôi rất mong nhận được sự góp ý từ các thầy cô giáo, các bạn để tôi hoàn thiện hơn đề án môn học này.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội ngày 12 tháng 11 năm 2007

Một phần của tài liệu Thực trạng của đánh giá trọng yếu và rủi ro trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán BCTC tại một số công ty kiểm toán Việt Nam (Trang 30 - 34)