Những tồn tại cần hoàn thiện

Một phần của tài liệu Thực trạng của đánh giá trọng yếu và rủi ro trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán BCTC tại một số công ty kiểm toán Việt Nam (Trang 27 - 30)

Thực trạng của đánh giá trọng yếu và rủi ro trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán BCTC tại một số công ty kiểm toán Việt Nam

2.2 Những tồn tại cần hoàn thiện

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, quy trình đánh giá rủi ro và trọng yếu trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán còn một số tồn tại sau:

Trước khi quyết định có cung cấp dịch vụ kiểm toán cho một khách hàng hay không, kiểm toán viên phải tiến hành đánh giá rủi ro khi chấp nhận hợp đồng. Đây là một công việc rất quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn đến uy tín và danh tiếng của một công ty kiểm toán. Nếu kiểm toán viên đánh giá công ty kiểm toán có khả năng chấp nhận hợp đồng kiểm toán đối với một khách hàng nhưng thực tế cuộc kiểm toán này lại có mức rủi ro cao thì công ty kiểm toán đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thu thập bằng chứng kiểm toán để có thể đưa ra được kết luận trung thực, hợp lý. Trong các trường hợp như vậy, công ty kiểm toán và kiểm toán viên sẽ rất dễ đưa ra các kết luận sai lầm. Đây là một điều mà bất cứ công ty kiểm toán nào cũng không muốn gặp phải.

Trước hết, để đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng, các công ty kiểm toán đã tự thiết kế và quy định bảng câu hỏi về hệ thống kiểm soát nội bộ. Tuy nhiên khi đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ dựa vào bảng câu hỏi, hầu

hết các công ty kiểm toán chưa đưa ra tiêu thức để đánh giá, chưa quy định rõ ràng trong trường hợp nào thì KTV đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của công ty khách hàng là khá, trung bình hay thấp. Kết luận của KTV về hệ thống KSNB sau khi đã trả lời các câu hỏi trong bảng phụ thuộc vào xét đoán chủ quan của KTV. Vì thế rất dễ xảy ra khả năng đối với một trường hợp cụ thể, KTV này thấy chưa được nhưng KTV khác lại cho rằng có thể bỏ qua. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho các KTV trong quá trình đưa ra kết luận về hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng cũng như không tạo nên sự nhất quán đánh giá của KTV.

Để đánh giá rủi ro kiểm soát cho toàn bộ BCTC và cho các khoản mục, KTV của các công ty kiểm toán đánh giá dựa trên bảng câu hỏi về hệ thống kiểm soát nội bộ. Bảng câu hỏi này được thiết kế cho các yếu tố trong hệ thống kiểm soát nội bộ và cho từng khoản mục trên Báo cáo tài chính. VSA 400 quy định: “Sau khi hiểu được hệ thống kế toán và kiểm soát nội bộ, kiểm toán viên phải thực hiện đánh giá ban đầu về rủi ro kiểm soát theo các cơ sở dẫn liệu cho số dư của mỗi tài khoản trọng yếu.” Tuy nhiên bảng câu hỏi đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ hầu như không được thiết kế để đánh giá cho từng cơ sở dẫn liệu của các tài khoản trọng yếu. KTV đánh giá rủi ro kiểm soát chưa thực hiện cho từng mục tiêu kiểm soát chi tiết.

Ngoài ra khi đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán viên chủ yếu sử dụng Bảng câu hỏi đánh giá hệ thống kiểm soát. Bảng câu hỏi được thiết kế để đánh giá một số điểm quan trọng của hệ thống kiểm soát. Tuy nhiên khi xem xét hệ thống kiểm soát tại một doanh nghiệp, ta còn nhận thấy có các quy trình kiểm soát đã có trong doanh nghiệp. Các quy trình kiểm soát này không được khái quát lại trên giấy tờ làm việc của kiểm toán viên. Vì không được khái quát lại nên có thể dẫn đến khả năng người soát xét cuộc kiểm toán không thấy hết được những mặt được và chưa được của hệ thống kiểm soát cũng như có thể không hiểu rõ được vì sao kiểm toán viên lại đưa ra kết luận như vậy.

Trong quy trình đánh giá trọng yếu và rủi ro, thủ tục phân tích chủ yếu được vận dụng trong giai đoạn đầu khi kiểm toán viên đánh giá rủi ro chấp nhận hợp đồng kiểm toán và giai đoạn khi kiểm toán viên đánh giá rủi ro tiềm tàng trên từng khoản mục của BCTC. Vận dụng thủ tục phân tích (bao gồm phân tích ngang và phân tích dọc) cho kiểm toán viên một cái nhìn ban đầu về tình hình tài chính của khách hàng, cho thấy được những biến động bất thường, khoanh vùng những khoản trọng yếu, dễ xảy ra sai sót, giúp kiểm toán viên có định hướng trong các đánh giá tiếp theo. Tuy nhiên thủ tục phân tích ở các công ty kiểm toán còn sơ sài và chưa thực hiện hiệu quả. Trước hết là thủ tục phân tích dọc chỉ được tiến hành phân tích với các khoản mục trên BCĐKT và BCKQKD, còn các tỷ suất tài chính được sử dụng rất hạn chế (gần như chỉ dùng tỷ suất khả năng thanh toán). Điều này làm giảm các thông tin rất quan trọng có thể thu được (nếu phân tích kĩ và sử dụng triệt để các tỷ suất tài chính) trong việc tìm hiều về nội dung BCTC và xác định trọng yếu và rủi ro kiểm toán liên quan đến tình hình tài chính, các thay đổi trong chính sách quản lý, kinh doanh của khách hàng. Bên cạnh đó, việc phân tích ngang (phân tích xu hướng) chủ yếu chỉ là so sánh với các số liệu của năm trước và tất cả nguồn thông tin để phân tích là các số liệu do kế toán trong nội bộ khách hàng cung cấp, kiểm toán viên không có trong tay số liệu ngành để so sánh nên không thể đưa ra các kết luận chính xác đối với các biến động bất thường trong hoạt động kinh doanh của khách hàng do đó khó có được đánh giá chuản về mức trọng yếu và rủi ro kiểm toán đối với BCTC của khách hàng.

Mặc dù đã từng bước chú trọng đến công tác đánh giá trọng yếu và rủi ro kiểm toán, tuy nhiên đối với một số khách hàng có quy mô nhỏ, việc đánh giá trọng yếu và rủi ro kiểm toán thường không được các kiểm toán viên đánh giá chi tiết và thể hiện đầy đủ trên giấy tờ làm việc. Trong một số hồ sơ kiểm toán đối với khách hàng có quy mô nhỏ, ta có thể thấy kiểm toán viên đánh giá rủi ro

ở mức độ thấp, trung bình hay cao nhưng không có căn cứ đi kèm hoặc việc trình bày không rõ ràng khiến người đọc không hiểu hết được vì sao kiểm toán viên lại đưa ra kết luận như vậy.

Trong trường hợp kiểm toán viên đánh giá rủi ro và trọng yếu kiểm toán nhưng không thể hiện rõ trên giấy tờ làm việc lí do kiểm toán viên đưa ra đánh giá như vậy, công tác soát xét của trưởng nhóm cúng như của phòng kiểm soát chất lượng và Ban Giám Đốc sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra khi một kiểm toán viên khác năm sau tiếp tục kiểm toán cho khách hàng đó sẽ khó khăn trong quá trình xem xét hồ sơ kiểm toán năm trước để hỗ trợ cho công tác đánh giá rủi ro và trọng yếu cũng như các công việc có liên quan khác.

Một phần của tài liệu Thực trạng của đánh giá trọng yếu và rủi ro trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán BCTC tại một số công ty kiểm toán Việt Nam (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(34 trang)
w