3.1.Định hướng phát triển TTCK Việt Nam .
Trên cơ sở thực trạng hoạt động của thị trường chứng khoán TTCK
Việt Nam, kết hợp với sự khảo sát và tư vấn của Ngân hàng Phát triển châu Á, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang tiến hành xây dựng Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam. Hiện tại, cơ quan quản lý đang hoàn thiện bản Dự thảo này và dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong thời gian tới.
Bản Dự thảo được xây dựng dựa trên quan điểm xây dựng một TTCK có quy mô từ nhỏ đến lớn phù hợp với điều kiện và nhu cầu của Việt Nam trong từng giai đoạn, đồng thời đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; xây dựng thị trường hoạt động an toàn, ổn định, hiệu quả và tôn trọng các quy luật thị trường; Nhà nước phải giữ vai trò quản lý đảm bảo an toàn và tạo động lực phát triển thị trường, đảm bảo tính hệ thống, thống nhất, không cản trở nhau.
Mục tiêu tổng quát
Căn cứ vào nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đề ra là "Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Đưa GDP năm 2010 lên ít nhất gấp đôi năm 2000. Phát triển nhanh và bền vững thị trường vốn, nhất là thị trường vốn dài hạn và trung hạn. Tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm an toàn, hiệu quả,…", bản Dự thảo đã đưa ra 3 mục tiêu tổng quát của TTCK trong vòng 10 năm tới. Thứ nhất, huy động nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Thứ hai, góp phần phát triển thị trường tài chính Việt Nam, đảm bảo ổn định và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Thứ ba, củng cố, ổn định hoạt động của thị trường, đồng thời mở rộng phạm vi quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động, hoàn thiện việc quản lý giám sát thị trường bảo vệ có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nâng cao khả năng cạnh tranh và chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế.
Những mục tiêu cụ thể
Về hệ thống hoạt động: Hiện có 19 công ty niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TTGDCK TP.HCM. Dự kiến đến năm 2005, sẽ có 100 công ty niêm yết và đến năm 2010 sẽ có 500 công ty niêm yết. TTGDCK Hà Nội dự kiến mở cửa hoạt động vào năm 2003 với 10 đến 15 công ty niêm yết
và đến năm 2010, sẽ có 700 công ty niêm yết trên thị trường này. Về trái phiếu, cổ phiếu công trình, dự kiến năm 2005 phát hành được từ 5 đến 7 ngàn tỷ đồng và năm 2010 là 10 đến 15 ngàn tỷ đồng đưa vào giao dịch tại TTGDCK.Về quy mô thị trường: Năm 2002 tổng giá trị thị trường đạt 0,34% GDP, dự kiến năm 2005 là 4%-5% GDP tương đương với 25.000 đến 37.000 tỷ đồng. Năn 2010, quy mô thị trường vào khoảng 110.000-190.000 tỷ đồng, bằng 15 – 20% GDP.
Về tổ chức trung gian tài chính: Quy mô và số lượng tổ chức trung gian tài chính phụ thuộc vào quy mô thị trường. Năm 2002 có 9 công ty chứng khoán, dự kiến năm 2005 sẽ có 15 đến 20 công ty chứng khoán, 3 đến 5 công ty quản lý quỹ đầu tư, 2 công ty định mức tín nhiệm. Năm 2010, dự kiến có 30 đến 36 công ty chứng khoán, 5 đến 10 công ty quản lý quỹ và 2 đến 3 công ty định mức tín nhiệm. Về quỹ đầu tư, dự kiến sẽ có 3 đến 7 quỹ đầu tư vào năm 2005 và 10 đến 16 quỹ đầu tư vào năm 2010.
Giải pháp thực hiện
Từ mục tiêu tổng quát, Dự thảo Chiến lược dự kiến các giải pháp chính sau đây:
- Tăng cung hàng hoá cho thị trường bằng việc nghiên cứu ban hành các chính sách cho phép chuyển công ty liên doanh thành công ty cổ phần; khuyến khích công ty cổ phần, công ty tư nhân, công ty liên doanh phát hành ra công chúng bằng việc ưu đãi thuế, ưu đãi cho vay thương mại, cho phép đăng ký phát hành khung, khuyến khích các công ty đầu tư mạo hiểm... Khuyến khích đưa thêm các loại cổ phiếu ưu đãi, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu công trình, trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi, chứng chỉ quỹ đầu tư,... vào niêm yết. Nghiên cứu các chính sách ưu đãi đối với các quỹ đầu tư như ưu đãi thuế thu nhập tương tự như các nhà đầu tư cá nhân. - Đẩy mạnh cầu chứng khoán trong và ngoài nước thông qua việc thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường. Phát triển các nhà đầu tư có tổ chức tham gia thị trường và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu ban hành các chính sách kích cầu như: phát triển chương trình bán cổ phiếu cho người lao động trong doanh nghiệp; nới lỏng các quy định hạn chế và có chính sách ưu đãi thuế cho các tổ chức tín dụng tham gia thị trường; thúc đẩy thành lập các quỹ đầu tư và công ty tư vấn đầu tư, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nhỏ; nới lỏng hạn chế đầu tư của nước ngoài; thành lập quỹ bình ổn thị trường,... - Phát triển các công ty chứng khoán theo hướng nâng cấp quy mô vốn và mở rộng hoạt động nghiệp vụ của các công ty chứng khoán. Dự kiến đến năm 2010, sẽ nâng quy mô vốn tối thiểu của các công ty chứng khoán lên 20 tỷ đồng. Hình thành 4 đến 5 công ty chứng khoán có quy mô lớn, chuyên
môn hoá hoạt động bảo lãnh phát hành. Các công ty còn lại chủ yếu chỉ hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư tài chính. Ban hành chính sách tiếp tục ưu đãi thuế cho ngành chứng khoán.
- Ngoài ra, sẽ có chính sách phát triển số lượng công ty chứng khoán nhằm tạo sự cạnh tranh khuyến khích các công ty chứng khoán liên doanh với nước ngoài, cho phép sáp nhập các công ty chứng khoán, tiến tới thực hiện việc niêm yết cổ phiếu của công ty chứng khoán.
- Hiện đại hoá các hệ thống và nâng cấp hoạt động của TTGDCK, mà trước hết là nâng cấp hệ thống giao dịch theo hướng đưa hệ thống giao dịch tự động mới vào vận hành, có thể khớp lệnh liên tục hoặc định kỳ. Kết nối mạng diện rộng với các công ty chứng khoán thành viên. Áp dụng hệ thống ngừng giao dịch tự động khi đưa hệ thống khớp lệnh liên tục vào hoạt động. Từng bước tăng thời lượng giao dịch và số lần khớp lệnh trong để phù hợp với nhu cầu giao dịch ngày càng tăng và tăng tính lưu hoạt của thị trường. Dự kiến sẽ tăng lên 3 lần khớp lệnh trong 1 phiên giao dịch vào năm 2003, từ năm 2005 trở đi, sẽ thực hiện khớp lệnh liên tục.
- Xây dựng và hoàn thiện các tổ chức thị trường, cụ thể: Xây dựng thị trường giao dịch chứng khoán cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đưa TTGDCK Hà Nội vào hoạt động với chức năng tổ chức vận hành thị trường giao dịch các cổ phiếu doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, theo phương thức khớp lệnh tập trung. Thị trường này trước mắt có cơ chế định giá, thanh toán, lưu ký, giám sát, quản lý tương tự như TTGDCK TP.HCM hiện nay.
Phát triển các TTGDCK thành sở Giao dịch Chứng khoán duy nhất của Việt Nam, độc lập với UBCKNN, với các tổ chức thành viên là các TTGDCK, Trung tâm lưu ký.
Xây dựng thị trường OTC, với cơ chế định giá phi tập trung để hoàn thiện hệ thống TTCK Việt Nam về các phương tiện định giá và tổ chức thị trường, tạo sự linh hoạt và thuận tiện hơn cho người tham gia thị trường. Xúc tiến hình thành Hiệp hội Chứng khoán Việt Nam, với sự tham gia của mọi đối tượng trên thị trường, hoạt động như một tổ chức tự quản, hỗ trợ cho việc đào tạo quản lý, giám sát nhằm ổn định và phát triển thị trường, ... Phát triển các tổ chức đăng ký chuyển nhượng chứng khoán. Trước mắt cho phép các TTGDCK tổ chức nghiệp vụ đăng ký chuyển nhượng sở hữu chứng khoán cho các doanh nghiệp. Nghiên cứu bổ sung cơ sở pháp lý cho các định chế cung cấp dịch vụ đăng ký chuyển nhượng chứng khoán, tiến tới cấp phép hoạt động cho các tổ chức này.Khuyến khích các tổ chức định mức tín nhiệm tham gia thị trường. Trước mắt sẽ nghiên cứu triển khai cho phép các tổ chức định mức tín nhiệm nước ngoài cung cấp dịch vụ định mức tín
nhiệm tại Việt Nam, tiến tới cho phép thành lập các tổ chức định mức tín nhiệm Việt Nam.
Một số giải pháp khác cũng được tính đến trong chiến lược 10 năm, như tăng cường hợp tác quốc tế, tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán... Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu đề ra, các bộ, ngành chức năng cần góp sức giải quyết những vấn đề liên quan. Bản Dự thảo cũng chỉ ra những việc cần làm, như phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi thuế, phí đối với thị trường; chính sách liên kết cổ phần hoá với niêm yết, phát hành ra công chúng, phát triển các tổ chức định mức tín nhiệm ở Việt Nam. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định chuyển đổi các công ty liên doanh thành công ty cổ phần; thẩm định các dự án về đầu tư cho Trung tâm Giao dịch Hà Nội và hiện đại hoá Trung tâm Giao dịch TP. HCM. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Quy định về quản lý ngoại hối đối với nhà đầu tư nước ngoài; thẩm định, cho phép các ngân hàng cổ phần tham gia niêm yết; xây dựng đề án phát hành cổ phiếu, trái phiếu của ngân hàng quốc doanh, ...