CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG VỀ HUY ĐỘNG VỐN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
2.3. Đánh giá thực trạng huy động vốn của các doanh nghiệp Việt Nam 1 Những thành tựu đạt được
Mức vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp ngày một tăng. Thời kỳ 1991- 1999, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là gần 0,57 tỷ đồng, năm 2000 là 0,96 tỷ đồng, năm 2001 là 1,3 tỷ đồng và năm 2002 là.1,8 tỷ đồng. Doanh nghiệp có số vốn đăng ký thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 200 tỷ đồng (hơn 130 triệu USD). Một điều đáng chú ý là số vốn đầu tư thực tế cao hơn số vốn đăng ký ở cùng thời kỳ và doanh nghiệp tư nhân trong nước là nhà đầu tư chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn. Như ở Lào Cai, trong khi vốn đăng ký kinh doanh năm 2002 chỉ khoảng 93 tỷ, thì vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp là 422 tỷ. ở các địa phương khác, cũng tương tự. Qua 6 năm thi hành Luật Doanh nghiệp, đã có 160.752 doanh nghiệp được thành lập, huy động 321,25 ngàn tỷ đồng vốn đăng ký ban đầu. Đồng thời, các doanh nghiệp đang hoạt động cũng đã đăng ký bổ sung 103,47 ngàn tỷ đồng vốn. Trong đó riêng năm 2005, số vốn đăng ký bổ sung này là 38,34 ngàn tỷ đồng.
- Bước đầu đã thu hút được vốn từ việc phát hành cổ phiếu & phát hành trái phiếu công ty. Chính phủ đã ban hành những quy định rõ ràng hơn về việc phát hành cổ phiếu & trái phiếu của doanh nghiệp. Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2007 sẽ tạo khung hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp. Như Nghị định 52/2006/NĐ- CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã mở ra một kênh mới để huy động vốn cho doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp tham gia huy động vốn trên thị trường để phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển của doanh nghiệp, kể cả mục tiêu tăng quy mô vốn tự có.
- Tín dụng ngân hàng vẫn là hình thức huy động vốn chủ yếu của các doanh nghiệp nước ta. Hoạt động chủ yếu của các Tổ chức Tín dụng vẫn là huy động và cho vay với các hình thức tín dụng truyền thống, chiếm 75 - 80% thị phần cũng như tài sản của toàn hệ thống ngân hàng. Một số ngân hàng có chiến lược rõ ràng hướng về khu vực DN vừa & nhỏ, mỗi ngân hàng đã dành một lượng vốn nhất định để cho khu vực doanh nghiệp này vay. Một số ngân hàng cũng đang thay đổi chế độ cho vay đối với DN vừa& nhỏ, có sự linh hoạt hơn, thích hợp hơn với cơ
chế thị trường. Trong hai năm gần đây, số vốn mà các ngân hàng thương mại cho các DN vừa & nhỏ vay chiếm bình quân 40% tổng dư nợ. Theo đại diện các ngân hàng, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay; thậm chí có những trường hợp chiếm từ 50 – 60% tổng dư nợ như Ngân hàng Công thương Việt Nam.
- Tính đến nay với hơn chục công ty cho thuê tài chính, trên 500 nhân viên chuyên nghiệp, vốn tự có trên 900 tỷ đồng và vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, hoạt động cho thuê tài chính đã đảm bảo nộp ngân sách, có lãi và góp phần hỗ trợ tích cực trong việc cung cấp các giải pháp tài chính cho DN, đặc biệt là khu vực DN vừa và nhỏ. Mặc dù ra đời chưa lâu nhưng hoạt động CTTC của chúng ta đã có những bước phát triển đáng kể. CTTC thực sự là một kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng được đánh giá là khá hữu hiệu tạo điều kiện thu hút vốn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ. Quy mô hoạt động kinh doanh CTTC phát triển khá nhanh và tăng trưởng vượt bậc qua các năm.
Có một điều rất đáng khuyến khích là trong hoạt động kinh doanh của mình các công ty CTTC thường không có sự phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế khác nhau, đối tượng CTTC chủ yếu là các DN ngoài quốc doanh; các DN đi thuê còn được hưởng lợi ích từ các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến; được hưởng các dịch vụ tư vấn miễn phí và những thông tin cần thiết khác từ những nhà cung cấp dịch vụ.